Thảm đỏ cho nhà khoa học

24/07/2011 02:51 GMT+7

Bên lề hội thảo khoa học “Liên kết phát triển bảy tỉnh duyên hải miền Trung”, PGS -Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi về các nội dung liên quan phát triển kinh tế biển, du lịch, cảng và các khu công nghiệp theo chiều hướng liên kết toàn khu vực. Ý kiến của ông Thiên, theo tôi là có nhiều nội dung mới cần các tỉnh, thành nghiên cứu rộng rãi.

Đối với hợp tác “kinh tế hướng biển”, tiến sĩ Thiên cho rằng: “Vùng biển duyên hải miền Trung là vùng biển rộng và hợp tác của 7 tỉnh chưa có tính chất biển xa. Trước mắt, nên ưu tiên hợp tác phát triển du lịch dọc biển vì tính khả thi cao... Du lịch duyên hải miền Trung nên theo định hướng du lịch đẳng cấp cao “tốn ít tài nguyên mà doanh thu cao”. Tư duy về du lịch hiện nay của vùng duyên hải miền Trung chỉ dừng ở số lượng khách đến một cách thông thường. Cần thay đổi tư duy về du lịch, phải là du lịch đẳng cấp cao thì mới xứng với đẳng cấp biển đẹp tầm thế giới của miền Trung. Gắn liền với du lịch đẳng cấp cao phải là dịch vụ chất lượng cao, trong đó phải kể đến một ngành dịch vụ có chất lượng, doanh thu lớn như du lịch - chữa bệnh - dưỡng sinh...”. Về việc xây dựng cảng biển ào ạt và tư duy chạy theo thành tích nhiều triệu tấn hiện nay, tiến sĩ Thiên có một đánh giá và gợi ý đáng xem xét. Theo ông: “Miền Trung không nên phát triển cảng công nghiệp nặng với sản lượng vận tải nhiều triệu tấn, mà cần phát triển cảng biển theo hướng phục vụ công nghiệp công nghệ cao. Cảng công nghệ cao là cảng được chia theo chức năng, gắn liền với những đô thị cảng lớn, hiện đại, văn minh. Riêng đối với Đà Nẵng, nên chia chức năng cho những cảng khác ở các tỉnh lân cận, để cảng Tiên Sa Đà Nẵng tập trung vào chức năng công nghệ du lịch cao. Cảng sản lượng cao (công suất nhiều triệu tấn/năm) đang là mong mỏi của nhiều người, nhất là những người theo chủ nghĩa thành tích kiểu cũ... Bởi cảng nhiều triệu tấn là cảng xuất hàng thô, cảng bán tài nguyên (gỗ, cát, nông sản...) hay các sản phẩm công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp.

Trở lại tình trạng cạnh tranh, thiếu liên kết trong kinh doanh du lịch hay tổ chức các lễ hội, từ lâu các chuyên gia vẫn nêu ý tưởng về một chuỗi sản phẩm du lịch dọc biển, theo sắc thái văn hóa riêng tránh sự cạnh tranh đơn thuần về giá giữa các sản phẩm cùng loại, cùng đẳng cấp, tạo cho duyên hải miền Trung thành một trung tâm du lịch lớn, có đẳng cấp, có sự phối hợp liên hoàn. Ông Thiên ví dụ cách làm du lịch ở Sa Pa đưa khách du lịch quốc tế tiếp cận với văn hóa địa phương một cách trực tiếp, mang đến sự gần gũi nhất có thể giữa khách du lịch và đời sống nhân dân địa phương trong vùng và “khách du lịch được sống, được tận hưởng cuộc sống của những người dân bản địa, được nắm tay người Dao, được thổi kèn tỏ tình của người Hmông. Đơn giản, nhưng không dễ làm nếu không có tư duy chiến lược, nếu không đủ tầm nhìn văn hóa...”.

Tôi cho rằng, các gợi ý của tiến sĩ Trần Đình Thiên và nhiều phát biểu khác tại hội thảo vừa qua là hết sức tâm huyết. Tâm huyết của các nhà khoa học ở chỗ họ vốn đau đáu với sự chậm phát triển của vùng đất “đòn gánh” này của đất nước. Các tỉnh duyên hải miền Trung đang cần có những tấm lòng như vậy, không chỉ riêng ở một lĩnh vực đơn lẻ nào. Chỉ tiếc là lâu nay ta chưa “trải được thảm đỏ” một cách thực lòng để mời gọi họ hiến kế.  

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.