Ông Huỳnh Thanh Phụng, ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) từng làm việc ở cơ quan nhà nước, sau đó xin nghỉ việc về nhà buôn bán khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, hằng tháng ông Phụng vẫn quyết định dành một khoản tiền tích lũy tham gia BHXH tự nguyện để có đồng lương hưu sau này. Theo ông Phụng, chế độ BHXH tự nguyện rất mở, người tham gia có quyền lựa chọn mức đóng hằng tháng phù hợp với điều kiện thu nhập của mình, nên thu hút nhiều đối tượng tham gia. “Mình chọn mức đóng 204.600 đồng/ tháng và được nhân viên bưu điện tới tận nhà để thu”, ông Phụng nói và cho biết tham gia BHXH tự nguyện như là điểm tựa của người lao động, khi về già thì được hưởng lương hưu hằng tháng, đỡ cho con cháu sau này. Bà Đỗ Thị Hoàng Hoa, ở xã Nhơn Sơn, H.Ninh Sơn, hành nghề buôn bán, cho biết đã mua BHXH tự nguyện cho mình với mức giá 204.600 đồng/tháng và đang lên kế hoạch để mua BHXH tự nguyện cho chồng, để sau này vợ chồng cùng an nhàn sinh sống nhờ vào lương hưu, không phụ thuộc vào con cháu.
Sau nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện đến từ khu phố, hộ gia đình, nhiều nông dân trên địa bàn Ninh Thuận cũng đã bắt đầu quan tâm việc tham gia BHXH tự nguyện, xem đây là chỗ dựa vững vàng cho mình khi lúc già, khi không còn sức khỏe để lao động. Theo BHXH Ninh Thuận, số lượng lao động tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tăng khá trong hai năm gần đây. Đầu năm 2018, toàn tỉnh Ninh Thuận mới có khoảng 366 trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, đến nay có số tham gia lên 570 người.
|
Thực tế cho thấy chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng đang dần đi vào cuộc sống, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH trên từng địa bàn khu dân cư, góp phần đảm bảo đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Hiện BHXH Ninh Thuận đang phối hợp UBND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, để BHXH tự nguyện thực sự là điểm tựa vững chắc cho từng người dân.
Bình luận (0)