(TNO) Theo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), việc rà soát đánh giá chính sách bảo vệ người tố cáo tham nhũng sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung chính sách về bảo vệ người tố cáo nói chung và phát hiện, tố cáo tham nhũng nói riêng.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng vừa ký văn bản gửi các bộ, ban, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh về việc đánh giá chính sách bảo vệ người tố cáo, trong đó có phát hiện tố cáo tham nhũng.
Theo văn bản này, các Bộ, ngành địa phương phải báo cáo kết quả bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, trong đó làm rõ số liệu cụ thể về số vụ việc có người bị trả thù hoặc đe dọa trả thù; số người đã bị trả thù, số người tố cáo có dấu hiệu bị trả thù, trù dập, đang được xem xét kết luận; số người bị xử lý bằng các biện pháp hành chính do trả thù, đe dọa trả thù người tố cáo…
Ngoài ra, các cơ quan trên còn phải thống kê thêm số người tố cáo yêu cầu bảo vệ bí mật thông tin; số người yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản; số người yêu cầu bảo vệ vị trí công tác, việc làm…
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo, như tổng số người tố cáo đã được bảo vệ; số người tố cáo đã được bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ tại nơi cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ; số người đã phải di chuyển và giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học tập để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ…
Không chỉ báo cáo, các cơ quan kể trên và các địa phương phải căn cứ trên những bất cập hiện hành về chính sách bảo vệ người tố cáo, từ đó đề xuất, bổ sung các biện pháp để bảo vệ có hiệu quả cho người tố cáo. Nội dung báo cáo phải gửi về Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) trước ngày 30.4 tới.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, từ số liệu tổng hợp và đánh giá của các Bộ, ngành địa phương, Thanh tra Chính phủ sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các chính sách về bảo vệ người tố cáo.
Bình luận (0)