Tham gia CPTPP: Cần gia tốc cải cách thể chế để tận dụng cơ hội

Lê Hiệp
Lê Hiệp
05/11/2018 09:51 GMT+7

Khẳng định việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ mang lại những cơ hội quý giá, nhưng đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh: “Tất cả chỉ mới là cơ hội”.

Nguy cơ cơ hội không trở thành hiện thực
Thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan sáng 5.11, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch  Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, nói điều ông lo lắng là nguy cơ về các cơ hội không thể trở thành hiện thực. Bài học từ việc thực hiện 10 FTAs đang cho thấy rất rõ điều này.
“Các FTAs từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. Riêng các lợi ích từ ưu đãi thuế quan, trung bình chúng ta mới chỉ tận dụng được chưa đầy 40% (và chủ yếu thuộc về các FDI). Hơn 60% còn lại, vì nhiều lý do khác nhau, đã tuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”, ông Lộc dẫn chứng.
Từ đó, đại biểu Lộc cho rằng, việc quan trọng là phải xây dựng được các cơ chế bảo đảm nâng cao năng lực của cả chính quyền và doanh nghiệp để có thể hiện thực hóa thành công các cơ hội được mở ra.
Cần chương trình hành động hiệu quả
Để thực hiện việc này, ông Lộc đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động, bảo đảm thực thi hiệp định có hiệu quả.
Ông Lộc phân tích, để thực hiện cam kết về thuế quan trong hiệp định, chúng ta đã dự kiến ban hành nghị định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có được dự kiến nào về các chính sách để cân đối, bù đắp phần thu ngân sách bị thiếu hụt từ việc loại bỏ thuế theo cam kết (ví dụ biện pháp cắt giảm chi, tăng cường hợp tác công - tư, cơ chế hành thu hiệu quả, chống gian lận thuế và chuyển giá…).
“Tôi e rằng, nếu chúng ta không có ngay những dự kiến về việc này, thì khi nguồn thu thiếu hụt, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải hành xử ra sao? Liệu chúng ta có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu… khiến doanh nghiệp và người dân bức xúc”, ông Lộc nêu vấn đề.
Từ đó, ông Lộc đề nghị, chương trình hành động của Chính phủ phải bao gồm 3 việc: Một là phải rà soát và xây dựng tất cả các phương án có thể để thực thi một cách chủ động các cam kết và phải tổ chức đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng liên quan, để nhận diện và cân đong đo đếm được các tác động của từng phương án thực thi, cân nhắc cả những gì được - mất nếu vi phạm cam kết.
Hai là phải tính tới các phương án thực thi theo từng giai đoạn, để vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ các cam kết.
Ngoài ra, chương trình của Chính phủ cũng cần phải nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...
“Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định này sẽ là một thất bại”, ông Lộc nêu.
Con đường cải cách còn dài
“Nỗ lực xuyên suốt, quyết định thành bại của cuộc hội nhập đỉnh cao này, suy cho cùng chính là những nỗ lực đẩy nhanh cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để vươn tới những chuẩn mực hàng đầu của một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, so với yêu cầu này, đại biểu Lộc cho rằng, chúng ta vẫn phải cố gắng rất nhiều.
Theo Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố tuần qua, Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. Con đường cải cách do vậy còn dài.
“Để vượt lên, cải cách cần phải được gia tốc, và những nỗ lực cải cách và hội nhập vẫn phải bắt đầu từ những điều giản dị: khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp... để không chỉ tiếp tục cởi trói mà còn tiếp sức cho công cuộc khởi nghiệp của toàn dân”, ông Lộc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.