Thâm nhập địa đạo dưới thung lũng Tình Yêu

17/05/2012 10:07 GMT+7

(TNO) Sau nhiều lần khảo sát địa hình, ngày 15.5, PV Thanh Niên mới đột nhập được vào địa đạo xuyên núi dài khoảng 700 m, nơi khai thác trái phép quặng thiếc ở cuối khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, Đà Lạt (Lâm Đồng).

(TNO) Sau nhiều lần khảo sát địa hình, ngày 15.5, PV Thanh Niên mới đột nhập được vào địa đạo xuyên núi dài khoảng 700m, nơi khai thác trái phép quặng thiếc ở cuối khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, Đà Lạt (Lâm Đồng).

45 phút trong lòng địa đạo

Cửa hầm địa đạo cao 2 m, rộng khoảng 1,5 m, nằm dưới một thung lũng sâu ở khoảnh 1, tiểu khu 144 (phường 8), thuộc Ban Quản lý rừng Lâm Viên. Chiếc máy bơm cách địa đạo chừng 50 m đang bơm nước vào địa đạo để phục vụ việc khai thác quặng thiếc.

Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 2
PV Thanh Niên thâm nhập địa đạo của "thiếc tặc" ngày 15.5

Chúng tôi phải mang theo ủng, đèn pin vì nước và bùn đỏ từ trong địa đạo ào ào chảy ra. Bì bõm trong bóng tối,  chúng tôi lách người qua một khe cửa sắt. Sát cánh cửa có cầu dao và hệ thống dây điện chằng chịt. Rọi đèn pin thấy 4 xe rùa (chở quặng thiếc) nối đuôi nhau hướng ra cửa địa đạo.

Tiến sâu thêm một đoạn, thấy lấp lóe ánh đèn pin từ xa, chúng tôi tắt đèn nép mình vào thành địa đạo; có bóng 3, 4 người đang tiến lại gần. Khi còn cách khoảng 15 m, chúng tôi rọi thẳng đèn pin vào nhóm người đó. Bất ngờ vì có người lạ “ghé thăm”, có lẽ tưởng lực lượng giải tỏa nên nhóm người kia chạy sâu vào địa đạo… và mất hút.

Chúng tôi rọi đèn pin và tiếp tục theo chân “thiếc tặc”, họ bỏ lại chiếc xe rùa nằm chỏng chơ. Qua ánh đèn pin, lòng địa đạo có những đoạn cấu trúc toàn đá được đục khoét rất công phu, nhiều đoạn được chống cừ bằng cây thông đường kính từ 15 - 20 cm để đất khỏi sạt lở. Khi qua những đoạn này, chúng tôi phải cúi thấp để khỏi đụng đầu.

Càng vào sâu, không khí càng ngột ngạt khó thở. Đi được khoảng 200 m, ống nhựa màu xanh phun nước xối xả. Khung gỗ thông cừ địa đạo nối tiếp nhau chạy dài hun hút, nhiều cây mọc meo, mọc nấm cho thấy một lượng lớn cây thông bị chặt hạ phục vụ cho việc khai thác thiếc lậu diễn ra từ lâu.

Vào sâu khoảng 300 m, do thiếu oxy và ánh sáng nên rất khó thở, chúng tôi đành phải quay ra.

45 phút sống trong địa đạo có thể cảm nhận được sự liều lĩnh của “thiếc tặc”, nếu chẳng may sập hầm thì tính mạng con người đành chôn vùi giữa lòng núi.

Giải tỏa chiếu lệ!

Ông Phan Khắc Cử, Phó giám đốc Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, cho biết: “Khi phát hiện hầm địa đạo hướng đến bãi quặng thiếc cuối khu du lịch, chúng tôi có ngay văn bản báo cáo chính quyền địa phương và Ban quản lý rừng”.

Còn UBND phường 8 (Đà Lạt) cho biết đã thực hiện 2 đợt giải tỏa. Lần 1 vào ngày 10.10.2011, khi địa đạo mới sâu hơn 30 m, bên ngoài được ngụy trang bằng lưới đen và cây rừng để vận chuyển đất đỏ ra ngoài nhằm tránh phát hiện.

Phường 8 đã lập biên bản xử phạt hành chính 2 triệu đồng đối với Phạm Viết Thành (quê Thanh Hóa, tạm trú tại P.8, TP Đà Lạt), Thành thừa nhận mục đích đào địa đạo xuyên núi tới bãi thiếc cuối khu du lịch để khai thác quặng thiếc (bãi này đã bị giải tỏa hơn 3 năm trước). Thành viết cam kết lấp địa đạo, không tái phạm.

Nhưng đến ngày 28.10.2011, cơ quan chức năng phường 8 phải giải tỏa lần 2, lúc đó địa đạo đã sâu khoảng 60 m. Có khoảng 15 người tham gia đào địa đạo tháo chạy tán loạn. Tang vật thu giữ gồm một số xe rùa, 1 máy khoan bê tông, 1 mô tơ bơm nước, gần 500 m dây điện...

Đoàn giải tỏa bít kín cửa địa đạo bằng cây thông lớn. Nhưng chỉ ít ngày sau một cửa hầm mới thông vào địa đạo hình thành cách vị trí cũ không xa, việc đào địa đạo tiếp diễn.

Đầu năm 2012, UBND TP.Đà Lạt lại huy động lực lượng khoảng 35 người để giải tỏa và lấp địa đạo…

Ông Cử cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, lực lượng tuần tra rừng của công ty phát hiện một ống thông hơi nhô lên ở khu vực bãi thiếc cũ, ban đêm nghe tiếng máy khoan dưới lòng đất. Công ty đã cho phát quang, tỉa bớt cây xanh để dễ dàng phát hiện “thiếc tặc”.

“Chúng tôi rất lo lắng việc khai thác thiếc sẽ ảnh hưởng đến cây cối và môi trường, cảnh quan khu du lịch” - ông Cử nói.

Người dân khu Đất Mới, phường 7 (Đà Lạt) cho biết, từ cuối tháng 4.2012, “thiếc tặc” bắt đầu khai thác quặng thiếc, cách vài ngày họ lại vận chuyển quặng thiếc từ địa đạo ra đường Đất Mới, tập kết ở nghĩa trang Thánh Mẫu, các mối lái chở đi tiêu thụ, giá quặng thiếc hiện nay gần 300.000 đồng/kg. Việc đào và đãi thiếc thường diễn ra ban đêm, ban ngày “thiếc tặc” thuê căn chòi ở Đất Mới để ngủ.

Thế nhưng ngày 16.5, ông Phan Văn Thi, Phó chủ tịch UBND phường 8, khẳng định việc khai thác quặng thiếc ở địa đạo đã chấm dứt, lực lượng tuần tra của phường mới vào địa đạo kiểm tra cách đây 2 ngày không có dấu vết gì mới.

Ông Thi cũng thông tin thêm, UBND TP.Đà Lạt đang giao một số cơ quan chức năng tìm phương án phá sập hệ thống địa đạo trên.

Dưới đây là chùm ảnh địa đạo của "thiếc tặc" do PV Thanh Niên ghi lại ngày 15.5.2012.

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 1
Cửa sắt kiên cố giữa lòng địa đạo

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 3
Xe rùa trong lòng địa đạo

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 4
Trong địa đạo này có cả hệ thống điện

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 5
Địa đạo được chống cừ bằng những cây gỗ thông

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 6
Dọc địa đạo có gắn bóng đèn tròn

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 7
Hệ thống điện, nước, ống dẫn khí trong lòng địa đạo

 Thâm nhập địa đạo khai thác quặng thiếc ở Thung lũng tình yêu 8
Từ địa đạo của "thiếc tặc" nhìn ra rừng thông 

                          

Bài và ảnh: Lâm Viên

>> Tiếp diễn đào địa đạo xuyên núi khai thác trái phép quặng thiếc
>> Tạm giữ 6 người trong vụ tra khảo người làm công
>> Sau phản ảnh của Báo Thanh Niên: Chấm dứt việc khai thác quặng trái phép tại thung lũng Tình Yêu (Đà Lạt)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.