Hồi tháng 4.2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có tên gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt khu bảo tồn). Theo quyết định, khu bảo tồn sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của H.Tiền Hải. Phía bắc, phía nam và phía đông giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ. Phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng hải sản công nghệ cao. Khu bảo tồn có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha. Ranh giới của khu bảo tồn được xác định bằng 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38.
Điều đáng nói là trước đó, vào ngày 26.9.2014, ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã ký quyết định số 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu bảo tồn với quy mô 12.500 ha, trong đó bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước. Quyết định này xác lập vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích của khu bảo tồn nằm về phía tả ngạn cửa Ba Lạt (thuộc H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Phía tây giáp đê 6 (thuộc xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú), phía bắc giáp lạch sâu cửa Lân, phía nam là sông Hồng, phía đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ (15 km) từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với Biển Đông.
Quyết định 2159 cũng nêu rõ phân khu chức năng vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn. Theo đó, vùng lõi được xác định do đặc thù của vùng cửa sông nên toàn bộ diện tích khu bảo tồn thuộc diện bảo vệ và không phân thành các phân khu chức năng như các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Vùng đệm của khu bảo tồn gồm 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh với tổng diện tích tự nhiên trong vùng dự án là 4.564 ha. Đề án của khu bảo tồn được lập ra với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, là vùng VN đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar.
Như vậy, với Quyết định 731, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp, đến mức gần như sẽ xóa sổ khu bảo tồn khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, đồng thời thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn.
Trước những thông tin cho rằng việc tỉnh Thái Bình ra Quyết định 731 là quyết định thu hẹp, xóa sổ khu bảo tồn, ngày 20.8, trả lời PV Thanh Niên, ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, nói PV cần đặt lịch làm việc với văn phòng UBND tỉnh, ông sẽ trả lời khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.
Tìm hiểu thêm về những khu bảo tồn trên địa bàn H.Tiền Hải, ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND H.Tiền Hải, cho biết: "Khu bảo tồn không thuộc sự quản lý của địa phương mà do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình quản lý. Ở H.Tiền Hải, ngoài khu bảo tồn này còn một khu khác nằm trên địa bàn xã Đông Hoàng. Tuy nhiên, khu này có thuộc khu bảo tồn không thì tôi không nắm được, cần sự xác nhận của tỉnh Thái Bình".
Nghiêm túc, minh bạch để tạo đồng thuận
Trao đổi với Thanh Niên, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho biết cá nhân ông đang theo dõi thông tin UBND tỉnh Thái Bình có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải (Thái Bình) trên báo chí và chưa đủ tài liệu để đánh giá cơ sở nào, mục tiêu là gì mà địa phương lựa chọn giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Nếu có lựa chọn kinh tế thì cũng phải làm rõ những ai được hưởng lợi, tại sao phải hy sinh lợi ích của toàn dân, vì khi giữ khu bảo tồn thì lợi ích môi trường được toàn vẹn, nguồn lợi thủy sản đa dạng, người dân có sinh kế ổn định, để đánh đổi lấy lợi ích chỉ phục vụ một số ít người có điều kiện được hưởng thụ.
GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung nhìn nhận quyết định của UBND tỉnh Thái Bình đối với khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải đi ngược với xu thế chung của thế giới. Các quốc gia hiện nay đổ rất nhiều tiền đầu tư vào khu bảo tồn thiên nhiên, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn để giữ đất đai, lấn biển, khai thác để phát triển kinh tế. Bờ biển muốn giữ hay không thì phải có công trình bảo vệ. Công trình có thể được xây dựng kiên cố bằng sắt thép, bê tông hoặc trồng cây để thành rừng ngập mặn. Hiện nay, thế giới chọn cây là giải pháp chính chứ không phải là những công trình xây dựng tốn kém chi phí. Cây mềm dẻo, sóng đánh vào có thể dập xuống nhưng sóng rút ra thì nó lại trồi lên, giữ đất và chống chịu tốt trước gió bão. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, bảo vệ rừng ngập mặn là giải pháp tốt để cân bằng sinh thái, vì đây chính là khu vực để hấp thụ, để trung hòa và giảm phát thải khí carbon.
Xem nhanh 12h ngày 21.8: Thời sự toàn cảnh
Bên cạnh đó, ở góc độ điều kiện tự nhiên, tùy từng khu vực để đánh giá cần phải có rừng ngập mặn hay không và có những khu vực bắt buộc phải có rừng ngập mặn để bảo vệ đất đai, chống sạt lở. Trong đó, Thái Bình là địa phương rất cần rừng ngập mặn. Địa phương này ngoài chịu tác động của sóng biển thì phía bên ngoài có dòng hải lưu mang theo rất nhiều phù sa. Không có rừng ngập mặn, phù sa theo dòng hải lưu trôi hết ra biển, cát cũng không giữ được. Nếu có rừng ngập mặn sẽ cố định được cát, giữ được phù sa bồi lắng để lấn biển. Rừng ngập mặn cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho rất nhiều loài thủy sản. Khi nguồn lợi thủy sản phát triển đa dạng, phong phú chính là tạo ra sinh kế, cơ hội cho người dân và địa phương phát triển kinh tế.
"Dự án liên quan đến khu bảo tồn thiên nhiên đã được thế giới công nhận thì việc không thể không làm và phải làm rất nghiêm túc là lập hội đồng đánh giá tác động môi trường, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để phản biện, xem xét tác động toàn diện ở mọi khía cạnh. Khi đó, báo cáo tác động môi trường chính là tiếng nói khoa học của xã hội hiện đại, để việc chuyển đổi mục đích sử dụng khu bảo tồn này nếu được thực hiện sẽ đạt được sự chia sẻ, đồng thuận", ông Lung nói.
Các bộ sẽ có ý kiến
Ông Đoàn Hải Nam, Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), cho biết theo số liệu năm 2019, khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải thuộc khu vực Thái Bình đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng có 1.600 ha rừng chứ không chỉ có 300 ha diện tích rừng đặc dụng như thông tin địa phương công bố hiện nay. Từ đó đến nay, khu bảo tồn này được đầu tư rất nhiều nguồn lực từ Hội Chữ thập đỏ VN, UNESCO và nhiều tổ chức quốc tế, diện tích rừng phải tăng lên chứ không thể giảm đi được; còn nếu diện tích giảm đi, địa phương phải giải trình, làm rõ.
Đến năm 2020, UBND tỉnh Thái Bình có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề xuất chuyển đổi mục đích đất rừng ở đây. Trong công văn trả lời khi đó, Bộ NN-PTNT nêu rõ khu bảo tồn này liên quan đến vùng lõi của khu sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận thì phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL; đồng thời tuân thủ theo quyết định quy hoạch về khu bảo tồn đa dạng sinh học của Bộ TN-MT.
"Bộ NN-PTNT được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và chắc chắn không thể đánh đổi như thế được. Khu bảo tồn này hiện nay liên quan đến rất nhiều chương trình đầu tư của quốc tế cũng như nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh không thể tự làm được. Tới đây, khi xem xét quy hoạch của Thái Bình, chúng tôi sẽ trực tiếp có ý kiến về việc chuyển đổi này trên quan điểm là không thể đánh đổi như thế được. Cá nhân tôi được biết phía Bộ KH-ĐT cũng chưa thống nhất với quyết định điều chỉnh quy hoạch của Thái Bình và đang có yêu cầu địa phương giải trình", ông Nam nói.
Phan Hậu
Bình luận (0)