(TNO) Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC) ra đời, thực hiện thí điểm tư vấn pháp luật cho nhóm nạn nhân của tham nhũng nhằm hỗ trợ người dân có yêu cầu cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong giải quyết khiếu nại, tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cộng đồng.
|
Sáng nay 8.4, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (gọi tắt là ALAC), trực thuộc Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại địa chỉ 93 Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.
ALAC có chức năng cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật, bảo trợ tư pháp miễn phí cho người nghèo, các nhóm yếu thế trong tất cả các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là tư vấn pháp luật và hỗ trợ nạn nhân, nhân chứng trong các vụ việc tham nhũng thực hiện quyền khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Hoạt động của ALAC hướng tới mục tiêu nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật của cộng đồng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại của người dân liên quan tới các vụ việc có yếu tố tham nhũng. Thông qua các hoạt động tư vấn trực tiếp, qua thư từ, email, đường dây nóng: (04). 32 668 223, lưu động tại cơ sở và các hoạt động tiếp cận cộng đồng khác, ALAC cung cấp thông tin về các thủ tục, quy trình pháp luật về khiếu nại, địa chỉ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cũng như các thông tin pháp luật khác chính xác, kịp thời, rõ ràng và đầy đủ để hỗ trợ người dân trong quá trình khiếu nại, để các cơ quan có liên quan có đủ cơ sở tiến hành giải quyết khiếu nại một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Hoạt động của ALAC cũng hướng đến việc tham gia tích cực vào quá trình vận động, thúc đẩy các thay đổi thiết thực và bền vững về chính sách, pháp luật liên quan đến khiếu nại và phòng, chống tham nhũng.
Bà Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam, cho biết: “Tham nhũng làm suy yếu đất nước, có ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các tầng lớp xã hội, làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan công quyền. ALAC ra đời, thực hiện thí điểm tư vấn pháp luật cho nhóm nạn nhân của tham nhũng, nhằm hỗ trợ người dân có yêu cầu cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong giải quyết khiếu nại, tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cộng đồng. Từ đó, củng cố và tăng cường niềm tin của người dân vào pháp luật và Nhà nước, đồng thời cải thiện hiện tượng thụ động và thờ ơ của người dân, cũng như một số cán bộ nhà nước khi đối mặt với tham nhũng”.
Luật sư Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc ALAC cho biết: “Phương châm hoạt động của ALAC là luôn tìm kiếm các giải pháp mang tính xây dựng trong quá trình hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan nhà nước với mục đích cuối cùng là đảm bảo khiếu nại của người dân được giải quyết nhanh và hiệu quả nhất theo đúng quy định của pháp luật”.
Trong quá trình triển khai hoạt động mô hình ALAC, Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam nhận được sự hỗ trợ kĩ thuật của Tổ chức Minh Bạch Quốc tế (TI) thông qua cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam là tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT).
Bình luận (0)