Các bác sĩ sản khoa khuyến cáo, nếu không được phát hiện sớm, khi khối thai bị vỡ, người bệnh dễ bị biến chứng vô sinh, thậm chí tử vong.
Thai ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở ngoài tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: Vòi trứng (chiếm 90%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng.
Mất khả năng sinh đẻ
Mới 25 tuổi nhưng Nguyễn Minh H. quê ở Bắc Giang đã bị vô sinh thứ phát. Muốn có con, hai vợ chồng cô cần phải áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhưng vấn đề tài chính lại không cho phép. Năm 19 tuổi, H. từng đi hút thai, sau đó phải điều trị vì viêm nhiễm phụ khoa. Đến khi lấy chồng, cô có thai lần hai nhưng lại được chẩn đoán là thai ngoài tử cung. Các bác sĩ đã phải mổ và cắt một bên vòi trứng. Khả năng có con của cô vì thế càng khó khăn hơn nhưng vẫn còn hy vọng. Thế nhưng, hơn một năm sau, các bác sĩ đành cắt nốt vòi trứng còn lại vì tiếp tục có thai ngoài tử cung. Hy vọng có con theo cách bình thường của vợ chồng cô vì thế mà tiêu tan.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế lao động Thái Hà, Hà Nội) giải thích, những trường hợp bị thai ngoài tử cung như H. không phải là hiếm. Trong 1.000 người mang thai thì có đến 17 người bị thai ngoài tử cung. Trong đó, rất nhiều phụ nữ đã bị cắt bỏ một bên hoặc thậm chí cả hai bên vòi trứng. Phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ sẽ giúp người bệnh giảm tình trạng mất máu, giảm nguy cơ tử vong. Đồng thời, khả năng giữ lại được vòi trứng cũng sẽ cao hơn, duy trì khả năng có thai lại bình thường. Tuy nhiên, nếu điều trị muộn, thai bị vỡ, chảy máu nhiều có thể dẫn đến biến chứng vô sinh, thậm chí là tử vong.
Thực tế, nhiều chị em đến bệnh viện muộn vì nhầm tưởng biểu hiện ra máu là hiện tượng kinh nguyệt bình thường hoặc nghĩ mình bị rong kinh, đặc biệt ở những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Bác sĩ Dung kể lại, đã từng gặp trường hợp một thanh niên vội vàng bế bạn gái đến phòng khám, mặt mày tái mét vì thấy người yêu bị ngất xỉu, da tái nhợt nhạt, bị chảy máu mà không hiểu do đâu. Hóa ra, bạn gái bị mang thai ngoài tử cung. Chỉ đến khi khối thai nằm trong vòi trứng bị vỡ, chảy máu nhiều mới tá hỏa đến bệnh viện. “Thực tế, phần lớn trường hợp chửa ngoài tử cung ra máu chậm so với ngày kinh dự kiến. Tuy nhiên, cũng có nhiều người xuất huyết sớm hơn hoặc đúng vào ngày kinh. Tuy nhiên, khác với hành kinh, hiện tượng chảy máu do thai ngoài tử cung sẽ kéo dài hơn, máu ra ít một, màu thẫm. Cá biệt có người không bị xuất huyết”, bác sĩ Dung nói.
Nạo phá thai làm tăng nguy cơ
Nguyên nhân chủ yếu gây nên thai ngoài tử cung là do vòi trứng bị hẹp, bị thu nhỏ lại, bị biến dạng hoặc tắc (do viêm nhiễm). Điều đó khiến trứng đã được thụ tinh không thể đi qua để di chuyển về buồng tử cung. Đặc biệt, tình trạng viêm nhiễm dễ xuất hiện và phát triển âm thầm sau nạo thai. Nạo phá thai nhiều lần, không an toàn có thể dẫn đến tai biến như viêm ống dẫn trứng, dính buồng tử cung, dẫn đến vô sinh và tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Theo các bác sĩ, sau khi điều trị thai ngoài tử cung, người bệnh vẫn có thể có thai lại bình thường. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát trên 10%.
Châu Anh
Bình luận (0)