Thăm 'làng tiến sĩ' ở Hưng Yên

Minh Phong
Minh Phong
03/05/2024 08:57 GMT+7

Làng Thổ Hoàng (TT.Ân Thi, H.Ân Thi, Hưng Yên) được gọi là làng tiến sĩ và là một trong 12 làng có truyền thống về khoa cử bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 10 tiến sĩ đỗ đại khoa.

Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, người đỗ tiến sĩ ở tuổi 15

Ông Vũ Xuân Lý, Trưởng ban lão ông làng Thổ Hoàng, cho biết Thổ Hoàng xưa là vùng đất rộng, được gọi là tổng Thổ Hoàng. Nếu tính cả các vùng đất lân cận xưa kia thì có cả thảy 12 tiến sĩ đỗ đại khoa. Còn tính theo địa giới hiện tại, làng Thổ Hoàng có 10 vị tiến sĩ đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến, được nhiều người gọi là làng tiến sĩ.

Thăm 'làng tiến sĩ' ở Hưng Yên- Ảnh 1.

Đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn

MINH PHONG

Người đầu tiên khai khoa cho làng là danh nhân Nguyễn Trung Ngạn. Ông đỗ Hoàng Giáp tại khoa thi năm Giáp Thìn (1304) thời nhà Trần khi mới 15 tuổi. Không chỉ là tiến sĩ khai khoa cho làng, Nguyễn Trung Ngạn cũng được coi là người trẻ tuổi nhất Việt Nam đỗ tiến sĩ, đứng đầu khoa bảng.

Ông cũng là người nổi tiếng nhất, có học vị cao nhất trong số 10 tiến sĩ khoa bảng của làng Thổ Hoàng, có nhiều công lao đóng góp đối với nền giáo dục nước nhà. Năm 1312, khi mới 23 tuổi, ông đã làm tới chức gián quan. Chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có đến 7 nơi lập đền thờ Nguyễn Trung Ngạn. Tại quê hương, đền thờ ông được xây dựng mới trên quy mô gần 1 ha. Năm 2020, đền được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Người thứ 2 trong làng là Nguyễn Văn Bính, tại khoa thi năm Ất Sửu (1505) đã đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ. Tiếp đó, khoa thi năm Mậu Dần (1518), Nguyễn Trấn Chí đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ.

Đến năm 1526, Vũ Huyễn đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ; khoa thi năm 1553, Hoàng Tuân đỗ Bảng nhãn. Vào các khoa thi từ năm Tân Mùi (1571) đến năm Ất Mùi (1775) có 5 vị đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ, gồm: Hoàng Chân Nam, Vũ Trác Oánh, Hoàng Công Chí, Hoàng Công Bảo và Hoàng Bình Chính. Hoàng Bình Chính cũng là tiến sĩ đỗ đại khoa cuối cùng của làng Thổ Hoàng trong thời kỳ phong kiến.

Các tấm biển ghi rõ họ tên tiến sĩ và khoa thi đỗ được trung bày tại đình làng Thổ Hoàng

Các tấm biển ghi rõ họ tên tiến sĩ và khoa thi đỗ được trưng bày tại đình làng Thổ Hoàng

MINH PHONG

Ở thời này, Thổ Hoàng cũng được coi là "lò" luyện thi nổi tiếng ở đất Bắc khi xây dựng nhà thờ Khổng Tử và cũng là nơi các sĩ tử ở khắp nơi đổ về rèn luyện. Đến nay, trải qua thăng trầm của lịch sử, nhà thờ không còn nữa, chỉ còn vết tích là 2 nghiên mực bằng đá khối nặng hàng chục tấn đặt ở đình làng.

Ngôi làng cổ giàu truyền thống hiếu học

Theo ông Lê Ngọc Thạch, thủ từ đình Thổ Hoàng, làng cổ Thổ Hoàng ngót nghét ngàn năm tuổi. Theo thần tích còn lưu tại đình làng, xưa kia ở làng có người tên là Bùi Công Hộ, có sức lực hơn người, thông thạo về kinh thư, sử sách.

Lúc này, Triệu Quang Phục (tức vua Triệu Việt Vương) đang lập bản doanh đánh giặc Lương tại Dạ Trạch (H.Khoái Châu, Hưng Yên ngày nay). Hay tin, Bùi Công Hộ thường dùng thuyền độc mộc giúp vua đánh úp doanh trại khiến giặc Lương tan vỡ.

Thăm 'làng tiến sĩ' ở Hưng Yên- Ảnh 3.

Tấm nghiên mực bằng đá nặng hàng chục tấn còn lưu giữ được ở đình làng Thổ Hoàng

MINH PHONG

Đến khi Triệu Quang Phục tiến quân về Long Biên (Hà Nội ngày nay), Bùi Công Hộ xin lui về thôn dã, không ham công danh, thường ngày cùng các phụ lão du chơi nơi suối đá. Đến 70 tuổi, Bùi Công Hộ không bệnh mà mất. Các cụ già trong làng thường mơ thấy thần trở về, người ngựa đi theo rất đông và nói với các cụ: "Ta được nhà vua phong thần, nếu thờ phụng ta, hương ấp sẽ được ban phúc". Từ đó, Bùi Công Hộ được dân làng Thổ Hoàng phong là thành hoàng làng.

Đình làng được xây dựng năm 1747, đến năm 1949 thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đình Thổ Hoàng được phá dỡ, được xây mới và hoàn thành vào năm 2018. Hiện nay, làng Thổ Hoàng còn giữ được 7 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Thuật, Chủ tịch UBND TT.Ân Thi, cho biết: "Làng Thổ Hoàng cùng đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống hiếu học của con em địa phương nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung.

Từ thời kỳ đổi mới đến nay, làng Thổ Hoàng có thêm 10 tiến sĩ, đang công tác tại các cơ quan T.Ư và các địa phương trên cả nước. Người làng Thổ Hoàng tính tình điềm đạm, các thế hệ đang ra sức học tập, cống hiến để xứng danh với vùng đất khoa bảng mà ông cha đã vun đắp, xây dựng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.