Ngôi nhà tranh tre độc đáo nhất Việt Nam - Ảnh: H.T |
Cuối tháng 4.2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định chính thức thành lập Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt do ông Lê Văn Vĩnh làm giám đốc. Đây là bảo tàng ngoài công lập quy mô lớn nhất tại Quảng Nam đến thời điểm này, gồm quần thể kiến trúc với 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo nhất của người Việt và 15 công trình nhà gỗ từ các miền Bắc - Trung - Nam được phục dựng nguyên vẹn trên diện tích 11.000m2. Trong bảo tàng này có rất nhiều ngôi nhà độc đáo như ngôi nhà tranh tre cổ nhất Việt Nam có tuổi đời gần 105 năm. Đây là kiểu nhà tranh 1 gian hai chái của cư dân Quảng Nam có diện tích gần 50m2. Đến với ngôi nhà này, du khách thực sự ngỡ ngàng vì kết cấu vững chắc, liên kết giữa các đòn tay, vì kèo... Song, điểm đặc biệt của ngôi nhà chính là chái bếp với vách tường làm bằng đất sét trộn rơm được giữ nguyên trạng. Hay như nhà thờ tổ 3 gian được lợp ngói âm dương gồm gian giữa thờ tổ nghề và không gian hai bên có bàn nước tiếp khách nhìn ra khu vườn với cây mai vàng trước sân. Rồi, nhà lục giác chờ thuyền (Quảng Nam) là mẫu nhà được đánh giá cao về tính thẩm mỹ. Đường dẫn ra nhà chờ thuyền được cách điệu bằng cầu tre, hai bên phủ bóng trúc xanh mát, phía trước có hồ khảm sành với hình dáng mềm mại, kết hợp vật liệu ốp lát là những chiếc dĩa bát tiên, góp phần làm cho căn nhà vừa thêm phần cổ kính vừa mềm mại, nên thơ.
Trong bảo tàng còn có ngôi nhà 3 gian 2 chái vỏ cua được phục dựng lại từ phủ đường của vị quan triều Nguyễn Tôn Thất Đạm. Bên trong còn lại án thờ sơn son thiếp vàng và tấm hoành phi khá nguyên vẹn. Điểm nhấn của ngôi nhà là bộ cửa chính thượng song hạ bản, các tấm liên ba, các đầu đuôi kèo lồng ba được chạm trổ tỉ mỉ, công phu... Bên cạnh đó là các ngôi nhà truyền thống của người dân Quảng Trị (nhà bánh ú), nhà rường 1 gian 2 chái (Quảng Bình), nhà bát giác cung đình Huế, nhà lá mái 1 gian 2 chái (Bình Định), nhà tứ giác, lục giác (Nam bộ), nhà bát giác (Bắc bộ)...
Để vào Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt, du khách sẽ qua 3 lối đi, gồm: đông Bình Môn, tây Hưng Môn và Chính Môn. Đông Bình Môn được mô phỏng từ cổng của khu phố người Việt xưa như phố Hội An, phố Bắc bộ hay còn được gọi bằng cái tên quen thuộc, giản dị là “cổng phố”. Cửa tây Hưng Môn được thiết kế theo mô típ của cổng tam quan, loại cổng thường xuất hiện trước những ngôi nhà quyền quý hoặc ở chốn tôn nghiêm như ở từ đường, đình chùa miếu mạo được phục dựng để làm cổng riêng dẫn vào ngôi nhà thờ tổ nghề mộc. Chính Môn với hàng trụ biểu ở chính diện bằng gỗ lim cổ cách điệu vươn mình bao quanh ôm ấp lấy tảng đá vuông, cùng tựa vào cây thiên tuế nghìn năm mạnh mẽ, cứng cáp, trường tồn nhằm thể hiện giá trị vững chắc của không gian truyền thống Việt.
Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt được khởi công vào ngày 4.4.2004 và hoàn thành vào ngày 12.12.2012. Cuối tháng 4.2014, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã quyết định công nhận: “Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt lớn nhất Việt Nam”.
Hữu Trà
Bình luận (0)