So với đội hình từng thắng Thái Lan tại King’s Cup, đội hình tuyển Việt Nam có 2 sự thay đổi: Tiến Linh thay Anh Đức (người đã ghi bàn thắng quyết định giúp tuyển Việt Nam thắng 1-0 cách đây 3 tháng) ở vị trí trung phong, trong khi Hồng Duy đá chính thay Văn Hậu. Phía bên kia, gương mặt đáng chú ý nhất so với trận đối đầu 3 tháng trước chính là Chanathip – người đã vắng mặt tại King’s Cup và đang chơi rất hay tại J-League (giải hàng đầu Nhật Bản).
Ngay sau hồi còi khai cuộc, các cầu thủ Thái Lan tràn lên tấn công. Nhưng chính Việt Nam mới là đội có được cơ hội ăn bàn trước ở ngay phút đầu tiên, từ đường chuyền của Hồng Duy, Văn Toàn băng xuống nhận bóng đối mặt thủ môn đội bạn nhưng tiếc rằng lại sút trật cột dọc. Đội chủ nhà sau đó chơi nhịp nhàng và chắc chắn hơn, dần tạo được ưu thế với đội hình dâng cao, một hàng tiền vệ đông người, kín kẽ và di chuyển liên tục.
Tới phút 20, Thái Lan có cơ hội đầu tiên sau một pha phối hợp tấn công rất nhanh từ góc trái, nơi Supachok chơi rất hay trong khi Trọng Hoàng lại không có được sự tập trung cao độ, còn Duy Mạnh cũng chưa kịp “bắt bài” đối thủ. Thật may rằng cú đánh đầu của Thitipan không đi về phía cầu môn của Văn Lâm.
|
|
Trong bối cảnh Thái Lan tổ chức lối chơi tốt hơn và chủ động đá nhanh, đội tuyển Việt Nam đã bố trí đội hình thấp, phòng ngự chặt chẽ để chờ đợi cơ hội phản công. Có thể thấy rõ dấu ấn của tân HLV trưởng Akira Nishino đối với “voi chiến”. Đội tuyển Thái Lan đã thể hiện một diện mạo “sáng sủa” hơn khá nhiều so với chính họ tại King’s Cup dù trong đội hình không có trung phong thật sự nào; trong khi ấy, đội tuyển Việt Nam trở về với cách chơi kiểu “ẩn nhẫn chờ thời” khá quen thuộc dưới “triều đại” Park Hang-seo.
Hiệp 1 khép lại không có bàn thắng nào cho cả đôi bên. Trong đầu nhiều người hẳn đã cùng hiện lên câu hỏi: Liệu có thể trông vào những “ngón đòn” bất ngờ trong hiệp 2 mà HLV Park Hang Seo từng tung ra (bao gồm cả liệu pháp thay người) có thể phát huy tác dụng?
“Lá bài” đầu tiên của thầy Park là Công Phượng, thay thế Tiến Linh, qua đó tạo nên “bộ đôi” HAGL Phượng – Toàn ở tuyến trên nhằm tận dụng sự ăn ý của 2 cầu thủ này cùng với sự hiện diện của Tuấn Anh nơi giữa sân. Nhưng trong khi hàng công chưa phát huy hiệu quả thì hàng thủ đã phải đối mặt với khó khăn từ những pha tấn công khá đa dạng của đội chủ nhà. Thái Lan vẫn tiếp tục lối chơi tấn công nhanh, sử dụng các pha đan bóng và hoán đổi vị trí, chuyền bóng ban bật và tận dụng những cú sút xa khá nguy hiểm từ tuyến 2. Dù vậy, hàng thủ của ĐTVN vẫn chơi tập trung, bọc lót cho nhau tốt và kịp thời “vá” những lỗ hổng lộ ra bởi các pha tấn công của đối phương.
|
|
Giữa hiệp 2, ngay sau khi Văn Thanh được tung vào sân thay Trọng Hoàng ở cánh phải thì Thái Lan cũng đưa tiền đạo Supachai vào để tạo nên một “mũi khoan” thật sự cắm sâu bên phần sân của Việt Nam. Vài phút sau, thầy Park buộc phải tung nốt Văn Hậu vào sân, nhưng không phải đá cánh mà thay Duy Mạnh ở vị trí trung vệ. Một màn đấu trí thật sự hấp dẫn giữa 2 HLV!
Những tính toán của HLV Park Hang-seo khi đưa Công Phượng vào sân đã suýt thành công ở phút 78. Thật tiếc rằng sau khi nhận đường chuyền rất tốt của Phượng, Văn Toàn lại không thể vượt qua sự truy cản của đối phương để biến cơ hội thành bàn thắng.
Tình thế của trận đấu trở nên vô cùng căng thẳng ở cuối trận, đến nỗi HLV Park Hang Seo phải dính thẻ vàng vì không kiềm chế được trong những lần băng ra sát đường biên chỉ đạo. Thái Lan có thêm một cơ hội rất tốt ở phút 90+4, nhưng Văn Lâm đã kịp sửa sai cho đồng đội Văn Thanh.
Một trận đấu thật sự mệt mỏi cho cả đôi bên với thế trận hơi nghiêng về Thái Lan. Kết quả hòa là rất “ổn” với đội tuyển Việt Nam, đồng thời hẳn đã khiến người Thái thất vọng.
Bình luận (0)