Ngày 15.11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến đã ký ban hành kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, địa phương này đang có tiềm năng to lớn và hiện đang đứng thứ 4 cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Đến nay, Thái Nguyên có trên 220 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 11,26 tỉ USD. Đặc biệt, 70% trong số các dự án FDI tại Thái Nguyên thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử.
Trong quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, địa phương này quy hoạch 11 khu công nghiệp và trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung tại H.Yên Bình với tổng diện tích 4.245 ha.
Trong kế hoạch mới ban hành, Thái Nguyên đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm quan trọng phát triển sản xuất công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của vùng và cả nước.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại Thái Nguyên cơ bản đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn, sử dụng trí tuệ nhân tạo; tham gia sâu vào khâu đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn, sản xuất chất bán dẫn, sản xuất thiết bị trí tuệ nhân tạo, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên được giao chủ trì, phối hợp với Đại học Thái Nguyên, Sở KH-CN tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan, đơn vị, liên quan thống nhất giải pháp, tổ chức triển khai kế hoạch đào tạo; đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo...
Cũng trong kế hoạch vừa ban hành, UBND tỉnh Thái Nguyên đặt chỉ tiêu đào tạo hơn 4.500 kỹ sư, lao động ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Cụ thể, đào tạo 2.000 người học trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo ở trong nước và nước ngoài; trong đó 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đào tạo cho 500 người học trình độ cao đẳng, trong đó có 300 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 200 người học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Đào tạo trên 2.000 người học trình độ trung cấp; trong đó có 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 người học các ngành, nghề phục vụ lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.
Trước đó, ngày 11.11, kết luận tại buổi làm việc với Sở TT-TT tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng khẳng định: "Thái Nguyên đang nỗ lực chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; coi dữ liệu trở thành phương thức sản xuất mới. Thái Nguyên là tỉnh đi tiên phong về chuyển đổi số và sẽ phát triển bằng chuyển đổi số, từ đó thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển".
Bình luận (0)