TNO

Thăm nhà 'Người tình' ở Sa Đéc

23/01/2016 10:15 GMT+7

( iHay ) Nhà 'Người tình' được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Hoa pha trộn với kiến trúc Pháp

(iHay) Tọa lạc tại số 255A Nguyễn Huệ, TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), ngôi nhà xưa của ông Huỳnh Cẩm Thuận được du khách biết đến nhiều bởi sự nổi tiếng của quyển tiểu thuyết L'Amant (Người tình) của bà Marguerite Duras và nhân vật Huỳnh Thủy Lê.

Nhà "Người tình" được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Hoa pha trộn với kiến trúc Pháp - Ảnh: Hoàng PhươngNhà "Người tình" được xây dựng theo kiểu kiến trúc Trung Hoa pha trộn với kiến trúc Pháp - Ảnh: Hoàng Phương
Điểm đến của du khách
Sau khi tiểu thuyết được dựng thành phim và công chiếu vào năm 1992, mãi đến năm 2006, ngôi nhà mới chính thức được đưa vào khai thác du lịch và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài, đặc biệt là người Pháp.
Ngôi nhà do ông Huỳnh Cẩm Thuận xây dựng vào đầu thế kỷ 20, khoảng năm 1917, với kiến trúc kiểu Hoa, pha trộn đường nét kiến trúc Pháp, gây ấn tượng bởi vẻ đẹp khá lạ so với các ngôi nhà “trong Việt ngoài Tây” ở vùng châu thổ sông Cửu Long. Mặt tiền nhà được trang trí bằng các mảnh sành, sứ, khuôn bông, mái nóc cong hình mũi thuyền với cặp lưỡng long tranh châu bên giữa đỉnh nóc nhà, gợi cảm giác một cơ sở tín ngưỡng của người Hoa. Bên cạnh phong cách Hoa, ngôi nhà còn pha trộn kiến trúc Phục hưng với cửa vòm, cột vuông đắp hoa văn và phù điêu.
Nhìn tổng thể thì diện tích ngôi nhà không lớn, được chia làm 3 gian. Gian ngoài là nơi thờ tự và tiếp khách, phía sau là 2 phòng ngủ được bố trí hai bên, giữa có hành lang rộng đi xuống nhà dưới, nay đã xây dựng thêm một số công trình phụ nên đã thay đổi, chỉ còn căn nhà chính. Bên trong nhà, một số vật liệu nội thất như gạch bông, kiếng được nhập từ Pháp, trần la phông gian giữa trang trí rồng, dơi. Chính trung đặt khánh thờ Quan Công rất lớn, chạm trổ khá cầu kỳ. Các bộ bao lam cũng được chạm khắc chim công, chim trĩ, phượng hoàng, se sẻ… và được sơn son thếp vàng. Riêng cột cái có chân đế hình bát giác đặc biệt rất hiếm thấy ở những ngôi nhà xưa tại miền Tây Nam bộ.
Di tích cấp quốc gia
Anh Huỳnh Tấn Phát, nhân viên bảo vệ của ngôi nhà, cho biết sau năm 1975, ngôi nhà được giao cho công an địa phương quản lý, sử dụng. Đến năm 1991, khi khởi quay bộ phim Người tình, anh được mời đóng vai quần chúng. “Hồi xưa xung quanh nhà đất đai còn rộng, bây giờ bị lấn chiếm gần sát tường. Vì láng giềng thường phơi quần áo ở 2 bên hông nhà nên phải gắn tấm pano che lại”, anh Phát kể.
Còn theo cô Ngọc Phụng, hướng dẫn viên của Công ty CP du lịch tỉnh Đồng Tháp, thì ông Huỳnh Thủy Lê còn 2 người con trai và 3 người con gái hiện sinh sống ở Pháp và Mỹ. Giữa năm 2006, người con gái út tên Huỳnh Thủy Tiên có về thăm ngôi nhà với ý định xin lại, nhưng không được, nên bà đã làm giấy hiến tặng cho chính quyền, đồng thời hứa sẽ hợp tác quảng bá cho du khách nước ngoài.
Cũng trong năm 2006, ngôi nhà “Người tình” chính thức được giao cho Công ty CP Du lịch tỉnh Đồng Tháp quản lý, khai thác. Lúc bấy giờ mặt tiền ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn nhưng xung quanh đã bị lấn chiếm mất hai kiến trúc phụ Đông xương và Tây xương. Cũng theo cô Ngọc Phụng, hiện vật của ngôi nhà khi bàn giao chỉ có khánh thờ Quan Công, tủ đựng rượu, két sắt đựng tiền và bàn trang điểm của nữ chủ nhân ngôi nhà. Còn bàn ghế hiện thời do công ty trang bị phục vụ khách tham quan. Nhiều hiện vật trưng bày trong tủ kính như: ô trầu, bình, thố, khai hộp, lục bình, quả tráp… được mượn từ Bảo tàng Đồng Tháp. Ngoài ra còn có một số hiện vật được khai quật từ phía sau nhà, như hủ sành thế kỷ 17, 18.
Tháng 12.2009, ngôi nhà “Người tình” được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Sau đó được sửa chữa đôi chút như cẩn lại cánh cửa bị rớt ốc xà cừ, che lại mái cửa sổ, làm nhà bếp, nhà vệ sinh… Mỗi ngày ngôi nhà này có hàng trăm khách đến tham quan. Cô Phụng cho biết những du khách ở lại ngủ qua đêm thường là người Pháp. Khách được bố trí ở 2 phòng ngủ xưa vốn là buồng dành cho các cô gái của chủ nhân ngôi nhà, với giá vé mỗi phòng 1 triệu đồng/ngày đêm. Nếu khách ở lại qua đêm thì nhà hàng Bông Hồng chịu trách nhiệm cung cấp bữa ăn sáng, trưa, chiều.
Trao đổi với chúng tôi, một vị khách tham quan có vẻ hiểu biết góp ý chân tình: “Ngôi nhà này rất đông du khách mà không biết cách khai thác. Nhà của cụ Huỳnh Cẩm Thuận nhưng lại không có bàn thờ thần Tài, vốn là tín ngưỡng của dân mua bán người Hoa. Cũng không có bàn thờ tổ tiên, đặc biệt là nên bố trí đồ đạc nửa Tàu nửa Tây mới đúng, như giày dép, quần áo, bình trà, ly uống rượu, bộ bình hút á phiện, bàn toán...

 

Hoàng Phương - Ngọc Phan

>> Khám phá biệt thự của ca sĩ Hồ Lệ Thu
>> ‘Đừng yêu ở Hội An’
>> Bình yên bên nhà thờ 100 năm tuổi ở Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.