Số ca nhiễm vi rút Zika được phát hiện tại TP.HCM đã tăng lên 35 ca, có trên 24 phường, xã, tại 13 quận, huyện. Đang làm không ít thai phụ lo lắng.
Thai phụ lo nhiễm Zika mà không biết
Những ngày qua, vợ chồng anh N.V.N. (ngụ Q.2, TP.HCM) đứng ngồi không yên vì lỡ bị muỗi chích khi qua nhà người thân chơi. “Nghe nói khu vực đó đã có muỗi Zika nên nhà tôi đang lo vì vợ mang bầu được hơn 5 tháng”, anh N. tâm sự.
Tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, bên cạnh việc khám thai như định kỳ, vợ anh hỏi rất kỹ và được bác sĩ tư vấn các triệu chứng biểu hiện nhiễm Zika để theo dõi. Nếu thai phụ xuất hiện các triệu chứng này thì đến các cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm. Đồng thời, bác sĩ cũng trấn an chị, Zika chỉ ảnh hưởng tới thai nhi ở 3 tháng đầu thai kỳ.
|
Lời khuyên chị nhận được từ bác sĩ là cả vợ lẫn chồng ráng không để muỗi chích.
“Bệnh không biểu hiện rõ rệt nên làm sao mình biết trước giờ có bị nhiễm Zika không. Giờ chắc xịt thuốc diệt muỗi trong nhà và xoa thuốc chống muỗi cả ngày để không bị muỗi chích quá”, chị A. cảm thán.
Trong khi đó, chị T.H.L. (ngụ Q.9, TP.HCM) đang có bầu được 2 tháng vừa lo muỗi chích sẽ nhiễm Zika nhưng không biết làm thế nào để phòng tránh vì sợ nếu bôi thuốc chống muỗi thì lại gây độc cho con.
Dù mẹ nhiễm Zika, bé vẫn an toàn?
“Mặc dù số ca nhiễm Zika tại TP.HCM là hơn 30 nhưng chỉ có khoảng 3 trường hợp nhiễm là thai phụ. Dấu chứng Zika ảnh hưởng đến thai nhi chưa chắc chắn. Dị tật đầu nhỏ ở thai nhi rất hiếm gặp”, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ nhận định và cho rằng thai phụ không nên hoang mang, quá lo lắng.
Trong khi đó, tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, cho biết, vừa qua, một trường hợp sản phụ bị nhiễm Zika sinh con tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương. Em bé hoàn toàn khỏe mạnh, không hề bị nhiễm Zika và dị tật đầu nhỏ, mẹ tròn con vuông.
tin liên quan
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ do Zika, gánh nặng chăm sóc thế nào?Biến chứng nặng nhất do vi rút Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ (teo não) ở thai nhi, trẻ sơ sinh. Thai nhi bị đầu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh; tâm thần vận động.
Sản phụ (ngụ Q.12) được xác định nhiễm vi rút Zika ở giai đoạn cuối của thai kỳ (sau 30 tuần). Khi em bé chào đời, các bác sĩ đã khám, kiểm tra vòng đầu, sự phát triển xương sọ của em bé để đánh giá. Em bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dị tật đầu nhỏ. Bênh cạnh đó, Bệnh viện phụ sản Hùng Vương cũng lấy mẫu xét nghiệm và kết quả cho thấy em bé không nhiễm vi rút Zika.
Theo quy trình, Bệnh viện Hùng Vương vẫn đang theo dõi, tầm soát sức khỏe của em bé thời gian sau sinh.
Thời Zika, thai phụ được khám thai, tầm soát như thế nào?
Theo bác sĩ Hải, đầu nhỏ là dị tật thai nhi dễ phát hiện nhất vì là dị tật về hình thể. Cùng với chiều dài, cân nặng thì sự phát triển vòng đầu của thai nhi được khảo sát qua siêu âm ở các kỳ khám thai.
Đầu nhỏ là dị tật hiếm gặp và dễ phát hiện qua siêu âm thai - Ảnh minh họa: Reuters
|
Bệnh viện tăng cường công tác tầm soát, chú ý phát hiện những dấu hiệu bất thường ở thai phụ, những biểu hiện của dấu chứng Zika đối với thai phụ; đặc biệt là tư vấn cho thai phụ và người nhà nhận thức rõ đây là bệnh hiếm gặp và có thể phát hiện di chứng dễ dàng.
Bác sĩ Tuyết cho biết, đối với những thai phụ trong diện nguy cơ cao (như ở trong vùng dịch, có các triệu chứng nhiễm Zika) thì các bác sĩ sẽ đặc biệt chú ý hơn trong việc khảo sát chu vi vòng đầu của thai nhi. Nếu có bất thường, sẽ tiếp tục làm các bước tiếp theo như chọc ối, lấy mẫu xét nghiệm xem thai nhi có nhiễm Zika. Bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ và gia đình hiểu rõ về bệnh, theo dõi trước sinh và tầm soát sự phát triển của trẻ sau sinh.
“Không phải trường hợp thai phụ bị nhiễm Zika nào thai nhi cũng bị dị tật đầu nhỏ. Tỉ lệ thai nhi bị tật đầu nhỏ do trong thai kỳ mẹ bị nhiễm vi rút Zika được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo chỉ khoảng 1-10% và cũng chưa có khẳng định chắc chắn dị tật đầu nhỏ là do vi rút Zika”, bác sĩ Tuyết nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, khuyên thai phụ trước hết phải biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mình tùy theo hoàn cảnh, điều kiện nơi công tác và trong gia đình: không để muỗi chích, không để phát sinh muỗi, lăng quăng trong nhà và nơi làm việc.
Các chị em đang có thai hoặc dự định có thai nếu xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm Zika thì đến khám và được tư vấn tại các bệnh viện để được tầm soát.
Bên cạnh đó, tiến sĩ – bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương, cho biết: Thai phụ và phụ nữ có kế hoạch có thai không nên đi tới vùng đang có dịch Zika, đi tới những vùng có nhiều muỗi; nên ăn mặc kín đáo, ngủ mùng, thoa kem chống muỗi để không bị muỗi chích. Đặc biệt giữ nhà cửa, nơi sống và làm việc sạch sẽ, không để đọng nước, diệt lăng quăng, diệt muỗi.
Phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghi nhiễm Zika thì đến các bệnh viện khám để được tư vấn, tầm soát bệnh. Nếu có nhiễm Zika thì thai phụ cũng không nên hoang mang.
|
Vi rút Zika tồn tại trong máu thai phụ trên 50 ngày
Theo Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM:
Có khoảng 60 - 80% người nhiễm vi rút Zika là không có biểu hiện bệnh, kể cả phụ nữ mang thai.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy có sự khác biệt về khả năng nhiễm và biểu hiện bệnh vi rút Zika giữa người bình thường và phụ nữ mang thai.
Trên phụ nữ mang thai khi nhiễm vi rút Zika thì thời gian tồn tại của vi rút trong máu lâu hơn so với người khác. Nghiên cứu cho thấy trên phụ nữ mang thai không có biểu hiện lâm sàng vi rút trong máu có thể tồn tại đến 53 ngày kể từ lần phơi nhiễm. Còn với phụ nữ mang thai nhiễm vi rút Zika có biểu hiện triệu chứng thì vi rút tồn tại trong máu lên đến 62 ngày sau khi khởi phát.
Khi có vi rút Zika trong máu ở phụ nữ mang thai thì đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi và trẻ sơ sinh.
Do đó, cộng đồng cần vào cuộc diệt muỗi, lăng quăng nhằm cắt đứt đường lây truyền chủ yếu từ muỗi, giúp giảm số mắc Zika, cũng như sốt xuất huyết và làm giảm nguy cơ lây vi rút Zika sang phụ nữ dự định mang thai và đang mang thai.
|
Bình luận (0)