Dù đã nhiều lần đến Paris và từng nghe đến nghĩa trang Passy, nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi tìm trên Google Map, Passy hiện lên ở vị trí cực kỳ dễ đến. Từ tháp Eiffel, chỉ cần băng qua cây cầu Pont d'lena hướng về quảng trường Trocadero bên cạnh Bảo tàng Hàng hải, nhìn qua vòng xoay là thấy khu nghĩa trang nổi tiếng của Paris.
Passy được bao quanh bởi bức tường cao chừng 5m, giống bức tường thành xưa cũ. Từ bên ngoài, có thể nhìn thấy những cây thánh giá, thường được dựng trên những ngôi mộ của người phương Tây.
Nghĩa trang mở cửa ban ngày và không có người canh giữ. Bên trong, nhiều ngôi mộ bề thế, có ngôi mộ được xây từ thế kỷ 18, 19 xen với những ngôi mộ nhỏ bé, giản đơn. Ngôi mộ của cựu hoàng Bảo Đại nằm gần cuối nghĩa trang với tấm bia đen khắc những chữ bằng nhiều thứ tiếng, dễ nhận ra từ xa.
Theo một số ghi chép, từ khi mất và được chôn ở đây vào năm 1997 đến 2006, mộ vua Bảo Đại không có bia mộ, không thể hiện bất cứ thông tin gì của người quá cố theo ý của vợ ông, chỉ đơn giản hai tấm "đan" bê tông và vài chậu hoa đặt bên trên.
Nguyên nhân là bà vợ cuối cùng người Pháp Monique Baudot của vua Bảo Đại đã ngăn cản những ai muốn trùng tu, dựng bia cho ông. Đến năm 2006, người con út là Nguyễn Phúc Bảo Ân sang Pháp liên hệ với bà Baudot và đã sửa sang lại mộ, dựng bia cho cha mình.
Nghĩa trang Passy ở quận 16 của Paris là một trong những nghĩa trang rộng lớn nhất thủ đô nước Pháp, gần 2 ha, là nơi an nghỉ của danh họa Edouard Manet, danh hài Fernandel, nhà soạn nhạc Claude Debussy, gia đình Givenchy (sở hữu thương hiệu nước hoa nổi tiếng cùng tên) hay gia đình Renault (sở hữu thương hiệu xe hơi cùng tên)...
Nghĩa trang được thành lập vào năm 1820 và trở thành nơi chôn cất của tầng lớp quý tộc ở bờ phải sông Seine.
Vua Bảo Đại sinh năm 1913 với tên khai sinh Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, mất vào ngày 31.7.1997 tại Paris. Ông là vị vua thứ 13, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Năm 2022 từng có thông tin dòng họ xin đất và sẽ đưa vua Bảo Đại về chôn cất tại Huế nhưng đại diện Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam khẳng định thông tin không chính xác.
Bình luận (0)