Trong thông báo vừa phát trên truyền hình trưa nay 17.6, quân đội cho biết đây là giải pháp tạm thời trước tình trạng làn sóng lao động nhập cư đang ồ ạt rời khỏi Thái Lan.
Chính quyền quân đội cho phép nhà tuyển dụng sử dụng lao động nhập cư với điều kiện phải lập danh sách rõ ràng về người nước ngoài và báo cáo với cơ quan quản lý lao động.
Cả tuần nay làn sóng lao động nhập cư “tháo chạy” khỏi Thái Lan, chủ yếu là người Campuchia vì những thông tin lan truyền lẫn nhau trong cộng đồng về chính sách của chính quyền quân sự truy quét lao động nhập cư được cho là phức tạp và giành hết công việc của người dân địa phương.
Báo cáo của giới chức Thái Lan cho biết hơn 120.000 người vượt biên giới để trở về nước chỉ trong vòng chưa đến một tuần.
Những lao động Campuchia tại Thái Lan nói rằng chính quyền quân sự đột nhập vào nhiều khu vực lưu trú của họ và bắt đi nhiều người. Nhiều người trong số họ bị thủ tiêu và cầm tù.
Gia đình của người lao động nhập cư Campuchia lo sợ và thúc giục họ trở về nước.
Tuy nhiên chính quyền quân sự Thái Lan đã lên tiếng phủ nhận thông tin này, cho đó là tin đồn nhằm gây tai tiếng cho quân đội sau khi nắm toàn quyền lãnh thổ.
Dù vậy, làn sóng người Campuchia rời khỏi Thái Lan vẫn không ngừng tăng, khiến giới chức quân sự nước này lo ngại xảy ra tình trạng mất cân bằng lao động khi lao động nhập cư rút hết khỏi các cơ sở làm việc của Thái Lan.
Giới chức quân sự Thái Lan liên tục xuất hiện trên truyền hình nước này để đính chính tin đồn nói trên. Bangkok còn chủ động gặp gỡ đại diện ngoại giao Campuchia tại Thái Lan để nhờ Phnom Penh cải chính và trấn an người lao động Campuchia.
Chính quyền quân sự còn yêu cầu giới chức phụ trách về di trú ở các cửa khẩu biên giới tạo điều kiện cho người Campuchia trở lại Thái Lan làm việc.
Phần lớn lao động Campuchia làm việc trong ngành thủy sản, xây dựng và đặc biệt là trong các khu công nghiệp.
Có hơn 2,2 triệu lao động nước ngoài tại Thái Lan, trong đó hơn 1,8 triệu là lao động bất hợp pháp. Bên cạnh lao động Campuchia, còn có Lào, Myanmar, Việt Nam và Châu Phi làm việc trên đất Thái kể cả hợp pháp và bất hợp pháp.
Làn sóng lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan chỉ xuất hiện ở những người Campuchia, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng về mặt tâm lý lên các nhóm lao động nước ngoài khác trong đó có người Việt, đặc biệt là nhóm lao động bất hợp pháp.
Nhiều năm liền Thái Lan đối mặt với vấn nạn lao động nhập cư. Giới chức nước này thường tổ chức những đợt truy quét và trục xuất lao động bất hợp pháp ra khỏi vương quốc Thái Lan.
Tình trạng lao động nhập cư gây ra những hệ lụy khác như buôn người, bắt cóc trẻ em khiến Thái Lan bị xếp vào nhóm nước có tỷ lệ buôn người cao trên thế giới.
Bài, tin: Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)
>> Thái Lan bỏ giới nghiêm, bác tin bắt lao động nước ngoài
>> Thái Lan bỏ lệnh giới nghiêm
>> Cuộc chiến cam go giành quyền xem World Cup miễn phí ở Thái Lan
>> Thái Lan trả 40.000 lao động nhập cư lậu về Campuchia
>> Tướng lĩnh Thái Lan thăm Trung Quốc
Bình luận (0)