Biến không thành có
Trên một trang web có đăng tải một bài viết rất lớn giới thiệu về phòng khám đông y Trung Quốc (tại 108 Trần Phú, Q.Hà Đông, Hà Nội) rằng: Phòng khám áp dụng các phương pháp chữa bệnh truyền thống của Trung Quốc, sử dụng rất nhiều các loại đông thảo dược quý hiếm kết hợp với các loại chất cơ bản có trong các khoáng vật thiên nhiên thông qua hệ thống máy móc khoa học kỹ thuật cao đã phối chế thành công phương thuốc bí truyền trị liệu mang lại hiệu quả điều trị cao, an toàn cho người bệnh. Cũng trong bài giới thiệu này có đăng tải ý kiến của một số người (có địa chỉ, số điện thoại cụ thể) được cho là đã khỏi bệnh nhờ khám và điều trị tại phòng khám này.
Chúng tôi đã lần theo vài địa chỉ, số điện thoại cụ thể đó và khám phá nhiều điều bất ngờ.
Khi chúng tôi gọi đến bệnh nhân đầu tiên, anh Nguyễn Trường Thọ, 48 tuổi, nhà ở xóm Chùa, Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội (số máy di động 098653xxxx) - người được quảng cáo đã từng chữa khỏi bệnh phong thấp tại phòng khám chữa đông y Trung Quốc kể trên - tỏ ra rất bất ngờ. Anh Thọ kể: anh bị đau nhức chân tay, đến phòng khám này được chẩn đoán là phong tê thấp. "Thuốc của họ rất đắt, 800.000 đến 1 triệu đồng/thang bé tí. Tôi điều trị 1 tháng tốn 23 triệu đồng mà chẳng thuyên giảm, thậm chí càng đau. Thấy vậy tôi đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán là chệch đĩa đệm, điều trị ở bệnh viện giờ đã hết hẳn đau rồi", anh Thọ kể. Anh cũng không giấu được nỗi bực mình do quảng cáo của phòng khám trên nên thường xuyên có người điện thoại đến hỏi thăm anh về việc chữa bệnh. "Tôi cũng đã nói thật với họ rằng tất cả những thông tin đó đều là bịa đặt", anh Thọ bức xúc.
Anh Thọ còn cho biết, khi đi khám bệnh tại cơ sở này, anh không hề biết mặt mũi của đơn thuốc như thế nào. Bác sĩ khám, sau đó kê đơn bằng những dòng chữ loằng ngoằng rồi nhân viên của họ cầm đi lấy thuốc. Nhiều lần anh đề nghị cho xem nhưng nhân viên của phòng khám nói: “Xem làm gì, người ngoài ngành cũng chẳng hiểu được”. Cũng theo lời kể của anh Thọ, trong những lần đi bốc thuốc tại phòng khám này, anh đã từng chứng kiến cảnh các nhân viên "chạy thuốc" (giấu thuốc đi) khi có thanh tra y tế đến kiểm tra.
Cũng lần theo một mẩu quảng cáo kiểu này, chúng tôi gọi điện tới số máy của bà Nguyễn Thị Mai Oanh, 57 tuổi, nhà số 29 phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, số điện thoại 043.511xxxx để hỏi thăm về quá trình chữa hết bệnh của bà. Vừa nghe chúng tôi nói có người nhà bị bệnh thoái hóa khớp xương giống như bệnh của bà Oanh, bà đã hoảng hốt nói: “Thôi đừng có dại mà đến đấy để rồi bị lừa cháu ạ. Bác mất mấy chục triệu mà có ăn thua gì đâu. Chết tiền thôi”. Cũng theo bà Oanh, đúng là bà đã đến phòng khám này (người khám là người Trung Quốc), có khai thông tin bệnh nhân, gồm địa chỉ và số điện thoại nhưng họ đã sử dụng thông tin này cho việc quảng cáo lừa dối mà không có sự đồng ý của bà.
Nhiều phòng khám đông y Trung Quốc còn lừa bịp quảng cáo bằng cách thuê người bệnh “ảo”. Chị Nguyễn Thị Thu, bán bún chả tại chợ Nghĩa Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) một lần đã được thuê 200.000 đồng để “đóng vai” người bệnh nói lời cảm ơn đối với một phòng khám đông y vì được phòng khám này chữa trị khỏi bệnh. "Lời cảm ơn" chân thành này của chị sau đó được phát trên Đài truyền hình Hà Tây. Khi có nhiều người bạn hàng trong chợ hỏi thăm, chị thật thà kể sự thật chỉ là được thuê chứ chưa từng bị bệnh, cũng chưa từng biết phòng khám đó ở đâu! Chị Thu còn nói thêm, có nhiều người cũng được thuê đọc “lời cảm ơn” chứ không phải chỉ mình chị.
Tiền mất tật mang
Trong vai một người đi khám bệnh tại một phòng khám đông y trên đường Kim Mã, chúng tôi ngồi chờ và trò chuyện cùng một số bệnh nhân khác. Trong đó có những người đến khám lần đầu và có những người đến khám sau khi đã uống thuốc được một thời gian. Khi hỏi thì thấy đa số những bệnh nhân này đều ở các tỉnh, nghe quảng cáo phòng khám đông y chữa được nhiều bệnh lại phục vụ tốt nên đua nhau đến chữa.
Chị Hoàng Thị Lan, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh có em gái bị bệnh tâm thần khoảng gần 5 năm nay cũng đã đi khám chữa ở nhiều nơi nhưng không thấy đỡ. Đọc thấy thông tin quảng cáo là phòng khám này có thể chữa được căn bệnh của em mình, chị Lan lặn lội đưa em lên khám và bốc thuốc. Khi nghe chúng tôi nói là mới đi khám lần đầu và muốn hỏi thăm dò xem chữa bệnh ở đây có thấy đỡ không, chị Lan cho biết: “Uống mất hơn 30 triệu tiền thuốc rồi nhưng về chỉ thấy dì nó ngủ nhiều hơn. Hỏi thì bác sĩ bảo bệnh động kinh tức là tâm thần không ổn định nên cho nhiều thuốc ngủ để đỡ lên cơn, phá phách. Ông ấy cũng bảo cứ yên tâm mà chữa rồi sẽ khỏi. Gia đình tôi cũng bảo nhau cố gắng bốc thêm lần thuốc này nữa xem thế nào”.
Anh Hoàng Thanh Quang (số điện thoại 091274xxxx), Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội một hôm bị trúng gió, lại có tiền sử bị đau dây thần kinh tọa nên thấy khắp người đau ê ẩm và khó cử động chân tay. Nghe quảng cáo, anh đến một phòng khám đông y Trung Quốc trên phố Văn Miếu, chỉ thấy họ hỏi qua triệu chứng rồi bảo bệnh của anh phải châm cứu lâu dài kết hợp với uống thuốc mới khỏi. Anh Quang đến châm cứu ở đó và uống thuốc trong hơn 1 tuần mất 3 triệu đồng nhưng bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn. Anh thậm chí còn không quay được cổ và rơi vào tình trạng mê sảng. Lo quá, gia đình đưa anh đến khám và châm cứu liên tục 1 tuần tại Bệnh viện châm cứu Trung ương thì anh khỏi hẳn.
Trên nhiều quảng cáo của các phòng khám đông y còn giới thiệu là chữa trị được cả bệnh tiểu đường, ung bướu vốn là những căn bệnh nan y mà khoa học hiện đại cũng chưa có một phương thuốc nào thực sự hữu hiệu. Chính vì những quảng cáo tràn lan kiểu này, cùng với tâm lý “sính ngoại” mà không ít người tìm đến những phòng khám này để chữa bệnh nhưng cuối cùng thì tiền vẫn mất mà tật lại mang.
Ngọc Tuyên
Bình luận (0)