Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền

21/05/2015 11:05 GMT+7

Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức bữa ăn sáng với tô hủ tiếu khói bốc nghi ngút trên ghe.

Tại đây, bạn sẽ được thưởng thức bữa ăn sáng với tô hủ tiếu khói bốc nghi ngút trên ghe.

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền 1
Tô hủ tiếu còn bốc khói trên ghe

1. Về với miền Tây sông nước, đặc biệt là Cần Thơ, khách du lịch rất thích đi chợ nổi Cái Răng bằng ghe.

Từ bến ghe phà Ninh Kiều, chúng tôi thuê một chiếc ghe máy lúc tờ mờ sáng và bắt đầu chuyến hành trình rong ruổi trên sông nước để tìm hiểu những phong tục tập quán của cư dân đồng bằng sông Hậu nên thơ. Mất chừng 30 phút lênh đênh trên sông Hậu, chúng tôi cũng tới được chợ nổi Cái Răng với rất nhiều ghe thuyền buôn bán tập nấp.

Tại đây, tôi được thưởng thức bữa ăn sáng với tô hủ tiếu khói bốc nghi ngút trên ghe. Cứ tưởng mùi vị sẽ giống như hủ tiếu Sài gòn, nhưng không, hoàn toàn khác biệt, cọng hủ tiếu dai dai sựt sựt rất mê.

Hỏi chị lái đò thì mới biết là xuôi mái chèo thêm một quãng nữa sẽ tới làng Phong Điền, nơi thực khách có thể khám phá quy trình làm hủ tiếu để tìm hiểu vì sao sợi hủ tiếu lại ngon như vậy.

Thêm 15 phút nữa từ chợ nổi Cái Răng, cua vào một con lạch nhỏ, chúng tôi đã tới được làng Phong Điền.

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền
Chú Ba tráng bánh theo quy trình gia truyền 

2. Vừa đặt chân lên bờ, trước mắt chúng tôi là vô vàn hàng quán với các món ngon dân dã như bánh tráng chuối, bánh bò dừa, tàu hủ nóng… với quang cảnh sông nước yên bình. Nếu mềm lòng ngồi lại chắc phải mất một ngày. Nên thôi, để tiết kiệm thời gian tôi bước nhanh tới lò hủ tiếu.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là hai nồi tráng bánh to và khói bốc nghi ngút. Hình dáng nồi hao hao như nồi bánh cuốn nhưng kích thước to gấp 5-10 lần. Chú Ba (chủ lò hủ tiếu gia truyền) cho biết, lò này có thâm niên trên 50 năm, do ông nội truyền lại.

Bột năng và bột mì được pha theo tỷ lệ nhất định cùng với nước sạch. Sau đó, dùng cánh khuấy để khuấy trong những thùng nhựa to, lắng qua đêm để sáng hôm sau bắt đầu tráng bánh. 

Công đoạn tráng bánh phải nhanh tay vì khi bột vừa chín, phải lập tức lấy bánh ra và để trên rá tre, vì nếu chậm tay, bánh dính rất khó lấy ra khỏi nồi và bị rách nát. Đợi bánh nguội bớt thì mang rá tre ra phơi chừng 1-2 nắng cho bánh ráo nhưng không quá khô. Sau đó đưa từng chiếc bánh vào máy cắt sợi để cắt thành những sợi hủ tiếu đều tăm tắp.

Tất nhiên, công đoạn cuối vẫn là đóng gói và đem đi tiêu thụ. Thường lò hủ tiếu đóng gói 5kg một bao chứ không bán lẻ. Hủ tiếu mua về có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh nếu không dùng hết.

Hẳn nhiên, tôi đã mang theo một túi hủ tiếu khi trở về Sài Gòn. Không chỉ thưởng thức hương vị đặc sản Cần Thơ, mà còn để hoài tưởng trọn vẹn khung cảnh dập dềnh sông nước, và con người hồn hậu nơi đây.

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền 2
Bột được lắng trong những thùng nhựa to

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền 2
Để qua đêm rồi sáng hôm sau tráng bánh

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền
Chú Ba tráng bánh theo quy trình gia truyền

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền
Du khách cũng được trải nghiệm tráng bánh hủ tiếu

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền
Bánh được phơi trên rá tre đủ độ nắng ...

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền
... thì mang ra máy cắt sợi

Thăm làng nghề hủ tiếu Phong Điền
... từ đó làm nên tô hủ tiếu dân dã mà mê hoặc mọi du khách

Trâm Phạm (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.