Sách hay

'Thâm cung bí sử' Vua chúa Việt

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/10/2024 07:31 GMT+7

Vun bồi tình yêu lịch sử từ tủ sách nhỏ của ông ngoại khi còn học cấp 1, nhà nghiên cứu Lê Tiên Long rất thích thú với những câu chuyện của các vua chúa VN nên lúc trưởng thành, ông đi vào nghiên cứu sâu mảng đề tài này. Và tác phẩm Vua chúa Việt và những điều chưa biết đã tiết lộ nhiều chuyện "thâm cung bí sử", ít được tiếp cận ở chốn hoàng cung.

THỜI XƯA, VUA CÒN ĐƯỢC GỌI LÀ GÌ ?

Xem các loại hình nghệ thuật như kịch nói, cải lương, điện ảnh…, mọi người hay nghe cách xưng hô của những nhân vật bề tôi luôn thành kính gọi vua là "bệ hạ". Đó là danh xưng ở thời phong kiến. Tên gọi vua qua các triều đại cũng "biến tấu" khác thường.

'Thâm cung bí sử' Vua chúa Việt- Ảnh 1.

Tranh vẽ vua Minh Mạng

ẢNH: T.L LÊ NGUYỄN

Nhà nghiên cứu Lê Tiên Long phát hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư, đời Lý Thái Tông các quan khi có việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "triều đình". Còn ở thời Trần, sách Vua chúa Việt và những điều chưa biết viết: "Đời vua đầu tiên Trần Thái Tông, sau khi lên ngôi được 25 năm, đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250), nhà vua xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua là Quốc gia. Ta không rõ cách gọi vua là Quốc gia duy trì trong bao lâu, chỉ biết rằng đến năm 1258, vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Trần Hoảng (tức Trần Thánh Tông) để lên làm Thái thượng hoàng. Từ đó về sau, sử đều viết bề tôi gọi hai vua Trần là Thượng hoàng và Quan gia".

Cách xưng hô gọi vua là Quan gia cũng từng xuất hiện trong câu chuyện giữa Thượng hoàng Trần Thái Tông và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, khi vua trao ông chức Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc. Ý nghĩa của từ Quan gia, theo tác giả Lê Tiên Long, còn được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại. Đó là vào năm Bảo Phù thứ 5 (1277), vua Trần Thánh Tông đã hỏi Uy Văn vương Trần Quốc Toại (con rể vua Trần Thái Tông) thì được đáp: "Thời ngũ đế coi thiên hạ là của chung, thời tam vương coi thiên hạ là nhà chung, cho nên gọi là Quan gia. Vua đã khen ngợi Uy Văn vương có kiến thức rộng".

Tới khi Hồ Quý Ly, dù cháu ngoại (Trần Thiếu Đế) đang làm vua, ông vẫn tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng, khi làm công văn thì đề "Phụng nhiếp chính Quốc Tổ Chương Hoàng", "dù vẫn chỉ xưng là "dư" mà chưa dám xưng trẫm", sách đã dẫn nhấn mạnh. Rồi Lê Lợi chống quân Minh thắng lợi, lúc lên ngôi vẫn không gọi hoàng đế mà xưng "Thuận Thiên thừa vận Duệ Văn Anh Vũ Đại vương". Vua Lê Thái Tổ cũng xưng với quần thần là "trẫm" và được đáp lại là "bệ hạ".

Tới thời Lê Trung Hưng, các chúa Trịnh được vua Lê phong tước vương nên được gọi là "điện hạ", vua Lê trăm quan và muôn dân đều gọi vua là "bệ hạ", kéo dài cho đến suốt các đời vua của triều Nguyễn sau này.

AN NINH NGHIÊM NGẶT CHO CÁC BẬC ĐẾ VƯƠNG

Ở bất kỳ triều đại nào, vua luôn là nhân vật quan trọng nhất nên việc bảo toàn tính mạng cho các bậc đế vương luôn đặt lên hàng đầu, cũng là giữ sự uy nghiêm cho ngôi vua. Lịch sử từng ghi nhận những vụ hành thích, ám sát nhằm cướp ngôi vua thời Tiền Lê (vua Lê Trung Tông), thời Hậu Lê (Lê Nhân Tông)…, nên an ninh cho vua luôn được thắt chặt lúc vi hành, khi sinh hoạt trong cung cấm, ngủ nghỉ.

'Thâm cung bí sử' Vua chúa Việt- Ảnh 2.

Bìa sách Vua chúa Việt và những điều chưa biết

ẢNH: Q.TRÂN

Theo tác giả Lê Tiên Long, vào thời triều Lý đã có bộ luật Hình thư xử tội mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn nghịch đứng đầu thập tội với mức hình phạt cao nhất, duy trì cho đến thời Trần. Sách đã dẫn chi tiết: "Vào triều Lê, sau biến cố năm 1459 với việc Lê Nghi Dân cùng hạ thủ trèo tường vào cung cấm giết vua Lê Nhân Tông để giành ngôi, đến khi các bề tôi phế truất Lê Nghi Dân và đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, việc bảo vệ cung cấm được tổ chức chặt chẽ hơn nhiều lần. Đến tháng 5 năm Quang Thuận thứ 4 (1463) thì nhà vua ra sắc chỉ: Kẻ nào dùng gươm, nón trái quy định để vào trong hoàng thành đều bị xử tử".

Một khu vực quan trọng nhất của vua là nơi sắc thuốc và nấu ăn được xem là bất khả xâm phạm. Nơi "không phận sự cấm vào" này, nếu ai tự tiện bén mảng tới, điều 51 và 52 bộ luật Hồng Đức quy định rõ "thì phải đày đi châu xa". Các quan thường trực chỉ được đến ngoài cửa, nếu vào lầm thì phải tội biếm hay đồ. Ai trèo qua tường điện bị tội xử chém, trèo qua tường cấm bị hình phạt treo cổ.

Tuy nhiên cũng có một "sự cố" bất khả kháng ở thời Minh Mạng, do người trực đêm trong đội thị vệ bị bệnh gấp, Vệ úy Nguyễn Văn Quyền và Hoàng Đức Tòng không kịp chờ tâu mà hạ lệnh mở cửa cho ngoài chạy chữa. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng liền nhắc nhở: "Vội vàng theo quyền nghi thì cũng có thể xem xét giảm tội. Song lệ cấm cửa thành, cửa cung nghiêm ngặt cũng khó chút tha thứ được". Từ đó, vua sai phát long bài hiệu cho hai cửa Tả Túc Tả Đoan cho đại thần Thụ vệ đương trực cầm giữ và chịu trách nhiệm. Nếu vi phạm, tùy tình tiết mà xử lý theo luật để đảm bảo an ninh trong cung cấm luôn đảm bảo.

Nếu độc giả còn muốn biết về đời sống riêng tư hay tìm hiểu "dung nhan" của các vị vua chúa Việt: Vua nào được sử sách mô tả là "mặt rồng", "dáng rồng". Sắc màu trên trang phục vua quan, vua nào được sứ thần nước ngoài khen là... đẹp trai? Kim cương trên trang phục vua triều Nguyễn có gì lạ? Khi đi đánh trận, vua ăn gì? Vua uống rượu ra sao, những vua nào mê rượu? Lúc còn trẻ vua phải học hành thế nào? Những vua Việt nào mắc bệnh lạ, đó là loại bệnh gì? Trong yến tiệc, món vua hay đãi sứ thần Trung Quốc? Vua chúa ngủ có khác người thường không?... Tất cả đều được kể lại đầy đủ trong Vua chúa Việt và những điều chưa biết do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.