Vũ khí của Việt Nam

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự

19/12/2024 06:12 GMT+7

Viện Thiết kế tàu quân sự, thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nằm ở ngoại thành Hà Nội, cạnh một đơn vị chuyên sản xuất khí tài nghi binh, nghi trang phục vụ quân đội.

"Bên ấy làm… đồ giả, nhưng chúng tôi là phải thật", đại tá - TS Phạm Quang Chiến (Viện trưởng Viện Thiết kế tàu quân sự) nói đùa và cho biết thêm: "Anh em nghiên cứu, thiết kế nhiều, rất nhiều phương tiện khí tài sông biển nhưng cấp trên chưa cho công bố. Bí mật quân sự mà".

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự- Ảnh 1.

Mô hình tàu săn ngầm SN-1000 do Viện Thiết kế tàu quân sự nghiên cứu thiết kế

Ảnh: M.T.H


Tàu săn ngầm của Việt Nam

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự- Ảnh 2.

Tàu chở quân đa năng HSC-60 (17 tấn, tốc độ tối đa 40 hải lý/giờ, chở 22 người) đã được trang bị cho Quân chủng Hải quân

Ảnh: M.T.H

Trong phòng truyền thống của Viện Thiết kế tàu quân sự trưng bày rất nhiều mô hình tàu thuyền, phương tiện nổi do Việt Nam sản xuất. Đáng chú ý nhất là mô hình giống tàu săn ngầm, trang bị hỏa lực mạnh (pháo chính AK-176, rốc két chống ngầm, ngư lôi chống ngầm, tên lửa phòng không…). Đại tá - TS Phạm Quang Chiến giới thiệu: "Tàu săn ngầm SN-1000 do Viện thiết kế. Sản phẩm thuộc đề tài cấp Bộ Quốc phòng về nghiên cứu, thiết kế tàu săn ngầm phù hợp với điều kiện tác chiến biển, đảo của Việt Nam".

Nơi khởi nguồn ý tưởng về tàu quân sự, UAV hiện đại ‘made in Việt Nam’

Tại Việt Nam, lớp tàu săn ngầm lâu đời nhất đang hoạt động là lớp Petya do Liên Xô sản xuất trong thập niên 1960, vào biên chế Hải quân Việt Nam những năm 1980. Còn tàu có cấu hình chống ngầm mới nhất và hiện đại nhất là Gepard 3.9, được Nga đóng theo đơn đặt hàng và bàn giao cho Việt Nam các năm 2011 và 2017… Dù xếp hạng "ông", được cải hoán trang bị nhiều vũ khí - khí tài hiện đại, hay "thanh niên trai tráng" có nhiều "đồ chơi khủng" thì các tàu săn ngầm này vẫn do nước ngoài đóng.

Trong khi đó, tàu săn ngầm SN-1000 hoàn toàn là sản phẩm của Việt Nam, phù hợp với điều kiện biển, đảo cũng như yêu cầu tác chiến của Hải quân. Thông số cơ bản của tàu ghi rành mạch: lượng chiếm nước đầy tải là 935 tấn; vận tốc tối đa 28 hải lý/giờ (trên 51 km/giờ); tầm hoạt động 3.500 hải lý; chịu được sóng cấp 8 và gió cấp 10…

Với loại tàu đổ bộ, ngoài tàu vận tải đa năng 150 tấn (lượng chiếm nước đầy tải 297 tấn; vận tốc lớn nhất 11 hải lý/giờ; tầm hoạt động 300 hải lý; sức chở 150 tấn hàng/2 xe tăng T54/60 bộ đội) đã và đang được đóng mới, trang bị cho các Quân khu 4, 5, 7, 9… Viện Thiết kế tàu quân sự còn cho ra đời tàu vận tải đổ bộ 550 tấn (VDB-550), chở được rất nhiều xe tăng, bọc thép, đã trang bị cho Lữ đoàn 649 Tổng cục Hậu cần.

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự- Ảnh 3.

Cán bộ Viện Thiết kế tàu quân sự kiểm tra hoạt động của khí tài mới lắp trên tàu chiến đấu Vùng 2 hải quân

Ảnh: M.T.H

Tàu thuyền không người lái

Viện Thiết kế tàu quân sự được thành lập ngày 30.3.2009, với nhiệm vụ thiết kế đóng mới và cải hoán tàu quân sự, tàu và phương tiện thủy; nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đóng tàu; tham mưu với cấp trên về quản lý nhà nước trong đóng tàu quân sự...

Đến nay, Viện đã thiết kế kỹ thuật 19 gam tàu với gần 100 lượt tàu được đóng mới. Đơn cử, các gam tàu hải đội dân quân thường trực; tàu vận tải đổ bộ 550 tấn; tàu chở xăng dầu 3.000 tấn… Đặc biệt, thành công của đề tài cấp Bộ Quốc phòng về nghiên cứu, thiết kế tàu săn ngầm phù hợp với điều kiện tác chiến biển, đảo của Việt Nam và nhiệm vụ thiết kế hoán cải lắp đặt tên lửa lên tàu quân sự, là cơ sở vững chắc để Viện sẵn sàng thiết kế các gam tàu chiến đấu phù hợp với điều kiện tác chiến mới.

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự- Ảnh 4.

Hạ thủy tàu trinh sát của Cảnh sát biển

Ảnh: M.T.H

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự- Ảnh 5.

Tàu tên lửa lớp Molniya do Tổng công ty Ba Son đóng mới, thực hành bắn tên lửa trên biển

Ảnh: M.T.H

Thầm lặng thiết kế tàu quân sự- Ảnh 6.

Tàu đổ bộ Roro 5612 (Tổng công ty Sông Thu đóng mới) làm nhiệm vụ trên vùng biển Trường Sa

Ảnh: M.T.H

Cùng với việc tham gia tư vấn trên 40 dự án, đề án (nổi bật là Đề án xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới), Viện Thiết kế tàu quân sự còn bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị, với những sản phẩm nổi bật (được công bố), như: hỗ trợ bảo đảm kỹ thuật bắn đạn thật; báo ngập khoang két trên tàu; giám sát toàn tàu; thủy lực trên xe thiết giáp chống khủng bố...

"Chúng tôi đang tập trung làm chủ thiết kế các gam tàu bổ trợ hiện đại, tiến tới thiết kế các gam tàu chiến đấu có độ phức tạp cao", đại tá - TS Phạm Quang Chiến cho biết vậy và bật mí: "Anh em đã và đang nghiên cứu, thiết kế chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, tập trung vào phương tiện không người lái đường thủy"... (còn tiếp)

Đủ năng lực thiết kế các gam tàu chiến đấu, bảo vệ biển đảo

Khi mới thành lập, Viện Thiết kế tàu quân sự gặp rất nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của cấp trên, Viện từng bước được đầu tư cơ sở hạ tầng, các phần mềm thiết kế chuyên dụng, phòng thí nghiệm về vũ khí - khí tài, điều khiển tự động, máy tàu, cơ khí…

Cùng với đó, Viện tổ chức tuyển chọn và đề nghị cấp trên điều động kỹ sư tốt nghiệp các trường trong và ngoài nước có chuyên ngành về thiết kế thân vỏ, máy, điện, vũ khí - khí tài về công tác; thường xuyên cử cán bộ tham gia một số dự án chuyển giao công nghệ trong thiết kế, đóng tàu quân sự từ nước ngoài; tiếp cận và làm chủ phần mềm thiết kế tàu hiện đại… Đến nay, 50% cán bộ nghiên cứu kỹ thuật của Viện được đào tạo bài bản về thiết kế tàu, tích hợp vũ khí - khí tài, điều khiển tự động…

Trên 70 đề tài nghiên cứu khoa học của Viện, có đề tài cấp nhà nước về "Nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ kinh tế biển và an ninh quốc phòng" thuộc Cụm công trình "Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển hoán cải giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng" đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (năm 2021).

Một số đề tài được Bộ Quốc phòng đánh giá cao, khẳng định Viện có đủ năng lực thiết kế các gam tàu chiến phù hợp với điều kiện tác chiến bảo vệ biển đảo, như: "Nghiên cứu, thiết kế tàu săn ngầm phù hợp với điều kiện tác chiến biển đảo của Việt Nam"; "Chế tạo xuồng cứu hộ sức chở 1 tiểu đội bộ binh bằng vật liệu PPC"; "Thiết kế tổ hợp thiết bị phục vụ thử cụm làm kín nước trục chân vịt tàu ngầm Kilo trên xưởng"…

Đại tá Hồ Văn Châu, Bí thư Đảng ủy Viện Thiết kế tàu quân sự

Một số gam tàu được đóng mới trong nước

Tổng công ty Ba Son thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng là đơn vị đóng tàu chiến đấu công nghệ cao duy nhất tại Việt Nam, đã đóng mới nhiều loại tàu pháo - tên lửa cho Hải quân Việt Nam, như: cặp tàu pháo TP.01 và TP.01M đầu tiên của Việt Nam, hiện đang trong biên chế Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân; tàu tuần tra mang tên lửa diệt hạm lớp BPS-500; các tàu tên lửa lớp Molniya (1241.8) đang nằm trong đội hình chiến đấu của Vùng 2 và Vùng 4 Hải quân.

Nhà máy Z173 (Công ty TNHH MTV đóng tàu Hồng Hà) cũng đã đóng thành công lớp tàu pháo TT-400TP dựa trên bản thiết kế sơ bộ mua từ nước ngoài. 6 tàu pháo do Z173 đóng mới, hiện đang trong đội hình của Vùng 2 và Vùng 3 Hải quân.

Nhà máy Z189 đóng mới các tàu: Tuần tra cỡ lớn (CSB-8001, 8004); tuần tra cỡ nhỏ (biên phòng ST-112, BP-98, tuần tra hải quan HQ-75, cảnh sát biển TT-120, tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn CN09, tàu cá vũ trang 734, tuần tra cao tốc hải quân 285, ST-126…); chở quân (Trường Sa-571 thuộc lớp tàu vận tải K122, ST-194, tàu tuần tiễu kết hợp chở quân ST-294A); tàu quân y Khánh Hòa-561… Đặc biệt, Z189 còn đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn tàu ngầm đa năng 9316 (Yết Kiêu-927, đang trong biên chế Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân), tàu cứu hộ tự phục hồi cân bằng ST-168, tàu cứu hộ tàu ngầm Stoker và Besant (Hải quân Hoàng gia Úc)…

Ngoài ra, các nhà máy đóng tàu của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng còn đóng mới thành công các tàu đổ bộ Roro 5612 (Tổng công ty Sông Thu) trang bị cho Lữ đoàn 175, Vùng 5 Hải quân; tàu kiểm ngư (lớp TK-1482C, lớp KN-750, lớp KN-6000, lớp KN-2011) cho các chi đội kiểm ngư; tàu trinh sát TS-500 cho Vùng Cảnh sát biển 3 và 4…

Gần đây nhất là các tàu cho hải đội dân quân biển (chủ đầu tư đóng tàu là Cục Dân quân tự vệ, thuộc Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN), thực hiện giai đoạn 1 ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang; TP.Đà Nẵng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.