|
Thời gian gần đây, báo chí và bạn đọc đã phê phán gay gắt một bản dịch tệ hại của Nhà xuất bản Thông tấn - cuốn Nghề làm báo. Đặc biệt, việc dịch ẩu thể hiện khá rõ trong cuốn Mật mã Da Vinci qua bản dịch của Đỗ Thu Hà với rất nhiều lỗi sai ở rất nhiều trang dịch. Dư luận cũng quan tâm tới các bài phê bình xoay quanh việc dịch của dịch giả trẻ Cao Việt Dũng cùng việc Nhà xuất bản Văn Học và Công ty Nhã Nam phải ra thông báo thu hồi cuốn sách Bản đồ và Vùng đất. Đây là cuốn sách dịch để lại nhiều lỗi, thuộc nhiều loại khác nhau: dịch sai nghĩa; dịch chệch nghĩa; dịch sót, diễn đạt tiếng Việt nhiều bất ổn; số lượng lỗi này cao hơn so với chuẩn biên tập, vượt quá số lỗi tối đa cho phép để sách có thể tiếp tục được lưu hành. Rồi hai cuốn sách Những kẻ thiện tâm và Hạt cơ bản qua bản dịch của Cao Việt Dũng cũng có nhiều sai sót.
Ồ ạt, chụp giật
Tại Hội thảo Những vấn đề lý luận và thực tiễn của văn học dịch hiện nay do Hội Nhà văn VN tổ chức ngày 10.8, nhiều tham luận của các nhà văn, dịch giả đã xới lên những tiêu cực trong lĩnh vực dịch sách. Tham luận của nhà thơ Bằng Việt gây được sự chú ý khi ông cho rằng những năm qua, có một xu thế dịch ồ ạt các tác phẩm văn chương nước ngoài, ít được thẩm định và xem xét kỹ giá trị đích thực của một trào lưu này hay trào lưu khác mà hầu như sách dịch chỉ chạy theo thị hiếu hấp dẫn độc giả, ăn khách, đôi khi chiều theo cả thị hiếu thích tò mò, hiếu kỳ của bạn đọc, đua đòi theo của lạ dẫu chỉ là “cũ người mới ta”.
Ông Việt cũng báo động về việc nhiều khi một nhà xuất bản, hoặc một nhóm làm sách tư nhân thấy một số tác phẩm vừa được thế giới làm ồn lên vì một vài khía cạnh giật gân nào đó, liền đặt hàng các dịch giả gấp gáp, trả giá cao, thậm chí vài ba người xé lẻ từng chương để dịch cho nhanh, rồi ráp nối lại vội vã, thiếu trách nhiệm, cốt được việc và có tiền nhanh. “Cách làm sách chụp giật này dẫn đến thảm họa dịch ẩu, coi việc làm xuất bản cũng chỉ là một món hàng kinh doanh và chỉ có độc giả là người gánh chịu hậu quả. Lại có khi, tuy cũng biết giá trị của một cuốn sách cần dịch, nhưng không đủ điều kiện để mua bản quyền dịch thuật, trả tác quyền sòng phẳng khi dịch, nên đành xoay xở tìm cách dịch chui, hoặc tệ hơn nữa cho phép phóng tác, tóm lược tác phẩm một cách vô tội vạ, thay đổi cả đầu đề sách, đặt mới cả tên tác phẩm”, ông Việt nhận định.
|
Dịch giả - nhà văn Trang Hạ trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên mới đây thì cho rằng chất lượng sách văn học dịch nằm ở năng lực của dịch giả và trình độ biên tập của biên tập viên các nhà xuất bản, nhưng trên thực tế, nó nằm hoàn toàn trong tay các đầu nậu sách và công ty sách. “Thảm họa dịch thuật xuất hiện bởi người tổ chức bản thảo không có trình độ, thậm chí có công ty sách đã thuê dịch giả không biết ngoại ngữ để dịch sách qua công cụ dịch của Google rồi viết lại bằng tiếng Việt. Người biên tập không biết ngoại ngữ, không có khả năng thẩm định bản dịch. Dịch giả coi dịch sách là nghề kiếm cơm, không phải là sự nghiệp, không cần xây dựng thương hiệu tên tuổi của mình. Có dịch giả dịch tiểu thuyết ẩu đến mức, mỗi chương sách chỉ dịch một nửa đầu, còn một nửa cuối không dịch. Hóa ra trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả đã "quên" không kéo chuột xuống để hiển thị nốt nửa cuối chương sách điện tử trên màn hình, mà đã chuyển sang dịch luôn chương tiếp theo. Độc giả không có thói quen đòi nhà sản xuất (công ty sách, nhà xuất bản) bảo hành cho sản phẩm lỗi”, chị thẳng thắn.
Thiếu phông văn hóa
Tại hội thảo nói trên, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng cần có sự phân định giữa dịch văn học hay văn học dịch. Ông nêu ra trường hợp cụ thể về chuyện nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai thời gian gần đây dịch mấy cuốn sách của tác giả nước ngoài sang tiếng Việt và dịch thơ tiếng Việt sang tiếng Anh… còn mắc khá nhiều lỗi. “Hội Nhà văn và Hội đồng văn học dịch cần phải thống kê đã có bao nhiêu cuốn sách dịch trong thời gian qua: tác phẩm, thể loại, tác giả, dịch giả. Hiện nay chúng ta chưa có nền phê bình dịch và biên tập dịch để đánh giá về nghệ thuật dịch. Các nhà xuất bản đang ở tình trạng không có đủ người đọc chuẩn cho bản dịch tiếng Việt chứ chưa nói đến đọc đối chiếu”, ông Nguyên nhận xét. Cùng đồng quan điểm, dịch giả Phạm Tú Châu cho biết: “Không nên gọi những bản dịch chưa đạt là văn học mà chỉ coi là dịch văn học. Và chúng ta cần phân biệt rõ khái niệm: dịch văn học, văn học dịch, tác phẩm dịch và tác phẩm được dịch”.
Nhận xét về bản chất của dịch thuật trên nền tảng văn hóa, dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng: “Dịch thực chất là giao lưu giữa hai nền văn hóa mà nhiều khi yếu tố văn hóa cho một dịch phẩm thành công quan trọng hơn ngôn ngữ. Văn hóa rất quan trọng với người dịch, cần phải có phông văn hóa sâu rộng của cả hai nền văn hóa. Cần có hội nghị chuyên đề để giải quyết những vấn đề cụ thể. Dù dịch thế nào thì đích cuối cùng vẫn là độc giả”.
Đặt vấn đề làm cách nào để dịch tốt nhất một tác phẩm văn học, dịch giả Ngô Hương Giang cho rằng người dịch cần phải hiểu đến ngọn nguồn vấn đề mà tác giả đề cập trong tác phẩm gốc trước khi chấp bút dịch. Nếu anh chưa hiểu được tác phẩm viết gì thì không thể nói là anh dịch được tác phẩm ấy. Có tác giả phải mất 5 đến 10 năm mới dịch xong được một tác phẩm. “Không nói đâu xa xôi, trước 1975 để dịch được bộ Hữu thể và Thời gian (hai tập) của Martin Heidegger, Trần Công Tiến phải mất gần 10 năm chỉ để nghiên cứu tác phẩm mà ông chọn dịch. Điều ấy cho thấy dịch thuật là công việc mệt nhọc và nhiều rủi ro. Những tác phẩm lý thuyết văn học và mỹ học thường nặng về khái niệm và tư duy trừu tượng, do đó, dịch sai một thuật ngữ hoặc một nhận định, đôi khi có thể hạ thấp giá trị tác phẩm được dịch. Vì vậy, dịch sách lý thuyết văn học/triết học/mỹ học, theo tôi, dịch giả cần bình tâm và trầm tư cho thấu vấn đề trước khi dịch thành văn bản, không nên vì một lý do nóng vội nào đó làm ý nghĩa, nhận định của tác giả trong tác phẩm gốc bị triệt tiêu hoặc bị hiểu sai”, bà Giang nhận xét.
Cũng tại hội thảo nói trên, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, cho biết sẽ kiến nghị với nhà nước về những việc cần làm sắp tới để thúc đẩy sự nghiệp văn học dịch như: hình thành chính sách quốc gia về văn học dịch; thành lập trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn VN; lập quỹ dịch văn học: nhà nước tài trợ và xã hội hóa; tránh tình trạng tự phát trong dịch văn học; phát triển kết nạp hội viên là dịch giả và bồi dưỡng đội ngũ kế cận; xin học bổng cho các học viên đi đào tạo dịch văn học ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty sách First News: Hình thức dịch xé lẻ và ráp lại sẽ khiến ngữ cảnh trong một cuốn sách không thống nhất. Vì cần tốc độ cạnh tranh ra sách nhanh, khá nhiều đơn vị xuất bản đã phải chia nhỏ bản dịch cho nhiều người, giao cho sinh viên dịch bởi giá thành rẻ. Điều này khiến chất lượng dịch không đảm bảo, rất dễ gây nên thảm họa dịch thuật. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi - chủ nhãn hiệu Chibooks:
Một cuốn sách chỉ nên dành cho một người dịch để văn phong được liền mạch, các tiết tấu cốt truyện, cách xưng hô... cũng được nhất quán. Chia nhỏ cuốn sách, đặc biệt là sách văn học, sẽ rất dễ khiến tác phẩm đọc bị khập khiễng, đứt gãy. Dịch giả - nhà văn Nguyễn Mai Sơn: Tôi cho rằng tình hình sách dịch có mặt tốt chen lẫn mặt xấu. Nhờ dịch thuật, chúng ta ngày càng tiếp xúc được nhiều với sách vở tinh hoa, kinh điển và xuất sắc từ cổ kim, đông tây. Cái giá đánh đổi để có được điều đó là quá nhỏ nếu so với hậu quả của tình trạng “bế môn tạ khách”. Nếu vội vàng báo động rằng đang có một thảm họa dịch thuật ở Việt Nam thì người ta sẽ đòi quản lý tình trạng không có thật này, và lúc đó nguy cơ một thảm họa dịch thuật trên quy mô lớn mới là có thật. Dịch thuật là công việc rất cá nhân, không khác lắm với công việc sáng tạo. Chỉ có người giỏi hơn, kinh nghiệm hơn “quản lý” người kém hơn trong phạm vi học hỏi mang tính “bí truyền” mà thôi. Hãy để cho các dịch giả được tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm. Và hãy để cho những dịch giả tử tế, đàng hoàng, giỏi giang tìm đến với nhau. Cũng cần phải phân biệt thảm họa dịch thuật với thảm họa xuất bản. Nếu các nhà xuất bản không làm việc nghiêm túc mà để cho một bản dịch tệ hại ra đời thì đó là thảm họa xuất bản. |
Nguyễn Việt Chiến - Ngọc Bi
Bình luận (0)