Tham nhũng vẫn là mối lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài

04/12/2009 00:13 GMT+7

Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên khai mạc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) do Bộ Kế hoạch  -  Đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đồng tổ chức hôm qua 3.12 tại Hà Nội.

Đối phó tốt nhưng vẫn còn nhiều rủi ro

Đánh giá về những diễn biến kinh tế gần đây, ông Shogo Ishii, Trợ lý Vụ trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương - Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho rằng VN đã đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu tốt hơn so với nhiều nước khác. Sau khi suy giảm mạnh trong quý I, hoạt động kinh tế của VN đã hồi phục lại vào quý II, III. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng GDP thực của VN sẽ vào khoảng 5,25%, tốc độ tăng trưởng cao nhất ở khu vực trong năm 2009.

Theo đại diện IMF, mặc dù sự hồi phục của khu vực tư nhân được coi là động lực chính dẫn dắt chính cho sự hồi phục kinh tế của VN song không thể phủ nhận vai trò của chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ. Sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng và gói chính sách tài khóa khá lớn đã làm tăng nhu cầu trong nước thúc đẩy sản xuất công nghiệp và duy trì doanh số bán lẻ tăng mạnh, ông Shogo Ishii nhận định.

Đánh giá về các thách thức mà VN đang phải đối mặt, Đại sứ Thụy Điển Rofl Bergman cho rằng suy thoái kinh tế đã thể hiện nhu cầu cần có một cơ chế bảo vệ xã hội toàn diện của VN. Điều quan trọng là phải chú ý đến những nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ. VN cũng đồng thời cần tiến hành cải cách về mặt cơ cấu để giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương của nhóm đối tượng này. Cũng theo Đại sứ Thụy Điển, một thách thức lớn đối với VN và cũng là thách thức của cộng đồng quốc tế trong những năm tới là vấn đề biến đổi khí hậu. Đại sứ Rofl Bergman khuyến nghị tại Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu (COP 15) diễn ra tại Đan Mạch trong tuần tới, VN cần lên  tiếng để đảm bảo đạt được một thỏa thuận công bằng cho VN.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN Victoria Kwakwa nhận định sẽ có một loạt các thách thức khác mà Việt Nam phải đối mặt khi chuẩn bị gia nhập vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình. Các thách thức này theo bà Kwakwa nổi lên ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và vấn đề phát triển xã hội. Theo Giám đốc WB mặc dù VN đã có những tiến bộ lớn trong những năm qua song vẫn còn những vấn đề cần phải giải quyết như thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm, xây dựng một nhà nước pháp quyền, nhìn nhận tầm quan trọng của thông tin và đẩy mạnh cơ chế giám sát... 

Chính phủ không thể một mình chống lại tham nhũng

Chống tham nhũng và nâng cao tính minh bạch, chủ đề “truyền thống” của các kỳ CG tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đối tác nước ngoài. Trong tuyên bố đại diện cho Liên minh châu u (EU), Đại sứ Thụy Điển Rofl Bergman nhận định tham nhũng tiếp tục là “một trong những tai họa lớn của xã hội VN”.

Theo ông Rofl Bergman, bất chấp những cam kết của Chính phủ chống lại tham nhũng, vấn đề này vẫn còn là trở ngại lớn cho đầu tư nước ngoài. Tham nhũng đồng thời cũng gây ra những khó khăn cho người dân VN trong việc tiếp cận các dịch vụ công quan trọng như y tế và giáo dục. Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh rằng Chính phủ Việt Nam không thể một mình chống lại tham nhũng mà trách nhiệm này cần được giao tới tất cả mọi người. Theo đó, báo chí cần tham gia giám sát những người có quyền lực. Các tổ chức phi chính phủ cần được khuyến khích trong các hoạt động này. “Quyền tiếp cận thông tin của người dân cần được thực thi ngay”, ông Rofl Bergman nói.

Đại sứ Thụy Điển cảnh báo tham nhũng không chỉ làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống công mà đặt các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và ổn định nền kinh tế của Việt Nam trước tình thế “hiểm nghèo”. Theo ông Rofl Bergman sự thiếu minh bạch dẫn đến việc các khoản tiền dành cho ứng phó biến đổi khí hậu, vốn đã rất hạn chế, có thể bị phân phối sai địa chỉ. Các khoản ODA cũng nằm trong diện dễ bị xâm hại bởi tham nhũng.     

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Misuo Sakaba: Nhật đang chờ đợi hành động của VN trong vụ PCI

* Ông đánh giá thế nào về tiến trình xử lý vụ PCI tại Việt Nam?


- Tôi không thể đưa ra phán xét rằng quá trình điều tra của phía VN là nhanh hay chậm vì chúng tôi biết rằng đây là một vụ việc khá phức tạp. Chúng tôi đã chuyển giao toàn bộ các tài liệu và chứng cứ cần thiết mà chúng tôi thu thập được tại Nhật Bản và hiện phía VN đang kiểm tra các tài liệu và chứng cứ này. Những người Nhật Bản đưa hối lộ đã bị kết tội. Chúng tôi đang chờ đợi phía Việt Nam trừng phạt người được cho là đã nhận hối lộ.

* Ông có thể cho biết cam kết ODA dành cho Việt Nam? Ông đánh giá thế nào về sự minh bạch trong sử dụng ODA hiện nay?

- Như tôi thông báo hôm nay tổng mức cam kết cho năm tài khóa kết thúc vào cuối tháng 3.2010 là 1,6 tỉ USD trong đó hơn nửa được dành cho các dự án về cơ sở hạ tầng giao thông. Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về việc tăng cường tính minh bạch trong đấu thầu. Chúng tôi đã ký thỏa thuận về việc thực hiện các biện pháp tăng cường tính minh bạch hồi tháng 2.2009 và các biện pháp đó đang được thực hiện để minh bạch hóa việc sử dụng nguồn vốn ODA. Hiện chúng tôi khá hài lòng về tính minh bạch của các dự án ODA của Nhật Bản.

Hương Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.