Tham nhũng, lót tay... vẫn phổ biến

15/04/2015 07:48 GMT+7

Qua khảo sát người dân ở 63 tỉnh thành cho thấy, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đất đai... vẫn rất nghiêm trọng ở cấp chính quyền địa phương.

Qua khảo sát người dân ở 63 tỉnh thành cho thấy, tình trạng tham nhũng, hối lộ trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, quản lý đất đai... vẫn rất nghiêm trọng ở cấp chính quyền địa phương.

Tham nhũng, lót tay... vẫn phổ biếnChỉ số PAPI đã được lãnh đạo nhiều địa phương tham khảo trong việc xây dựng chính sách - Ảnh: Lê Dũng
Kết quả khảo sát được nêu trong Báo cáo khảo sát “Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh” (PAPI), do Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tại VN (UNDP) phối hợp MTTQ VN thực hiện, công bố hôm qua (14.4) tại Hà Nội.
Vòi vĩnh, nhũng nhiễu “có xu hướng gia tăng”

Chương trình khảo sát năm 2014 được thực hiện ở quy mô lớn, với 61.000 người dân được lấy ý kiến (45 - 60 phút/cuộc phỏng vấn) tại 414 xã, phường, thị trấn. Theo ông Jairo Acuna Alffaro, chuyên gia tư vấn của chương trình, về tình trạng tham nhũng trong khu vực công, phần lớn ý kiến người dân cho rằng hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền trong năm qua là “ít có chuyển biến tích cực”. Thậm chí, trong một số lĩnh vực, mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước là “có xu hướng gia tăng”. Nhiều người dân cũng cho rằng tham nhũng và hối lộ tồn tại nhiều ở cấp chính quyền địa phương và trong một số dịch vụ hành chính công, dịch vụ công căn bản, nạn tham nhũng đang tăng lên. Ông Jairo Acuna Alffaro nói: “Hiện tượng phải đưa lót tay để xin được việc làm trong cơ quan nhà nước dường như nổi cộm nhất, bởi có gần 49% số người được hỏi cho rằng có hiện tượng đó ở địa phương họ sinh sống”.
Kết quả PAPI năm nay càng cho thấy những dự án như lấp sông Đồng Nai hay đề án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội là những việc làm trái nguyên tắc về quản trị hiện đại: những quyết sách lớn phải được hỏi, tham vấn người dân khi chuẩn bị thực hiện
 
Các kết quả khảo sát cụ thể về hành vi hối lộ của cán bộ, công chức trong khi thực hiện dịch vụ công như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, y tế, giáo dục tiểu học... cũng cho thấy hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp cơ sở chưa cao. “Kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 26% số người cho rằng phải hối lộ khi xin cấp phép xây dựng; 33% ý kiến nói họ phải chi lót tay để có kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2014. Để được phục vụ tốt hơn trong bệnh viện công lập tuyến huyện, 12% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã phải chi bồi dưỡng cho cán bộ y tế. Ở cấp tiểu học, 30% số phụ huynh phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên”, ông Đặng Hoàng Giang, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết thêm.
Kết quả khảo sát cho thấy đánh giá của người dân về mức độ công khai, minh bạch của các cơ quan nhà nước cấp địa phương không mấy tích cực. Ví dụ, chỉ có 16,2% số người được hỏi nói họ có biết kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, thấp hơn hẳn so với tỷ lệ 20% trong các năm 2011 - 2013. “Đáng lo ngại là chỉ có 5% người dân cho biết họ được góp ý cho kế hoạch sử dụng đất năm 2014 và có tới 24% các hộ bị thu hồi đất nói họ không được bồi thường khi bị thu hồi đất”, ông Giang nói.
Cơ sở dữ liệu rất có giá trị
Một số số liệu đáng chú ý được rút ra từ cuộc khảo sát như 23% người dân trả lời phỏng vấn tin rằng cán bộ, công chức địa phương đã dùng công quỹ vào mục đích riêng và có tới 61,3% ý kiến cho rằng chính quyền địa phương chưa nghiêm túc trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng. Câu hỏi về quan điểm của người dân với những vấn đề kinh tế - xã hội lo ngại nhất là gì cũng đem lại kết quả đáng chú ý: 25% cho rằng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng nhất và 20% cho rằng chất lượng y tế là đáng lo ngại nhất.
Khảo sát 2014 cũng cho thấy người dân nhìn chung hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình hiện nay của họ. “Có hơn 60% số người được khảo sát cho rằng kinh tế gia đình của họ khá hơn so với 5 năm trước và hơn 65% cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình họ sẽ tốt hơn trong 5 năm tới”, ông Giang nói.
Theo nhiều đại biểu phát biểu tại lễ công bố, cuộc khảo sát đã trở thành chương trình khảo sát xã hội học có quy mô lớn nhất, cung cấp nhiều dữ liệu về hiện trạng dịch vụ công của VN. Ông Nguyễn Tất Giáp, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá: “Việc khảo sát, lấy ý kiến người dân trên nhiều chỉ số về độ công khai, minh bạch; thủ tục hành chính, dịch vụ công, mức độ tham gia của người dân… trên quy mô lớn với những mẫu có tính đại diện cao như vậy là cơ sở dữ liệu rất có giá trị để nhiều địa phương tự nhìn nhận và xây dựng chính sách”.
Bà Pratobha Mehta, Trưởng đại diện UNDP tại VN, cho biết: “Tôi rất mừng khi hiện nay, đã có 16 tỉnh, TP thường xuyên tham chiếu số liệu qua chỉ số PAPI để ra các quyết định, văn bản điều hành và số liệu của PAPI cũng được nhiều cơ quan cấp T.Ư của VN sử dụng để rà soát chính sách, nhất là các chính sách về phòng, chống tham nhũng”.
Một số chuyên gia khác cho rằng, kết quả PAPI năm nay càng cho thấy những dự án như lấp sông Đồng Nai hay đề án chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội là những việc làm trái nguyên tắc về quản trị hiện đại: những quyết sách lớn phải được hỏi, tham vấn người dân khi chuẩn bị thực hiện.
Tại cuộc họp, đại diện một số tỉnh, TP cũng đánh giá cao giá trị hệ thống chỉ số PAPI. Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó phòng Tổng hợp, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, từ mấy năm nay tỉnh đã coi PAPI là công cụ hiệu quả để tham chiếu và đề ra các quyết định, văn bản điều hành quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. “Căn cứ chỉ số PAPI các năm qua, chúng tôi đã phải cải thiện các thủ tục cấp phép xây dựng; thay đổi cách thức tiếp công dân, để người dân được trực tiếp gặp lãnh đạo tỉnh giải quyết các vấn đề bức xúc. Chúng tôi rút ra được rằng, để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ công không cần phải đầu tư quá lớn về tiền bạc mà chỉ cần thay đổi cách thức phục vụ”, bà Hạnh nói.
Ông Trần Văn Rón, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết việc nhận thức đầy đủ thông tin, ý nghĩa từ PAPI cũng giúp chính quyền địa phương gần dân hơn. “Qua nghiên cứu chỉ số PAPI, chúng tôi cũng cải thiện nhiều việc như công khai các kế hoạch sử dụng, thu hồi đất từ cấp xã, các chính sách đầu tư, xây dựng nông thôn mới, các quy hoạch đều được công khai để thống nhất được ý kiến của người dân khi thực hiện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.