TNO

Thăm mộ cha con Trương Minh Giảng ở Sài Gòn

30/10/2015 11:06 GMT+7

(iHay) Bên cạnh những ngôi mộ của các danh thần triều Nguyễn ở Sài Gòn được chăm sóc thờ cúng, cũng có những ngôi mộ đang trở thành phế tích, mà mộ của danh thần Trương Minh Giảng là một điển hình.

(iHay) Bên cạnh những ngôi mộ của các danh thần triều Nguyễn ở Sài Gòn được chăm sóc thờ cúng, cũng có những ngôi mộ đang trở thành phế tích, mà mộ của danh thần Trương Minh Giảng là một điển hình. 

Từ nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi biết được tại hẻm 82/5 Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM có ngôi mộ song táng của Bình Thành bá Thượng thư Bộ Hộ Trương Minh Giảng cùng phu nhân và ngôi mộ của Thành Tín hầu Thượng thư Bộ Lễ Trương Minh Thành (cha ruột Trương Minh Giảng). Rất may là có một cán bộ văn hóa của phường dẫn đường, nếu không thì chắc chắn rất khó tìm bởi phải qua những con hẻm ngoằn ngoèo. Đến nơi, người coi giữ từ đường “Trương Gia từ” yêu cầu phải có giấy giới thiệu của phường mới cho vào bên trong khu nhà có tường cao bao quanh. Anh cán bộ phường phải về cơ quan xin giấy. Tôi hỏi ướm người đàn ông dẫn đường: “Ngôi mộ trong này là của ai vậy anh?”. “Tui cũng không biết, để hỏi ba tui”. Rồi ông hỏi vọng vào trong nhà từ đường: “Ba ơi, mộ này của ai vậy ba?”. Người trong nhà trả lời: “Cũng không biết nữa, nhưng tui là hậu duệ đời thứ 6”.
Nơi tập kết phế liệu
Phía bên trái khu từ đường là một khu vườn um tùm lùm chuối, cau kiểng, mít và tràn lan cỏ dại. Người viết đạp cỏ tìm đường vào. Mộ ông bà Bình Thành bá Trương Minh Giảng được xây bằng hợp chất cổ (ô dước) hoang tàn rêu phong, đầy dây leo cỏ dại… Mộ có kiến trúc: Vòng ngoài là bờ thành hình chữ nhật (khoảng 10 x 6 m, cao khoảng 0,6 m), nối liền với cổng mộ là 2 trụ đá vuông, trên
đầu trụ có chạm búp sen lớn. Bình phong trước gồm 3 ô hình chữ nhật (ô giữa nhô lên), hai bên bình phong có trụ dạng cuốn thư. Vì rất hoang phế nên không biết được nguyên trạng bình phong này có chạm khắc chữ hay hình thù gì không. Phần mộ không có bia, cuối cùng là bình phong hậu nối liền với bờ thành, trên bình phong hậu cũng chẳng thể hình dung được nguyên trạng.
Mộ người con (và dâu) dẫu được nằm bên cạnh từ đường dòng họ Trương mà còn “thê thảm” như thế, huống gì mộ của người cha nằm ngoài khuôn viên “Trương Gia từ” đến những 70 m. Mộ Thành Tín hầu Trương Minh Thành nằm ngay góc ngã ba 2 con hẻm nhỏ (ở số 82/14A Lý Thường Kiệt, P.7, Q.Gò Vấp). Người qua đường chỉ có thể đoán đây là một ngôi mộ cổ bởi được khoanh vuông bằng một bờ thành (dài khoảng 10 m, góc có trụ vuông), còn thì chỉ thấy là mộ “rừng cây” um tùm và là bãi tập kết của đủ loại phế liệu (thùng mốp, cửa kính vỡ, khung nhôm sắt, gỗ tạp, chậu kiểng…). Mặt tiền của ngôi mộ bị che chắn kín mít bởi những thứ tạp nham này. Không thể tìm được lối vào (mà có lối thì cũng chẳng ai dám vào vì quá um tùm, rậm rạp). Chạnh nghĩ cả 2 cha con đều đạt tới bậc thượng thặng vinh hoa: một là Thượng thư Bộ Lễ, người kia là Thượng thư Bộ Hộ, cha còn hơn con khi được phong tước hầu, còn con mới tới tước bá, cùng phò vua giúp nước nổi tiếng một thời, vậy mà ngày nay mộ phần lại tang thương như vậy.
Công thần bậc nhất của nhà Nguyễn
Có rất ít thông tin về Thành Tín hầu Trương Minh Thành nhưng tiểu sử của Trương Minh Giảng thì… dài dằng dặc. Ông người làng Hạnh Thông, H.Bình Dương, tỉnh Gia Định. Trương Minh Giảng được đánh giá là người văn võ song toàn, công thần bậc nhất của nhà Nguyễn, vừa là võ tướng vừa là sử gia, từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán. Ông đỗ cử nhân năm 1819 và chỉ hơn 10 năm sau đã thăng tiến đến chức Thượng thư Bộ Hộ.
Năm 1833, Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng sai đem quân dẹp loạn Lê Văn Khôi, mãi 2 năm sau mới hạ được thành Phiên An (tức thành Gia Định). Tuy nhiên, trước đó Lê Văn Khôi đã cầu viện với Xiêm La (Thái Lan ngày nay) nên vua Xiêm sai quân thủy bộ chia làm 5 đạo nhất loạt tiến đánh Hà Tiên, Nam Vang, Cam Lộ, Cam Cát và Trấn Ninh. Minh Mạng cấp tốc điều động các tướng chỉ huy bảo vệ cả 5 mặt trận. Trương Minh Giảng cùng Nguyễn Xuân đẩy lui được quân Xiêm, nên được vua ban thưởng phong tước Bình Thành nam. Thừa thắng, Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân phối hợp cùng quân của Lê Đại Cang (đang chiến đấu ở mặt trận Nam Vang) tấn công giặc, quân Xiêm thất trận phải bỏ Nam Vang, rút tàn quân chạy về nước, giúp Chân Lạp thu phục lại thành Nam Vang (Phnom Penh bây giờ). Nhờ chiến công này, Trương Minh Giảng được gia phong tước Bình Thành bá. Sách Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu ghi: “Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua nghe tấu chương của Trương Minh Giảng, lập đất Cao Miên thành quận huyện của Đại Nam, đặt tên là Trấn Tây thành”. Vua phong Trương Minh Giảng chức Tướng quân kiêm chức Bảo hộ Cao Miên và phong Lê Đại Cang làm Trấn Tây Tham tán đại thần cùng lo việc trấn thủ. Năm 1838, do công lao trấn giữ Trấn Tây thành, khi triều đình dựng bia ghi công võ tướng, tên ông được khắc hàng đầu trong Võ miếu ở kinh đô Huế.
Do tình hình Trấn Tây (gồm vài tỉnh đông nam Cao Miên, phía dưới Biển Hồ, Phnom Penh, Kandal, Takeo, Prey Veng) không yên vì gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của người bản xứ, năm 1841, vua Thiệu Trị quyết định rút bỏ Trấn Tây thành (tức thủ đô Nam Vang ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây. Trương Minh Giảng theo lệnh rút quân về trấn thủ An Giang.
Tháng 7 năm Tân Sửu (1841), Trương Minh Giảng bệnh và qua đời tại An Giang.

Hà Đình Nguyên

>> Vì sao Trường Giang - Nhã Phương chưa công khai tình cảm?
>> Bố chồng lên sân khấu hát mừng sinh nhật Việt Hương
>> Tuổi thơ trong vắt ở 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.