Thái Bình, Nam Định di dời hơn 10.000 dân tránh bão số 2

23/06/2013 12:33 GMT+7

(TNO) Gần trưa nay 23.6, tại Nam Định bắt đầu mưa to dần. Tại các huyện ven biển bắt đầu có gió lớn. Theo dự báo, chiều nay 23.6, bão số 2 sẽ đổ bộ vào Nam Định. Thời điểm bão đổ bộ trùng với thời điểm triều cường nên bão số 2 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đê điều và vùng ven biển.

* Củng cố 2 vị trí đê kè xung yếu tại Nghĩa Hưng

Vì vậy, UBND tỉnh Nam Định xác định công tác củng cố, bảo vệ đê kè được đặt lên hàng đầu.

Lúc 10 giờ, tại mỏ kè xã Nghĩa Phúc (H.Nghĩa Hưng, Nam Định), ông Phùng Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Nam Định cho biết đang đôn đốc nhà thầu huy động tất cả những gì có thể, làm thông tầm, để đẩy cao nhất tiến độ thi công mỏ kè, cố gắng xong trước buổi chiều là thời điểm bão số 2 bắt đầu đổ bộ vào Nam Định.

Khẩn trương thi công trước giờ bão về tại mỏ kè xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng, Nam Định - d

Khẩn trương thi công trước giờ bão về tại mỏ kè xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng, Nam Định - d
Khẩn trương thi công trước giờ bão về tại mỏ kè xã Nghĩa Phúc, Nghĩa Hưng, Nam Định - Ảnh: H.L

Nam Định có 2 khu vực đê kè xung yếu, đang thi công, có thể bị ảnh hưởng lớn từ bão số 2 đều nằm ở H.Nghĩa Hưng. Ngoài mỏ kè xã Nghĩa Phúc còn có đê Cồn Xanh thuộc xã Nam Điền đang triển khai thi công lát mái đê.

Đến trưa 23.6, đơn vị thi công đê Cồn Xanh đã chuẩn bị 20.000 m2 vải lọc chống tràn, 2.000 cấu kiện bê tông đúc sẵn, 5.000 m3 đất, 2.000 bao tải, 500 m3 đá hộc, 400 chiếc rọ đá; nhân lực, phương tiện, máy xúc và ô tô sẵn sàng cho công tác xử lý chống tràn qua đê. Ngoài lực lượng xung kích trong xã, xã Nam Điền còn huy động lực lượng 4 xã xung quanh tham gia ứng phó khi bão đổ bộ vào.

Đưa hơn 7.000 dân vào khu vực trú ẩn an toàn

Từ 10 giờ sáng qua (22.6), Nam Định đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi và kêu gọi tàu ngoài khơi vào nơi tránh trú bão an toàn.

Đến 11 giờ sáng nay, theo thông tin từ Bộ đội biên phòng Nam Định, vẫn còn 25 tàu, thuyền và 216 người đang ở các đầm, bãi, chưa chịu trở về. Bộ đội biên phòng Nam Định đã tổ chức lực lượng ra tận nơi vận động, yêu cầu số phương tiện và người nói trên khẩn trương vào bờ.

Cũng trong buổi sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Nam Định đã xuống trực tiếp các địa phương chỉ đạo công tác sơ tán trên 7.000 dân ở ngoài tuyến đê chính, ở vùng cửa sông, vùng nuôi ngao của 3 huyện ven biển là Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu.

Đến 11 giờ trưa, báo cáo của các địa phương cho biết cơ bản đã hoàn thành việc đưa trên 7.000 người dân vào nơi an toàn. Phần lớn các hộ dân đều đến ở nhờ nhà người quen, họ hàng ở các xã vùng trong. Số còn lại được bố trí ở tạm tại các trụ sở, công trình công cộng như UBND, Nhà văn hóa xã.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp yêu cầu các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chủ động các phương án chống ngập úng với diện tích mạ vụ lúa mùa và cây rau màu.

Tiền Hải, Thái Bình: Sơ tán 2.500 dân vùng xung yếu ven biển

Trong sáng nay, tỉnh Thái Bình đã đốc thúc các huyện ven biển bằng mọi biện pháp khẩn trương di dời dân đang sinh sống, làm việc ngoài đê vào sâu trong nội đồng trước khi bão số 2 đổ bộ.

Ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch UBND H.Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: Tại xã Đông Long, có bảy hộ dân với 29 lao động đang sinh sống ngoài đê biển. Đến 9 giờ sáng nay toàn bộ người già và trẻ em đã được di dời vào khu tái định cư phía trong nội đồng. Đến 12 giờ trưa nay toàn bộ số lao động còn lại sẽ được sơ tán theo đúng qui định của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh.

Ngoài Đông Long, 7 xã còn lại ở vùng ven biển của H.Tiền Hải đến 12 giờ trưa nay cũng vận động, yêu cầu 179 hộ dân ngoài đê di chuyển vào trong nội đồng để tránh, trú bão số 2.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại có 2.496 lao động làm ngao, vạng phía ngoài đê biển của H.Tiền Hải đã trở về đất liền an toàn. Huyện đang kiểm tra, rà soát lại tình hình, nếu vẫn còn ngư dân bám trụ ở các chòi canh sẽ cương quyết đề nghị di dời để bảo đảm an toàn tính mạng.

Tại bến cá cửa Lân, xã Nam Thịnh (H.Tiền Hải), hiện có 788 tàu, thuyền địa phương và 14 tàu, thuyền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng vào neo đậu tránh bão.

Thông tin từ Điện lực Thái Bình, hồi 14 giờ chiều qua (22.6), gió lốc kèm theo mưa lớn đã làm mất điện cục bộ tại một số xã thuộc huyện Tiền Hải, Kiến Xương và Vũ Thư. Đến 17 giờ cùng ngày, ngành điện mới khắc phục được sự cố và cấp điện trở lại bình thường.

Hoàng Long

>> Hải Phòng mang xe thiết giáp đi chống bão
>> Bão số 2 chỉ còn cách các tỉnh Đông Bắc bộ 100 km
>> Bão số 2 đổ bộ Đông Bắc bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.