Thái Lan bắt đầu luận tội bà Yingluck

10/01/2015 08:19 GMT+7

Ngày 9.1, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan bắt đầu đợt luận tội kéo dài gần 1 tháng đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Ngày 9.1, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan bắt đầu đợt luận tội kéo dài gần 1 tháng đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

 Binh sĩ Thái canh gác tại tòa nhà Nghị viện nước này ngày 9.1 - Ảnh: ReutersBinh sĩ Thái canh gác tại tòa nhà Nghị viện nước này ngày 9.1 - Ảnh: Reuters
“Tôi đến đây để tìm công lý”, bà Yingluck nói trong phần điều trần chống lại các cáo buộc tham nhũng và thiếu trách nhiệm nhằm vào bà liên quan đến chương trình trợ giá gạo của chính phủ trước đây. Cựu thủ tướng xuất hiện tại Nghị viện vào 9 giờ sáng 9.1 trong sự bảo vệ chặt chẽ của cảnh sát. Đám đông những người ủng hộ lẫn chống đối tụ tập trước tòa nhà nhưng nhanh chóng bị lực lượng an ninh giải tán.

Phiên làm việc hôm qua bắt đầu bằng phần trình bày của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) cáo buộc bà Yingluck xao nhãng trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo, dẫn đến tham nhũng và thất thoát hàng trăm tỉ baht. Ngoài ra, NACC đang cân nhắc có thể cáo buộc cựu Thủ tướng thêm một số tội hình sự khác cũng liên quan đến chương trình này. Nếu bị buộc tội, bà Yingluck có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm, thậm chí đối mặt mức án 10 năm tù giam. Đáp lại, bà sử dụng 30 tập tài liệu hàng trăm trang để trình bày vai trò của mình trong chương trình trợ giá.
Ngoài ra, bà Yingluck còn tuyên bố đợt luận tội là “vô ích và phù phiếm” vì bà hiện không còn giữ một chức vụ gì để bị tước nữa. “Những lời cáo buộc không những ảnh hưởng đến tôi mà còn làm những hy vọng của nông dân tắt dần”, bà nói.

Dự kiến, Hội đồng Lập pháp quốc gia (NLA) sẽ cử 9 thành viên để chất vấn bà Yingluck vào ngày 16.1. Đợt điều trần và luận tội sẽ kết thúc vào ngày 21.1 và NLA sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 24.1. Hiện không khí ở Thái Lan đang trở nên căng thẳng và tiếp tục nhuốm màu chia rẽ giữa các phe ủng hộ và chống đối bà Yingluck cũng như toàn bộ gia đình Shinawatra, vốn còn ảnh hưởng rất mạnh tại miền Bắc nước này. An ninh được thắt chặt hơn nữa sau lời đe dọa sẽ có biểu tình từ phe “Áo đỏ” và chính quyền quân sự đã cảnh báo rằng thiết quân luật vẫn còn có hiệu lực.

Ông Somsak, nhân viên bảo vệ trung tâm mua sắm Terminal 21, nói với Thanh Niên: “Chúng tôi tin bà Yingluck vô tội. Gia đình bà đã giúp nông dân chúng tôi rất nhiều”.
Ngược lại, Phó chủ tịch Hội Văn hóa Thái - Việt Piyakul Suwansumrit nói: “Theo tôi, chương trình trợ giá gạo thời bà Yingluck đã “phá giá”, làm thị trường rối loạn. Nông dân không quan tâm đến chất lượng lúa làm ra, mà chỉ cần số lượng. Chưa kể, khi chương trình thu mua lúa gạo diễn ra, đương nhiên phải cần kho chứa, mà chị gái bà Yingluck lại sở hữu rất nhiều kho lúa nên đã trục lợi trong vụ này”.
Theo chuyên gia Thitinan Pongsudhirak thuộc ĐH Chulalongkorn, chính quyền quân sự Thái Lan đang trong thế khó xử trong vụ này. “Một mặt họ muốn ngăn bà Yingluck trở lại chính trường. Nhưng nếu cố ra một lệnh cấm, hoặc buộc tội hình sự nào đấy thì căng thẳng càng bị đẩy lên cao”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.