Thách thức cho Việt Nam khi các nước ASEAN lần lượt kiểm soát thuốc lá mới

10/07/2024 15:00 GMT+7

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đang khuyến nghị cần cấm thuốc lá mới, gồm thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá điện tử (TLĐT), với một trong những lý do đó là năng lực kiểm nghiệm sản phẩm và thực thi pháp luật trong việc quản lý các mặt hàng này là thách thức đối với Việt Nam.

Trong khi đó, các nước láng giềng như Indonesia, Malaysia, Philippines... đã nghiễm nhiên quản lý TLLN như là sản phẩm thuốc lá, mặc dù vẫn có những lo ngại tương tự như Việt Nam đối với vấn đề ngăn chặn giới trẻ, năng lực quản lý, hệ thống thanh kiểm. Cập nhập diễn tiến mới nhất, Thái Lan có khả năng sẽ là một trong các quốc gia tiếp theo hợp pháp hóa thuốc lá mới để kiểm soát hiệu quả hơn, nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua trong năm nay.

Năng lực kiểm soát thuốc lá: Việt Nam có thật hạn chế như WHO đánh giá?

Tại hội thảo "Thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam: Khuyến nghị chính sách" ngày 19.3, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, cần phải quan tâm đến năng lực quản lý hiện nay của Việt Nam có bảo đảm không, nếu cho phép thuốc lá thế hệ mới hay cần cân nhắc các vấn đề liên quan sức khỏe người dân. Song song đó, đại diện của WHO tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam là quốc gia chưa đủ năng lực kiểm nghiệm sản phẩm và thực thi pháp luật để quản lý mặt hàng này, nên cấm là lựa chọn duy nhất.

Thách thức cho Việt Nam khi các nước ASEAN lần lượt kiểm soát thuốc lá mới- Ảnh 1.

Tuy nhiên, từ năm 2005, Việt Nam là một trong những quốc gia ký kết sớm nhất Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) do WHO chủ trì. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt những thành tựu nhất định trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Đáng lưu ý, nhờ thực thi Luật PCTHTL 2012 và các quy định hiện hành đối với thuốc lá điếu, đến năm 2020 tỷ lệ hút thuốc lá điếu tại Việt Nam đã giảm được 2%.

Ngoài ra, khác với các quốc gia khác, việc kiểm soát lưu thông các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam thuộc các công ty Nhà nước, chịu sự điều phối, quản lý, báo cáo cho Chính phủ.

Theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng vụ Pháp luật - Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp: "So với các nước, luật pháp Việt Nam về thuốc lá đã có đầy đủ". Do vậy, theo ông cơ quan chức năng cần sớm đưa các sản phẩm TLLN, TLĐT vào quản lý để góp phần ngăn chặn tình trạng sử dụng sản phẩm này ở giới trẻ hiện nay, cũng như có cơ sở để cấm các sản phẩm ma túy 'núp bóng'.

Về cam kết phát triển của ngành, mới đây nhất theo Điều 1, Quyết định số 780/QĐ-UBQLV ngày 29.12.2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành, định hướng phát triển của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đến năm 2035 sẽ phát triển ngành thuốc lá bền vững gắn với đổi mới công nghệ, hiện đại hóa máy móc trong sản xuất và chế biến thuốc lá có hiệu quả nhằm sản xuất những sản phẩm giảm thiểu tác hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm xã hội.

Do vậy, việc kết luận của WHO đối với năng lực quản lý các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam, theo các chuyên gia, có thể hạn chế cơ hội để Việt Nam phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực. Điều này được đặt trong bối cảnh quốc gia đã kiện toàn cả về hệ thống pháp lý, năng lực kiểm soát của Chính phủ, và cam kết của các doanh nghiệp Nhà nước về kinh doanh thuốc lá.

Việt Nam đủ điều kiện hòa nhập cùng các quốc gia đi trước trong kiểm soát thuốc lá mới

Trong một diễn tiến gần nhất, Thái Lan - một trong những quốc gia ban hành lệnh cấm đối với TLĐT suốt 10 năm qua - hiện đang có những bước đánh giá lại hiệu quả của lệnh cấm này, đồng thời hành động để tìm kiếm giải pháp phù hợp hơn.

Từ tháng 9.2023, Thái Lan đã thành lập Ủy ban Đặc biệt của Quốc hội (bao gồm 35 thành viên đại diện cho các cơ quan chính phủ, tổ chức dân sự, xã hội và cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực thuốc lá mới) để nghiên cứu, rà soát tình hình thực tiễn và đề xuất giải pháp mới. Tháng 6 vừa qua, Ủy ban này đã đề xuất 3 phương án chính sách mới, bao gồm: Sửa đổi tất cả các luật liên quan để hình sự hóa hành vi kinh doanh và sở hữu TLĐT, hợp pháp hóa riêng TLLN, hoặc đưa cả TLLN và TLĐT vào kiểm soát chặt chẽ.

Thách thức cho Việt Nam khi các nước ASEAN lần lượt kiểm soát thuốc lá mới- Ảnh 2.

Sắp tới đây Ủy ban cũng thực hiện chuyến khảo sát tại Trung Quốc để học hỏi và trao đổi kiến thức về các khía cạnh pháp lý, kinh tế và xã hội, giúp Thái Lan điều chỉnh các biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả.

Trong khi đó, Philippines là quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá điếu tương đồng với Việt Nam ở mức 16,4 triệu người. Chia sẻ tại Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá do WHO chủ trì (FCTC) lần thứ 10 (COP10), đại diện Philippines nêu rõ, mức sử dụng thuốc lá tại nước này đã giảm từ 23,8% (2015) xuống 19,5% (2021), theo Điều tra Toàn cầu về Sử dụng thuốc lá (GATS).

Tiến bộ này đạt được nhờ vào việc thực hiện WHO - FCTC, bên cạnh nỗ lực của toàn xã hội và hệ thống. Trong đó, năm 2022 Philippines đã ban hành Đạo luật Cộng hòa số 11900 về Quản lý các Sản phẩm thuốc lá mới. Đạo luật này bổ sung cho các biện pháp kiểm soát thuốc lá hiện đang được áp dụng tại Philippines.

Theo báo cáo gần nhất của WHO, 175 quốc gia đã đưa TLLN vào quản lý, trong đó bên cạnh các nước phát triển còn có các nước đang phát triển và có nền kinh tế, xã hội, nhân khẩu học tương đồng với Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia,…

Do đó, các chuyên gia đặt vấn đề, Việt Nam có thể tham khảo cách mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã quản lý TLLN để tăng cường hiệu quả của chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn diện, thay vì chấp nhận hạn chế trong năng lực thanh kiểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.