Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 4: Từ con bạc đến ‘đao phủ’

10/02/2014 00:05 GMT+7

Cũng như rất nhiều trinh sát, điều tra viên, kiểm sát viên và nhà báo trực tiếp bám án, người viết không thể lý giải nổi vì sao trên thực tế lại có vụ án man rợ như thảm án sát hại 5 phu trầm xảy ra trong thế giới văn minh này.

Cũng như rất nhiều trinh sát, điều tra viên, kiểm sát viên và nhà báo trực tiếp bám án, người viết không thể lý giải nổi vì sao trên thực tế lại có vụ án man rợ như thảm án sát hại 5 phu trầm xảy ra trong thế giới văn minh này.

>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 3: 'Quỷ dữ' sa lưới
>> Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 2: Một tuần 'nín thở
>> Thảm án sát hại 5 phu trầm: Cuộc thảm sát và những thông tin ít ỏi

Thảm án sát hại 5 phu trầm - Kỳ 4: Từ con bạc đến ‘đao phủ’
Nhiều điều tra viên lão luyện của PC45 (Công an tỉnh Quảng Trị) đã rùng mình khi nghe những lời khai của Hồ Văn Công - Ảnh: Nguyễn Phúc

Dù theo dõi vụ án từ đầu và thu thập rất nhiều thông tin nhưng cho đến ngày 8.2, sau khi đọc hết bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Trị dành cho Hồ Văn Thành (40 tuổi, xã Hướng Sơn) và Hồ Văn Công (38 tuổi, xã Hướng Việt, H.Hướng Hóa, Quảng Trị), người viết một lần nữa đã phải rùng mình.

“Kịch bản” kinh dị

Theo cáo trạng, khoảng đầu tháng 3.2013, Thành do thua bạc nên đã cầm cố xe máy của bố vợ. Quay quắt kiếm tiền chuộc xe, Thành đã hẹn với Công và Hồ Văn Nguyên (30 tuổi, trú bản Ta Poong, H.Sê Pôn, Savanakhet, Lào) cầm súng AK của Nguyên vào rừng, khống chế người đi tìm trầm, cướp tài sản, đòi tiền chuộc rồi giết.

Sau khi chuẩn bị lương thực, vũ khí (một khẩu súng AK cùng 5 viên đạn, dao) và một “kịch bản” khủng khiếp, cả ba cùng Hồ Văn Thao (anh trai Nguyên, người này chỉ đi một đoạn và sau đó về nhà, không tham gia vào các hoạt động trấn cướp, giết người của nhóm) đi vào rừng. Ngày 22.3.2013, cả nhóm gặp và bắt trói được 3 phu trầm tên Trần Minh Tuấn (24 tuổi), Hoàng Lê Dũng (29 tuổi) và Nguyễn Thanh Liêm (46 tuổi, cùng trú H.Quảng Trạch, Quảng Bình), cướp được 2 điện thoại di động, 1 cái đài và 1 số vật dụng nhưng 3 phu trầm này may mắn thoát được do dây trói là phanh xe đạp tuột ra.

Đến sáng 23.3.2013, Công, Thành, Nguyên mới gặp được nhóm 7 phu trầm xấu số tại một vị trí thuộc bản Cợp (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa). Với súng đạn trong tay, nhóm cướp nhanh chóng khống chế 7 phu trầm tay không tấc sắt. Sau khi trói tay 7 người ra sau lưng và trói thắt thòng lọng từ cổ người này sang cổ người khác, nhóm cướp dẫn 7 phu trầm sang đất Lào (thuộc bản Ta Poong, H.Sê Pôn). Lúc này, như kế hoạch, nhóm cướp thả 1 trong 7 phu trầm là anh Hoàng Văn Hà, đưa cho anh Hà một đèn pin để về quê báo cho thân nhân và yêu cầu trong 3 ngày anh này phải quay lại cùng 120 triệu đồng tiền chuộc.

Phân tích về “kịch bản” của nhóm Công, Thành, Nguyên, thượng tá Nguyễn Hữu Mạnh, Phó PC45 (Công an tỉnh Quảng Trị), cho rằng việc chúng cho anh Hà về nhà lấy tiền chuộc chỉ là đòn “tung hỏa mù”. Bởi ngay từ đầu khi bàn bạc ở nhà hay suốt trên đường đi, nhóm cướp này đã quyết bắt người đi tìm trầm, đòi tiền chuộc sau đó giết chết những người bị bắt để tránh bị phát hiện. Hay nói một cách khác, trong dự định, chúng không hề cho một phu trầm nào sống sót, kể cả khi anh Hà quay lại, chúng cũng sẽ đập chết luôn. “Rủi cho bọn chúng là ngoài anh Hà được tha về thì anh Đỗ Văn Hiền (26 tuổi, một trong 6 phu trầm còn lại) cũng thoát được giữa cuộc hành quyết nên sự việc chúng đã giết hết các phu trầm mới bại lộ. Bằng không, nếu cả 7 phu trầm đều chết, ít nhất phải vài tháng sau cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra vụ việc, khi người nhà nạn nhân báo thân nhân mất tích”, thượng tá Mạnh nói.

Giết người như thời trung cổ

Khi chưa bắt được những kẻ thủ ác, chiều 30.3, tại Đồn biên phòng Cù Bai (xã Hướng Lập, H.Hướng Hóa), PV Thanh Niên đã được tiếp cận với những bức ảnh khiếp đảm ghi lại hiện trường lúc vừa đào thi thể các phu trầm lên. Đến người lính biên phòng lão luyện như thượng tá Nguyễn Viết Tân, Đồn trưởng đồn biên phòng này, cũng nói: “Nhìn xác 5 người chôn chung 1 hố, bị đánh bầm dập, mấy đêm liền sau đó tôi vẫn thấy rờn rợn”.

Còn theo cáo trạng, đêm 23.3.2013, chỉ chờ anh Hà đi khuất, Công và Nguyên thay nhau canh giữ nhóm phu trầm còn Thành cầm dao đi ra gần suối, đào sẵn một cái hố rồi chặt một cái đùi to làm hung khí. Sau đó, Công và Thành lần lượt gọi từng phu trầm đến sát miệng hố, bắt quỳ thấp, cúi đầu xuống rồi dùng đùi đập vào đầu họ. Cứ vậy, Công đập còn Thành xô xác xuống hố. Những ai còn thoi thóp thì Thành nhảy xuống hố, cầm đá bổ tiếp vào đầu họ. May mắn cho phu trầm Đỗ Văn Hiền, cũng là người cuối cùng đã kịp tự tháo dây trói, bỏ chạy thục mạng và thoát được đòn độc của những “con quỷ khát máu”.

Ngày 26.3.2013, thân nhân và lực lượng chức năng mới tìm được vị trí chôn các phu trầm.

Điều đáng nói, không biết có phải do dân trí thấp hay vì thú tính đã thuộc về bản chất mà những lời khai của Công và Thành tại cơ quan điều tra về hành vi của mình rất rành mạch, chi tiết. Thừa nhận đã giết người mà cả hai nói như thể mới chọc tiết một con gà. “Chúng khai tỉnh bơ, bắt như thế nào, đánh như thế nào, lấp hố như thế nào... Chúng bảo mấy vụ trước tha cho người về thì bị lộ nên vụ này phải giết hết, không chừa”, một điều tra viên sau khi lấy lời khai của Công kể.

Đến vị cảnh sát hình sự lão luyện, từng đối diện với đủ loại tội phạm như thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng PC45 (Công an tỉnh Quảng Trị), cũng phải thốt lên rằng: “Cứ như thời trung cổ. Dù đã xem xét ở nhiều khía cạnh nhưng tôi không lý giải được diễn biến tâm lý của nhóm này. Kịch bản của chúng rất đơn giản nhưng diễn biến thực tế rất kinh dị”.

Nhưng có một điều tưởng chừng như ít người nhận ra rằng, kể cả khi những “gã đao phủ” vùng cao ấy đã sa lưới thì nỗi ám ảnh về chúng và tội ác của chúng vẫn còn. Đặc biệt, đối với những người “ngậm ngãi tìm trầm”, ở đâu đó trong rừng sâu. (còn tiếp)

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.