Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội là nhận định được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) T.Ư 3 khóa X và tổng kết 5 năm thực hiện luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) diễn ra sáng 7.3, tại Hà Nội.
Báo cáo do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN trình bày cho biết, trong 5 năm qua, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, đã đạt được những kết quả quan trọng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã từng bước được kiềm chế.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xử lý hoặc kiến nghị xử lý 4 ủy viên T.Ư Đảng (nhiệm kỳ X), 17 bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự Đảng các tỉnh thành, bộ, ngành và 2 bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐQT tập đoàn kinh tế nhà nước. Trong 5 năm từ 2007 - 2011, cả nước có 652 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 97 trường hợp, xử lý kỷ luật 555 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là Quảng Nam với 77 người, Bình Thuận với 46 người, Bắc Giang với 41 người, Đắk Lắk với 38 người, Cao Bằng 31 người...
Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác PCTN nói chung và việc thực hiện NQ T.Ư 3 nói riêng trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt yêu cầu và chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng... như NQ đã đề ra.
Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội”. Trong 9 vấn đề còn tồn tại được chỉ ra, đáng chú ý là “công khai, dân chủ trong công tác cán bộ còn hạn chế. Những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ chưa được khắc phục. Dư luận vẫn bức xúc về tình trạng chạy chức chạy quyền. Việc thi tuyển công khai một số chức danh cán bộ quản lý theo yêu cầu của NQ T.Ư 3 vẫn chỉ là cá biệt. Chủ trương cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ động từ chức vì lý do trách nhiệm chưa đi vào cuộc sống”.
Tồn tại khác là “tình trạng lạm dụng quy định về bí mật nhà nước để không công khai những nội dung không thuộc phạm vi bí mật nhà nước còn khá phổ biến. Quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa được bảo đảm. Nhiều quy định về công khai, minh bạch chưa được thực hiện đầy đủ...”.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian tới sẽ thực hiện 10 nhóm giải pháp trong đấu tranh PCTN, trong đó có giải pháp nghiên cứu quy định một số chức danh cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở T.Ư và cấp tỉnh cam kết công khai trước nhân dân sự liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng của mình; mạnh dạn miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan do mình quản lý, phụ trách; công khai danh tính những người thực hiện hành vi tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu; tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; xây dựng cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức khác đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị với tư cách là Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao góp ý thẳng thắn và những kiến nghị của đại diện lãnh đạo 13 bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đồng tình với những kiến nghị về việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm gương, tiên phong trong đấu tranh PCTN; công khai, dân chủ, minh bạch tuyển dụng cán bộ, đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng như khen thưởng và kỷ luật cán bộ. Đồng thời, phải tăng cường, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ VN và người dân đối với bộ máy công quyền trong công cuộc đấu tranh PCTN.
Bảo Cầm
Bình luận (0)