Thảm họa đổ sập lớn nhất trong lịch sử xây dựng Việt Nam !

27/09/2007 03:02 GMT+7

*Sập 2 nhịp cầu dẫn cầu Cần Thơ đang xây, 37 người chết, 87 người bị thương, chưa thống kê được số người đang bị chôn vùi *Tường thuật chi tiết của phóng viên Báo Thanh Niên tại hiện trường: Cả nước bàng hoàng, Cần Thơ chết lặng - Thảm họa đã được báo trước? * Chịu trách nhiệm chính vẫn là Bộ GTVT * Bộ trưởng Bộ GTVT không chịu hủy cuộc họp để đến ngay hiện trường, vì sao? *Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Báo Thanh Niên kêu gọi giúp đỡ nạn nhân

* Xem video clip *Tin, bài, hình ảnh liên quan * Bản tin VTV * Tường thuật âm thanh* Phát biểu Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Vì sao Bộ trưởng GTVT không hủy cuộc họp để đến ngay hiện trường?

Cả nước bàng hoàng - Cần Thơ chết lặng

Nhóm phóng viên Thanh Niên có mặt tại hiện trường ngay sau khi thảm họa kinh hoàng xảy ra - hai nhịp cầu dẫn đang xây của cầu Cần Thơ đổ sập. Hầu như tất cả máy điện thoại của chúng tôi đều trong tình trạng hết pin khi có quá nhiều cuộc gọi từ thời khắc 8 giờ sáng qua.

Cả nước đã bàng hoàng và Cần Thơ, Vĩnh Long thì như chết lặng. Con số chính thức chúng tôi cập nhật cho đến lúc này là đã có 37 công nhân bị tử nạn, 87 người khác bị thương và còn nhiều người khác mất tích. Đèn công trường thì vẫn sáng, đội cứu hộ, cứu nạn vẫn lặng lẽ mà khẩn trương tìm kiếm. Họ sẽ ở đó suốt cả đêm - một đêm trắng thật dài. Trước khi rời khỏi hiện trường, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dặn đi dặn lại: "Chúng ta phải coi các nạn nhân chưa tìm ra là còn sống và chúng ta phải thức suốt cả đêm để bằng mọi giá tìm cách ứng cứu".

Cả nội ô quận Ninh Kiều, Cần Thơ là bệnh viện dã chiến


Cần cẩu đưa người lên tìm kiếm trên cao - Ảnh: Trương Công Khả

Ngay sau khi nhận hung tin các nhịp cầu Cần Thơ đang được thi công bị sập chôn vùi hàng trăm công nhân, kỹ sư, cả thành phố Cần Thơ gần như nhốn nháo hẳn lên.

Bắt đầu từ 8 giờ sáng, công viên Bến Ninh Kiều đã trở thành một bệnh viện dã chiến. Các cung đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đại lộ Hòa Bình đã được phong tỏa để trên 40 xe cứu thương của các bệnh viện: Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Đa khoa Thành phố Cần Thơ, BV Quân y 121, Đa khoa Tây Đô... tập trung chuyên chở, cứu cấp nạn nhân. Hầu như tất cả các bác sĩ giỏi nhất đều có mặt tại hiện trường để có thể cứu sống kịp thời các nạn nhân. Tất cả trên 100 ca nô, tàu cao tốc của Bến tàu khách Ninh Kiều đều ngưng chuyên chở hành khách để huy động chở nạn nhân.

Vào lúc 13 giờ 30 phút tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương - Cần Thơ, ông Phạm Thanh Vận, Phó bí thư trực Thành ủy TP Cần Thơ đã triệu tập cuộc họåp khẩn cấp với các ban ngành đoàn thể và các bệnh viên báo cáo nhanh tình hình cũng như tiếp tục đề ra các hướng khắc phục và yêu cầu huy động y bác sĩ cấp cứu, điều trị không tính chi phí. Gần 3 ngàn người dân Cần Thơ và các công ty May Tây Đô, Công ty dầu thực vật Cái Lân tập trung để hiến máu kịp thời hoặc làm bất cứ công việc nào được yêu cầu. Chỉ trong vòng buổi sáng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã tiếp nhận được 700 đơn vị máu..., số người đăng ký hiến máu ngày một đông.

Ghi nhận tại hiện trường - thảm kịch đã được báo trước ?

Nhiều cuộc họp đã triển khai chớp nhoáng tại hiện trường cũng như tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức cho biết: khu vực xảy ra sự cố do các nhà thầu phụ của Việt Nam đảm trách. Tuy nhiên, vẫn chưa có kết luận chính nào về nguyên nhân gây ra sụp đổ toàn bộ các cầu dẫn trên các trụ 13, 14, 15. Có nhiều ý kiến đưa ra là do đêm 25.9, mưa quá to khiến đất lún, nền yếu dẫn đến các giàn giáo bị sập. Tuy nhiên, ý kiến này vẫn chưa thỏa đáng.

Một thông tin đáng lưu ý, ông Lê Văn Sáu, thuộc Công ty Vĩnh Thịnh 2 thi công tại công trình cho Báo Thanh Niên biết: ông phụ trách khâu đẩy dàn trục. Cách đây 10 ngày, lúc đẩy dàn trục ra ông phát hiện vết nứt ngang 1,5 ly, dài khoảng 10m. Thấy vậy, ông đã báo cáo lên cấp trên thì được trả lời: "Do đẩy dàn trục sớm quá nên có hiện tượng răng thôi". Ông Sáu còn cho hay, sáng nay công nhân của Vĩnh Thịnh 2 không đến công trình để phản ứng với việc trả lương chậm nên toàn bộ công nhân của đơn vị này đều được an toàn. Hiện nay nguyên nhân đang được điều tra làm rõ.


Chuyên gia nước ngoài cùng công nhân VN tham gia công tác cứu nạn

Theo một số kỹ sư kể lại có lẽ nhà thiết kế đã không tính đến những sai sót, nên mới hôm qua đoạn dẫn này vừa được đổ bê tông xong thì có dấu hiệu bị lún và trách nhiệm cũng phải kể đến đơn vị giám sát. Phát biểu tại cuộc họp báo với lãnh đạo Cần Thơ lúc 14 giờ ngày 26.9, đại diện nhà thầu chính TKN (Nhật Bản) - ông Hứa Thanh Tuấn cho biết: "Nơi bị đổ sập là do 2 nhà thầu phụ là VSL, Vĩnh Thịnh thi công. Trong trách nhiệm của mình, nhà thầu chính chịu tất cả chi phí chữa trị, mai táng cho các nạn nhân. Nhà thầu chính mua bảo hiểm tai nạn với Bảo Minh; nhà thầu phụ mua bảo hiểm của ai chúng tôi không rõ. Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa thể thông tin chính thức nguyên nhân của thảm họa sụp đổ tại chân cầu Cần Thơ".

Lúc 9 giờ 30 sáng, ông Ngô Thịnh Đức, Thứ trưởng Bộ GTVT đã có buổi họp khẩn cấp với lãnh đạo hai địa phương Cần Thơ, Vĩnh Long và Quân khu 9 để bàn các biện pháp ứng phó. Nội dung chính trong cuộc họp kéo dài 10 phút là bàn các biện pháp cấp tốc cứu người. Ban chỉ huy việc ứng cứu được thành lập, trước mắt ông Đức là tổng chỉ huy tại hiện trường. Hai địa phương Vĩnh Long, Cần Thơ và Quân khu 9 đã huy động rất đông lực lượng công an, bác sĩ để bảo vệ trật tự và cứu hộ cứu nạn. Thiếu tướng Trần Phi Hổ, Phó tư lệnh Quân khu 9 cho biết: quân khu đã điều động tàu cấp cứu lưu động đến hiện trường, các trường hợp bị thương đều được tức tốc đưa đến Bệnh viện 121.


Đưa người bị nạn đi cấp cứu

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa xác định được có bao nhiêu người bị vùi trong đống đổ nát. Hiện tại, các đơn vị thi công đang lên danh sách những kỹ sư, công nhân làm việc tại công trình để đối chiếu với số thương vong đã được đưa ra để xác định số người còn kẹt phía dưới đống sắt thép, bê tông.

Xung quanh công tác cứu hộ cứu nạn tại nơi xảy ra thảm kịch, các đơn vị cứu hộ đang dùng cẩu để đưa các vật nặng ra ngoài. Mọi việc diễn ra rất chậm và cẩn thận vì xác định còn rất nhiều người ở phía dưới. Có nhiều khâu bốc dỡ, lực lượng cứu hộ đã phải làm bằng tay.

Cùng với sự có mặt kịp thời của đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện ở Cần Thơ, các lán trại y tế được dựng lên ngay bên cạnh khu đổ nát. Do đống đổ nát quá lớn, nên đã có rất ít người bị kẹt được cứu ra. Lúc 11 giờ 15 phút, phóng viên Thanh Niên có mặt tại hiện trường ghi nhận một trường hợp hy hữu: một công nhân trẻ bị kẹt dưới đống sắt, thép bê tông được đưa ra. Tuy nhiên, người này chỉ bị thương (trẹo) bả vai. Trong lúc thất thần, anh ta không nhớ mình tên gì. Đến khi các y bác sĩ lục được trong túi quần có thẻ nhân viên mới biết được người may mắn đó tên Đỗ Văn Lưu.

Vài nét về công trình xây dựng cầu Cần Thơ

Ngày 25.9.2004, cầu Cần Thơ chính thức được khởi công. Tính đến hôm qua 26.9 - ngày xảy ra sự cố thảm khốc sập cầu - công trình thi công đã được 3 năm lẻ 1 ngày. Dự kiến, khoảng cuối năm 2008 công trình sẽ hoàn thành.
Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất ở khu vực Đông Nam Á hiện nay. Cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện hữu khoảng 3,2 km về phía hạ lưu. Tổng chiều dài của toàn tuyến (gồm cầu và đường dẫn vào cầu) là 15,85 km, trong đó phần cầu chính (bao gồm cầu treo dây văng và các cầu dẫn hai bên) có chiều dài 2,75 km, rộng 23,1m với 4 làn xe cơ giới (rộng 4x3,5m) và 2 làn bộ hành (rộng 2x2,75m). Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1km với 13 cầu, trong đó 4 cầu trên đất Vĩnh Long và 9 cầu trên địa phận TP Cần Thơ. Phần cầu treo dây văng trong cầu chính gồm 7 nhịp liên tục với tổng chiều dài là 1090m; có 2 tháp cầu hình chữ A cao 165,3 m tính từ đỉnh bệ cọc, trong đó 1 tháp đặt trên bờ sông phía Cái Vồn (Vĩnh Long), 1 tháp đặt ngay trên sông Hậu, phía Cồn Ấu (Cần Thơ).
Dự án cầu Cần Thơ sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBic) với tổng mức đầu tư khoảng 4.832 tỉ  VNĐ (khoảng 37 tỉ yên Nhật, thời điểm năm 2004). Dự án được chia thành 3 gói thầu: Gói thầu 1 - Đường tránh Quốc lộ 1A phía Vĩnh Long; Gói thầu 2 - Phần cầu chính và cầu dẫn; Gói thầu 3 - Đường tránh Quốc lộ 1A phía Cần Thơ. Gói thầu 2 do Cơ quan tư vấn là Liên danh NIPPON KOEI - CHODAI và nhà thầu là Liên danh TAISEI - KAJIMA - NIPPON STEEL (Nhật Bản) thực hiện. (Mai Vọng)

Không chỉ có anh Lưu may mắn sống sót, tại Trung tâm y tế huyện Bình Minh (Vĩnh Long) chúng tôi ghi nhận có 5 trường hợp trở về "từ cõi chết".

Anh Nguyễn Hùng Việt, đội trưởng đội bảo vệ tại công trình kể lại: lúc anh đang quan sát dưới gầm cầu thì nghe tiếng rắc rắc, rồi dàn giáo bị xé, anh đã kịp chạy đến trụ bê tông chân cầu.

Lúc này cát rơi xuống như mưa, anh may mắn được lưới bao bảo vệ phía dưới che chắn. Khi biết cầu bị sập, anh cố kêu cứu nhưng không ai nghe. Cuối cùng anh quyết định len qua kẽ các thanh sắt để chui ra ngoài. Anh Vũ Văn Cường, giám sát công trình bị rơi theo đống gạch đá sống sót ôm mặt khóc: "Lúc bị kẹt phía dưới, tôi nghe rất nhiều tiếng kêu cứu (!)".

Lúc mọi người đang huy động lực lượng, máy móc để ứng cứu thì một công nhân trẻ vẫn còn gọi về cho mẹ thảng thốt "mẹ ơi cứu con!". Hàng ngàn người dân đến theo dõi tại hiện trường đều cầu nguyện cho những người còn kẹt phía dưới.

Đau thương tang tóc!

Bệnh viện 121 (QK9) đã đóng vai trò chủ lực trong việc tiếp nhận, cứu chữa các nạn nhân. Trao đổi với Thanh Niên lúc 18 giờ ngày 26.9, đại tá bác sĩ Trần Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện 121 cho biết: "Đến thời điểm này bệnh viện chúng tôi đã tiếp nhận 37 người chết và trên 50 người bị thương. 20 bác sĩ giỏi nhất được huy động túc trực 24/24 để cứu người. Lực lượng pháp y cũng đang có mặt tại Nhà tang lễ của bệnh viện để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục giúp cho thân nhân người thiệt mạng sớm nhận xác về mai táng. Hệ thống trữ lạnh tại 121 chỉ đủ sức chứa 10 xác nên hiện giờ đang quá tải. Nhưng chúng tôi sẽ làm hết sức mình".

Các nạn nhân mất đi mà hình hài không nguyên vẹn vì bị bê tông, cốt thép va đập. Thân nhân từ khắp mọi nơi đổ về nhìn mặt những người xấu số để rồi ngất lịm. Ông Lê Văn Út Em ở ấp Đông Lợi (Đông Bình, Bình Minh, Vĩnh Long) nhận xác đứa em rể Lê Văn Biên. Ông Em uất nghẹn "Em nó mới tuổi 42 nhà nghèo lắm, giờ chết rồi vợ và 2 con nó biết sống sao đây. Vợ nó từ sáng đến giờ chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần rồi".

Cũng đến từ huyện Bình Minh (Vĩnh Long), ông Trương Văn Hiền hết sức đau đớn làm các thủ tục nhận xác đứa em bạn dì tên Nguyễn Văn Hùng. "Hùng mới 28 tuổi, giờ đi rồi 2 con thơ nó sớm mồ côi mồ cút. Trời ơi nghèo mới đi làm công nhân. Giờ thiệt thân, vợ con nó ai lo?" - ông Hiền thất thần. Chiều qua, chúng tôi đã hết sức dằn lòng để nén nước mắt chứng kiến cảnh bà Lê Thị Hạnh từ Quảng Nam vào nhận xác con trai là kỹ sư Trần Quang Bình mới tròn 22 tuổi. Bà Hạnh khóc đến không còn nước mắt. Chiều buông, xác Bình được bọc trong túi cao su đưa lên xe về quê nghèo. Xe rời Bệnh viện 121 đã mang theo biết bao đau đớn. Bà Hạnh là một trong số rất nhiều bà mẹ đã phải cạn nước mắt mất con.

Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức nói với báo giới: "Ban chỉ đạo giải cứu hộ cứu nạn được lập ngay tại hiện trường gồm lãnh đạo Bộ GTVT, QK9, UBND thành phố Cần Thơ, UBND tỉnh Vĩnh Long. Phương án của chúng tôi là tập trung cứu những người có khả năng còn sống sót. Chúng tôi cố gắng đưa những người bị kẹt từ trong các hộc ra rồi cho bó các dầm thép lại ngăn không cho sập tiếp. Sau đó, phương tiện máy sẽ tháo dỡ phần nhịp bê tông bị sập. Hiện nay, lực lượng y bác sĩ của Bệnh viện 121 - QK9 đang túc trực tại hiện trường. Đưa được người ra, các y bác sĩ sơ cứu rồi đưa xuống ca nô tức tốc chuyển về Bệnh viện 121. Lãnh đạo QK9 cùng UBND thành phố Cần Thơ kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, người dân hiến máu và mọi người nhiệt tình hưởng ứng".

Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết thêm: "Ngoài lực lượng của thành phố, Trung đoàn cảnh sát cơ động của Bộ Công an cũng đã vào cuộc cứu người. Chúng tôi đã huy động hàng trăm canô, tàu cao tốc để tải thương. Tất cả những người bị thương, người chết đều đưa về Bệnh viện 121. Người chết nếu chưa có thân nhân đến nhận thì sẽ đưa vào bảo quản lạnh. Những người bị thương nặng chúng tôi sẽ tức tốc cho chuyển lên TP.HCM".

Đại tá, bác sĩ Trần Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện 121: "Chúng tôi huy động toàn lực để cứu chữa các nạn nhân. Những bác sĩ giỏi nhất sẽ vào cuộc để cứu người. Hiện nay tại bệnh viện tuy lượng máu không thiếu nhưng chúng tôi cũng rất cần đủ các loại máu để chủ động hơn nữa trong công tác cứu chữa".

Bờ bắc sông Cần Thơ, một ngày đầy nước mắt

Từ sáng đến tối, bờ Bắc sông Cần Thơ (ấp Mỹ Hưng 2, xã Hòa Mỹ, huyện Bình Minh, Vĩnh Long), tại hiện trường xảy ra vụ sập cầu thảm khốc luôn có hàng ngàn người quây quần thành nhiều vòng, nhiều lớp hướng về đống bê tông, gạch đá khổng lồ. Phía dưới đống ngổn ngang đó là một ẩn số: còn bao nhiêu người còn kẹt ở đó, bao nhiêu người đã xấu số ra đi, bao nhiêu người đang mỏi mòn đợi được cứu mạng ?

Bên ngoài, người ta trông thấy những người phụ nữ, những cụ già, em nhỏ nhìn về đống đổ nát với ánh mắt lạc thần. Trong dòng người đông đúc đó, thỉnh thoảng lại có người bật lên tiếng nấc. Chị Nguyễn Ngọc San (ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Hòa, Vĩnh Long) nức nở bám vào vai chúng tôi: "Chú coi có ai tên Nguyễn Văn Tiếp còn sống không?". Anh Tiếp là chồng chị San, mọi nguồn sống trong gia đình của chị và 3 con nhỏ đều dựa vào đồng lương còm cõi của anh. Chị San kể: "Hôm trước chân anh bị đinh đâm, tôi khuyên anh ở nhà dưỡng thương. Anh nói: nếu nghỉ thì người ta mướn người khác làm, mình làm gì sống? Nghe hung tin, tôi đã chạy đến khắp các bệnh viện ở Cần Thơ, Vĩnh Long nhưng vẫn không thấy ảnh". Và chị San vẫn túc trực tại hiện trường với hy vọng chồng chị sẽ trở về từ đống đổ nát.


Tìm người thân trong bệnh viện

Trong khi chị San đang ràn rụa nước mắt thì ở phía đằng kia, bà cụ Trương Thị Út đau đớn gọi tên người con trai của mình, anh Đỗ Văn Sáu tới giờ vẫn chưa rõ còn sống hay đã chết. Dắt tay bà cụ qua những mô đất khúc khuỷu, đứa cháu nhỏ trấn an bà: "Mấy người kẹt dưới đất có gọi điện thoại lên nói chú Sáu còn sống ở dưới mà". Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Bảy nói với vẻ mặt thương tâm: "Tội nghiệp thằng Út Mỳ, mới cười nói hôm qua thôi mà chết rồi". Ông Bảy kể anh Út Mỳ nhà ở đầu đường bên cầu Bắc Cần Thơ, có vợ bị bại liệt và hai con nhỏ. Anh ra đi không biết vợ con anh sẽ sống ra sao.

Cách hiện trường xảy ra thảm kịch chưa quá 500m, qua con đường đất sình lầy, ngập nước, xóm Rạch Trà như phủ một màu ảm đạm. Ông Nguyễn Văn Thìn nói xóm này rất nghèo. Người dân ở trong xóm phần lớn sống dựa vào công trình cầu Cần Thơ. Đàn ông con trai thì làm hồ, khuân vác, bảo vệ, phụ nữ thì bán quà vặt cho công nhân. Cả xóm có trên 50 người làm thuê tại công trình, thảm kịch xảy ra đã có hàng chục thanh niên trai tráng vĩnh viễn ra đi.

Chúng tôi ghé nhà bà Nguyễn Thị An trong lúc hàng xóm đang quây quần trước sân để bàn cách giúp gia đình lo tang sự. Bà An đã khóc sưng cả mắt. Nhà không đất, chồng bà, ông Lưu Hồng Khanh bị tai biến. Gia đình có 2 con trai là Lưu Hoàng Phúc (sn 1984) và Lưu Hoàng Pha (sn 1989) làm thuê, bà An bán cóc ổi ngoài hàng rào công trình. Bà đau đớn: "Tôi bán bên ngoài, lúc cầu sập tôi còn thấy thằng Phúc chạy trối chết nhưng tội nghiệp là con tôi nó chạy không khỏi chú ơi!". Phúc chết do gạch đá đè, còn Pha thì nằm hấp hối tại bệnh viện.

Ngay cạnh nhà bà An, gia đình bà Lê Thị Dung cũng vừa rơi vào thảm cảnh. Lúc chúng tôi đến, chạng vạng tối, hàng xóm đến gom góp một ít tiền cho bà tổ chức ma chay cho hai người con của bà, trong khi chồng và người con cả đang trong cảnh thập tử nhất sinh. Vợ chồng bà Lê Thị Dung, ông Lưu Văn Khăm có 3 con trai là Lưu Quốc Vương (23 tuổi), Lưu Tấn Mãi (19 tuổi) và Lưu Thanh Điền (17 tuổi). Cả 4 người đàn ông trong gia đình đều đi làm thuê cho công trình cầu Cần Thơ, lúc tai nạn xảy ra, ông Khăm và các con đang lên ca.

Chính quyền đã đến báo cho bà đi nhận xác 2 con Mãi và Điền về an táng. Tin dữ ập đến, dường như đã quá sức chịu đựng với người đàn bà gầy yếu. Bà Dung trở nên ngẩn ngơ, việc nhận xác các con của bà cũng phải nhờ xóm giềng giúp đỡ. Mọi người nói trong xóm Rạch Tra này ngoài gia đình bà An, bà Dung, còn nhiều gia đình, như bên kia sông, nhà ông Bảy Thiêu có 2 người, nhà ông Bon, ông Chín Quân... cũng đang tổ chức đưa đám người thân. Tại ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, gia cảnh ông Tư Bé là thảm thương nhất khi ông có đến 4 người con trai bị thiệt mạng; ông Lê Hoàng Phi thì có con và em tham gia làm công nhân, trong đó đã chết 2, 2 người còn lại bị thương nặng.

Được biết, khoảng 70% công nhân tại công trình thi công cầu Cần Thơ là người dân Vĩnh Long mà chủ yếu là ngay tại huyện Bình Minh, điểm đầu cầu Cần Thơ. Đi từ cuối con đường trở ra, chúng tôi quá nhiều lần nghe tiếng khóc than !

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải:"Tìm kiếm cho đến khi tìm được tất cả những người bị nạn"


Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nghe báo cáo tình hình ngay tại hiện trường sự cố vào tối 26.9

Lúc 20 giờ 30 tối 26.9, ngay tại hiện trường, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: "Theo số liệu đến giờ này thì có khoảng 128 công nhân tại hiện trường khi xảy ra tai nạn, trong đó 37 người thiệt mạng, bị thương 87.

Như vậy còn từ 4-12 người còn kẹt lại. Phải tiếp tục công tác tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, không được ngừng, còn nước còn tát. Hiện nay ca đêm có 40 người thuộc lực lượng cứu hộ cứu nạn và chúng tôi điều thêm 15 người nữa thuộc lực lượng công binh và lực lượng công an hỗ trợ thêm cho công tác tìm kiếm này.

Công tác tìm kiếm sẽ làm suốt đêm cho đến bao giờ tìm thấy tất cả người bị nạn. Đồng thời, tôi đã giao cho lực lượng công an chỉ đạo, kết hợp với công tác điều tra sự cố nhưng cũng đồng thời phát hiện thêm số người của 2 địa phương và nhà thầu còn trong đống đổ nát. Việc tìm kiếm cứu hộ trong trường hợp này rất phức tạp do bê tông sắt thép rất nhiều. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ gây ra sự cố tiếp lần hai...

Tôi đề nghị tất cả các lực lượng trên công trường tập trung mọi sức mình và trực cả đêm nay tìm cho bằng được, cứu bằng được những người bị nạn".

Nhóm PV tại Cần Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.