Cuộc binh biến thành Phan Yên (1833 - 1835) của Lê Văn Khôi

Thái Công Triều phản biến

09/01/2025 07:30 GMT+7

Mặc dù đang ở đỉnh cao, trong nội bộ quân nổi dậy bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tan rã. Một số chỉ huy riêng rẽ tìm cách tách mình khỏi quân nổi dậy và đầu hàng triều đình. Trong số đó, vụ phản bội chí mạng nhất là của Trung quân Thái Công Triều.

BỐN TỈNH MIỀN TÂY TRỞ LẠI

Thái Công Triều ban đầu làm Vệ úy vệ Tả Bảo nhị thuộc Tả quân, rồi sau tham gia khởi sự, làm Trung quân. Theo lời của Trương Quốc Dụng, sở dĩ Thái Công Triều rời bỏ quân nổi dậy là nhờ công lao thuyết phục của một người Nghệ An là Nguyễn Thành Văn. Trương Quốc Dụng cho biết:

"Sau khi nghịch Khôi chiếm thành Phan Yên, có Nguyễn Thành Văn tự xưng là người Quỳnh Lưu (Nghệ An) từ nhỏ lưu lạc vào Nam kỳ, đến chỗ ông Thái Công Triều, lúc đó còn chưa biết Văn là ai. Ông Triều lấy lễ nho sinh để mời. Hai người ngồi nói chuyện, Văn đem điều nghĩa ra để trách ông Triều. Ông Triều xấu hổ lạy tạ rồi cùng nhau bàn mưu. Văn đến Định Tường chiêu tập nghĩa sĩ giúp Triều phản Khôi" (Trương Quốc Dụng, Thoái thực ký văn, tr.264).

Thái Công Triều phản biến- Ảnh 1.

Lính cận vệ (trái) và lính các cơ (phải) của Cochinchine do Francois-Edmond Paris phác thảo và Sigismond Himely khắc, xuất bản năm 1835

ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Sau khi chiếm được tỉnh An Giang, Thái Công Triều còn ở Châu Đốc thiết lập bộ máy cai trị. Ông ta cho dò tìm tung tích Thành thủ úy Châu Đốc là Nguyễn Đăng Luận, đồng thời cũng cho tìm một người quen cũ hồi làm ở Gia Định Thành là Lương Văn Tiến. Thái Công Triều bí mật dặn Tiến cùng Thành thủ úy Nguyễn Đăng Luận lĩnh bằng lo việc phòng giữ đồn Châu Đốc. Tiến lấy cớ tuổi già để từ chối. Thái Công Triều nói: "Nay bọn giặc bắt người cướp của, ở đồn không thể không có người phòng giữ, viên ấy tuy đã cáo lão, nhưng là người cẩn tín, nên tạm giúp một thời gian. Nếu cố ý không nhận, chọn người ủy nhiệm không có ai, thì bọn giặc đem bọn lũ ra đóng giữ, thì sau này quan quân trở về, khó lòng thu phục lại; chi bằng quyền nghi coi giữ việc đồn, đợi sau này tỉnh quân trở về, thì về hưu yên đường cũng được" (Khâm định tiễu bình Nam kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên, tr.386). Lương Văn Tiến đành đồng ý. Thái Công Triều cũng mật bàn với Nguyễn Đăng Luận: "Thế giặc mãnh liệt, khó chống lại được, hãy nên tạm thời lĩnh bằng cùng với Lương Văn Tiến cùng lòng coi giữ tỉnh thành, để mưu cách khác" (Khâm định tiễu bình Nam kỳ nghịch phỉ phương lược chính biên, tr.386). Ngày mồng 4 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Thái Công Triều cấp bằng cho Nguyễn Đăng Luận làm Trấn phủ An Giang.

Thái Công Triều cũng sai Mạc Hầu Hi về Hà Tiên báo với cha Hi là Trấn phủ Mạc Công Du, để ông này chiêu tập lực lượng. Công Triều còn sai Phi kỵ úy Hoàng Văn Quang đem một tờ sớ, một tờ bẩm về triều. Trong đó đại lược nói: "Thái Công Triều nguyên bị tên giặc Khôi bắt hiếp, nay nghe thấy đại binh tiến đến, xin thừa cơ giết giặc". Ngày 12 tháng 7, Thái Công Triều từ An Giang về đến Vĩnh Long, bàn bạc với Trấn thủ Hoàng Văn Thông. Nhưng mưu tính của Triều muốn kiểm soát bốn tỉnh miền Tây để quy thuận triều đình sẽ đổ vỡ.

NGƯỜI TÍNH KHÔNG BẰNG TRỜI TÍNH

Dù hệ thống cai trị bốn tỉnh Long - Tường, An - Hà tan rã, nhưng quan viên các tỉnh vẫn còn trốn tránh trong dân gian. Họ đều tìm cách tổ chức lực lượng nghĩa dũng để phản công. Trong tiến trình này, các hương chức địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ở Định Tường, Án sát Ngô Bá Tuấn sai Lý trưởng thôn Long Điền huyện Kiến Đăng là Ngô Văn Hiền bí mật mộ quân. Họ bắt liên lạc với một nhóm khác của Thư lại ty Án sát An Giang là Lê Quang Ngạn. Ngạn vốn quê ở Định Tường, nhận giấy sai của Tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương đi mộ nghĩa quân. Đêm 12 tháng 7, lực lượng nghĩa dũng chia đường tiến về Mỹ Tho - tỉnh lỵ Định Tường. Đầu canh năm [3 - 5 giờ sáng], quân nghĩa dũng tiến vào thành. Trong thành chỉ có Trấn phủ, Hiệp phủ, Tham phủ cùng 20 lính Hồi Lương. Lực lượng này bị trấn áp nhanh chóng.

Ngày 15, Thái Công Triều từ Vĩnh Long tới thì Định Tường đã bị Ngô Bá Tuấn kiểm soát. Triều bàn với Ngô Bá Tuấn bày kế thu phục Vĩnh Long. Nhưng đêm 16 rạng ngày 17 thì thự Án sát Vĩnh Long là Doãn Uẩn đã tập hợp được 2.000 nghĩa dũng tới vây bức tỉnh lỵ. Buổi chiều hôm đó, quân nổi dậy đầu hàng. Doãn Uẩn tiến vào tiếp quản Vĩnh Long.

Cũng trong ngày 16, thự Án sát An Giang là Bùi Văn Lý từ thôn Mỹ Hội Đông dẫn 1.000 nghĩa dũng kéo về Châu Đốc. Ngày 17, quân nổi dậy ở Châu Đốc cũng mở cửa thành đầu hàng.

Bùi Văn Lý một mặt sai người đi Cao Miên đón Tổng đốc Lê Đại Cương trở về tỉnh; một mặt phái Quản thủy cơ An Giang là Nguyễn Văn Mai, viên tử Nguyễn Văn Cửu (con trai Thống chế Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên) đem lính cơ An Giang thủy và binh dân đi thu phục Hà Tiên, đồng thời báo cho Mạc Công Du ở Hà Tiên làm nội ứng. Ngày 19, tỉnh Hà Tiên được thu phục. Tuyên phủ Trần Hiệu Trung của quân nổi dậy bị chém.

Ở miền Đông, quân triều đình cũng đang tập hợp. (còn tiếp)

(Trích sách Phan Yên Thành binh biến ký - toàn cảnh cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.