Thái Bình: 25 hộ dân nuôi trồng thủy sản suốt 6 năm mòn mỏi chờ tiền hỗ trợ

Cù Hiền
Cù Hiền
17/05/2022 10:21 GMT+7

Đợt rét đậm rét hại năm 2016 khiến nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại 4 xã của H.Tiền Hải (Thái Bình) điêu đứng. Chính quyền sau đó đã có phương án hỗ trợ hộ dân bị ảnh hưởng để sớm khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, đã 6 năm trôi qua, tiền hỗ trợ cho 25 hộ dân ở xã Nam Phú đến giờ vẫn chưa thể đến tay người dân.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Huy Thục (68 tuổi), ở thôn Bình Thành, xã Nam Phú, là hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị ảnh hưởng nặng nhất nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ sau 6 năm trôi qua, không giấu nổi bức xúc.

Ông Phạm Huy Thục (68 tuổi), ở thôn Bình Thành, xã Nam Phú, bức xúc khi gia đình ông bị thiệt hại nặng nề nhưng 7 năm qua vẫn không nhận được tiền hỗ trợ

C.H

Năm 2016, khoảng 17 tấn cá trong ao của gia đình ông bị chết rét, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Đoàn kiểm tra của xã xác định gia đình ông được hỗ trợ 140 triệu đồng. Tuy nhiên đã 6 năm qua rồi, đến giờ nhà ông vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định.

3 xã đã giải ngân xong, một xã đến 6 năm vẫn chưa giải quyết

Trước đó, năm 2016, căn cứ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy hải sản để khôi phục sản xuất, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định phê duyệt chính sách hỗ trợ những hộ gia đình bị ảnh hưởng.

Cụ thể, những hộ NTTS có tỷ lệ cá chết trên 70% thì định mức hỗ trợ là 10 triệu đồng/ha. Tiền hỗ trợ lấy từ nguồn ngân sách trung ương 70%, 30% còn lại lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.

Theo đó, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ 5 tỉ 138 triệu đồng, cấp cho các hộ NTTS bị thiệt hại tại hai huyện là Thái Thụy và Tiền Hải.

Được biết, 4 xã của H.Tiền Hải có hộ dân NTTS bị ảnh hưởng và được hỗ trợ, gồm các xã: Nam Thịnh, Nam Cường, Nam Phú, Đông Minh với tổng diện tích 68,61 ha, tương đương 680 triệu đồng tiền hỗ trợ.

Anh Phạm Văn Chế, cán bộ phát triển kinh tế thủy sản và lâm sinh xã Nam Thịnh, chia sẻ: “Sau trận rét khoảng 5 ngày, cá chết sẽ nổi lên bề mặt nước. Lúc này, là quản lý NTTS nên tôi đi xem xét để nắm bắt tình hình. Mặc dù chưa biết có được nhà nước hỗ trợ hay không nhưng UBND xã Nam Thịnh vẫn thành lập một đoàn kiểm tra đến từng nhà NTTS”.

Theo anh Chế, cán bộ xã sẽ thông báo trên loa phát thanh, thống kê những hộ dân có cá bị chết từ 30% trở lên. Hộ dân nào nằm trong diện đó sẽ báo cáo với trưởng thôn hoặc đến UBND xã khai báo. Sau đó, đoàn kiểm tra của xã sẽ đến nhà những hộ dân này để xác minh lại.

“Diện tích ao nuôi do UBND xã quản lý, từ diện tích sẽ tính được số lượng nuôi, nhìn số cá chết nổi trên ao sẽ ước tính % cá bị chết. Tuy độ chính xác không chuẩn 100%, nhưng sai số cũng chỉ 1 - 2%”, anh Chế khẳng định.

Với xã Nam Cường, thời điểm năm 2016, ông Mai Văn Hoài là Chủ tịch UBND xã Nam Cường, phụ trách giải quyết vụ việc này, cho biết: “Những năm trước đã nhiều lần xảy ra tình trạng cá chết. Sau mỗi lần như vậy chúng tôi đều thành lập đoàn kiểm tra đến nhà các hộ dân bị ảnh hưởng. Thực hiện việc này không chỉ khi có hỗ trợ của nhà nước mà chúng tôi đến với hai mục đích, một là động viên bà con, sau nữa là để nắm bắt tình hình chăn nuôi của họ”.

Sau khi đoàn kiểm tra xác minh hiện trạng tại địa phương, sẽ mời các hộ dân lên UBND xã họp để xác nhận lại trước khi ký vào biên bản. Nếu nhà nước có chế độ hỗ trợ, xã chỉ cần cung cấp danh sách đã thực hiện trước đó.

Trên thực tế, cả 3 xã Nam Thịnh, Nam Cường và Đông Minh đã giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ cho các hộ dân từ 6 năm về trước.

Về phần xã Nam Phú, thời điểm 2016, sau khi tiến hành rà soát, UBND xã Nam Phú (H.Tiền Hải) đã thống kê có 25 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng cộng 45,1 ha nuôi trồng bị thiệt hại, tương ứng số tiền hỗ trợ 451 triệu đồng. Tuy nhiên, 6 năm trôi qua, không một ai trong số 25 hộ dân trên được hưởng hỗ trợ.

Do cán bộ xã chưa có kinh nghiệm?

Ngày 14.8.2018, UBND xã Nam Phú có báo cáo gửi Phòng NN-PTNT H.Tiền Hải nêu nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng. Cụ thể như sau:

Việc thống kê gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, diện tích NTTS rộng, dàn trải, cán bộ chưa có kinh nghiệm trong công tác thống kê. 6 tháng sau khi cá chết, UBND huyện và UBND tỉnh mới có văn bản chỉ đạo khảo sát, hướng dẫn. Do đó, khi đi thống kê số diện tích bị thiệt hại gặp khó khăn.

Sau đợt khảo sát nhanh và có số liệu ban đầu về diện tích NTTS, UBND xã không nhận được bất kỳ công văn chỉ đạo về khảo sát, thống kê diện tích bị thiệt hại. Do đó, cán bộ xã không đi khảo sát lại. Sau này, UBND tỉnh phê duyệt cơ chế hỗ trợ số liệu căn cứ chỉ dựa vào kết quả báo cáo nhanh ngày 28.1.2016.

Hơn 450 triệu đồng tiền ngân sách hỗ trợ đã đi đâu?

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 8.3.2017, khi tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho 25 hộ dân bị ảnh hưởng tại UBND xã Nam Phú thì một số hộ NTTS không có trong danh sách đã bất bình vì cho rằng việc thống kê không chính xác; đồng thời yêu cầu chính quyền xã giữ lại toàn bộ số tiền hỗ trợ đến khi mọi chuyện được làm rõ.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), cho biết ngày 28.3.2017 Đội Công an kinh tế H.Tiền Hải đã làm việc với UBND xã Nam Phú về sự việc trên. UBND xã Nam Phú sau đó có báo cáo UBND huyện về việc này.

Ông Đặng Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Nam Phú (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình)

C.H

Báo cáo thể hiện, quá trình rà soát hồ sơ đã phát hiện 12/25 hộ sai diện tích với tổng số tiền gần 42 triệu đồng. Có 4 hộ không thuộc diện xã Nam Phú quản lý, không thuộc trong danh sách nhận hỗ trợ.

Ngày 14.4.2017, UBND H.Tiền Hải đã ra quyết định thu hồi 451 triệu đồng tiền kinh phí hỗ trợ 25 hộ dân, giao Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thu hồi số tiền trên về ngân sách.

Trong báo cáo của UBND xã Nam Phú xác định có 13 hộ kê khai đúng. Tuy nhiên, UBND H.Tiền Hải không chi trả tiền hỗ trợ cho 13 hộ dân này mà quyết định thu hồi toàn bộ tiền về ngân sách huyện.

Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Tiền Hải (Thái Bình), cho biết nguyên do là những hộ không có tên trong danh sách đã yêu cầu chờ đến khi làm rõ mới thực hiện chi trả.

Cũng theo bà Hồng, thời điểm đó ông Nguyễn Văn Chuyển, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Nam Phú, được giao phụ trách giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV Thanh Niên, ông Chuyển lại phủ nhận: “Thấy tôi đã về hưu nên họ đổ vấy trách nhiệm cho tôi” (!?).

Xác nhận với PV Thanh Niên, ông Vũ Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thái Bình, cho biết ngày 24.8.2018, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định thu hồi toàn bộ số tiền còn dư trong đợt hỗ trợ cá chết để xử lý‎ hạch toán theo đúng quy định của Luật Ngân sách.

Theo ông Hoàng, tiền ngân sách có tính niên độ. Do đó, sự vụ xảy ra từ năm 2016, trong trường hợp chưa giải ngân được, có lý do thì cơ quan ngân sách sẽ xử lý, nhưng đến hết năm 2017 UBND xã Nam Phú vẫn không giải ngân được thì số tiền trên bị thu hồi về ngân sách tỉnh theo quy định.

Về vấn đề này, trong cuộc trao đổi với PV Thanh Niên mới đây nhất vào ngày 11.5, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Tiền Hải, cho biết ngày 17.3 vừa qua, Công an H.Tiền Hải đã vào cuộc điều tra, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả.

“Việc kỷ luật ai, xem xét trách nhiệm như thế nào? Chúng tôi phải đợi kết luận điều tra, sau đó mới xem xét mức độ vi phạm của từng cá nhân để có hình thức kiểm điểm, xử lý”, ông Trần Anh Tuấn nói.

Việc người dân NTTS bị thiệt hại là có, nhưng đến nay đã gần 6 năm trôi qua mà UBND H.Tiền Hải vẫn không làm rõ được những vướng mắc để giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân. Điều này đã gây bức xúc kéo dài trong dư luận ở xã Nam Phú.

Ông Vũ Văn Tháp, Trưởng phòng Tài chính hành chính sự nghiệp (Sở Tài chính tỉnh Thái Bình), cho biết: “Hiện số tiền thu hồi về ngân sách, cơ quan tài chính hạch toán và xử lý theo quy định của pháp luật. Số tiền đã hòa vào ngân sách hạch toán tổng thể và không thể trả lời chi tiết về số tiền này đã chi vào những khoản nào”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.