Thăm cổ tự trên đỉnh Thiên Ấn

16/11/2013 10:27 GMT+7

Thiên Ấn (ở xã Tịnh Ấn, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của nước ta, nằm trên đỉnh núi cùng tên.

Thiên Ấn (ở xã Tịnh Ấn, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của nước ta, nằm trên đỉnh núi cùng tên.

Thăm cổ tự trên đỉnh Thiên Ấn
Một góc chùa Thiên Ấn - Ảnh: Lê Xuân Thọ

Trong “12 thắng cảnh Quảng Ngãi” của tác giả Lê Hồng Khánh có đoạn miêu tả núi Thiên Ấn: “Núi cao 106 mét, trông từ 4 phía đều tựa hình thang cân. Vào mùa nước đầy, nhìn từ bờ bắc, dòng nước sông Trà Khúc chảy theo hướng tây nam - đông bắc, như dồn vào chân núi; rồi lại từ chân núi, theo hướng tây bắc - đông nam, đổ về cửa Đại. Giữa một thiên nhiên thoáng đãng, ngọn núi như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông xanh, nên người xưa còn gọi là Thiên Ấn niêm hà. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi được liệt vào hàng danh sơn và ghi vào điển tịch”.

Thiên Ấn niêm hà được ví là “Đệ nhất phong cảnh” của Quảng Ngãi, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng thắng cảnh - di tích vào năm 1990. Đây là nơi đàm đạo, xướng họa thơ ca của nhiều thi sĩ nổi tiếng như: Cao Bá Quát, Bích Khê, Nguyễn Cư Trinh, Phạm Trinh… Với đặc điểm như thế, trong tâm thức người Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn và dòng Trà Khúc là biểu tượng sơn thủy thiêng liêng. Điều này lý giải vì sao mà chùa Thiên Ấn, dù không có gì nổi bật về mặt kiến trúc, nhưng rất nổi tiếng từ hàng trăm năm qua.

Hòa thượng Thích Hạnh Trình, trụ trì chùa Thiên Ấn cho biết chùa được khởi công xây dựng vào năm 1694, một năm sau thì hoàn thành. Vào đời vua Lê Dụ Tông (năm Vĩnh Thịnh thứ 11, năm 1717), chúa Nguyễn Phúc Chu vì rất sùng đạo, đã ban cho chùa biển ngạch “Sắc tứ Thiên Ấn Tự”. Gần 320 năm từ ngày khai lập đến nay, chùa đã qua 15 đời trụ trì, trong đó có 6 vị được suy tôn là sư tổ, thường được gọi là lục tổ.

Thăm cổ tự trên đỉnh Thiên Ấn
Giếng Phật ở chùa Thiên Ấn - Ảnh: Lê Xuân Thọ

Dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về chuông thần và giếng Phật ở ngôi chùa cổ này. Phía trước, bên trái chính điện chùa có treo một quả đại hồng chung, gọi là chuông thần. Nguồn gốc của quả chuông này từ làng Chí Tượng (nay là xã Đức Hiệp, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi), khi đúc xong thì đánh không kêu. Tương truyền vào năm 1845, tổ sư thứ ba của chùa Thiên Ấn là thiền sư Bảo Ấn, khi đang thiền thì thấy có một vị hộ pháp bảo tới làng Chí Tượng thỉnh quả chuông về. Kỳ lạ thay, khi được thỉnh về chùa, sau khi cầu nguyện, thiền sư Bảo Ấn gióng thì chuông phát ra tiếng kêu.

Cách chuông thần không xa về phía đông là giếng Phật. Có câu “Ông thầy đào giếng trên non/ Đến khi có nước không còn tăm hơi” để nói về câu chuyện nhà sư đào giếng. Chuyện kể rằng giếng Phật là giếng mở nguồn cho sự sống ở vùng núi Thiên Ấn, phải đào mất 20 năm mới hoàn thành. Hòa thượng Thích Hạnh Trình cho biết giếng sâu khoảng 21 m, đường kính hơn 2 m, được xây bằng đá ong rất đẹp mắt. Những người viếng chùa vẫn thường uống nước ở giếng này để cầu may.

Lê Xuân Thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.