(Tin Nóng) Quá cảnh Bangkok, Istanbul, lót tót xách hành lý chuyển máy bay hai lần, hơn 16 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được sân bay Ankara, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ để tham quan thành phố nổi tiếng này trước khi đi tiếp đến Angora, quê hương loài dê lông cừu nổi tiếng.
|
Phương tiện giao thông ở Ankara khá dồi dào, tàu điện ngầm metro, xe lửa điện, xe buýt, taxi, chúng tôi chọn xe buýt vừa rẻ vừa ngắm cảnh tha hồ. Xe buýt ở đây nam nữ ngồi riêng, trên xe đường dài còn phục vụ các bữa ăn nhẹ: Bánh mì kẹp thịt, kem, bánh ngọt tại các trạm dừng.
Nhờ núi bao bọc ba phía, phong cảnh Ankara thơ mộng vô cùng. Thành phố pha lẫn nét hiện đại cùng dáng xưa truyền thống thật hài hòa, đang trên đường phố chính Ataturk Boulevard đầy những ngôi nhà cao tầng, kính sáng loáng, xe hơi qua lại ngược xuôi thì cuối phía tây hiện lên kiến trúc gạch đỏ Ankara Opera House với hình tròn mềm mại cùng công viên Gençlik rợp bóng cây xanh. Chỉ quanh quẩn hạt Ulus thôi đã có rất nhiều di tích cổ như lâu đài Ankara - thường được gọi Ankara Citadel hay Ankara Kalesi - sừng sững trên đồi cao hơn 978 mét.
Theo lời đồn thì vua Ankara-Midas đã xây nó, không ai biết đích xác lúc nào nó xuất hiện, từ năm 1101 lâu đài đã từng chứng kiến các cuộc chiến tranh đẫm máu và bị chiếm đóng bởi Seljuq Turks năm 1073, các chiến binh Thập tự chinh năm 1101. Tuy đã điêu tàn, ngày nay vẫn còn các bức tường làm bằng cẩm thạch và gạch đỏ vĩ đại một thời từng bao bọc Ankara khỏi quân xâm lược, đứng trên tường thành nhìn xuống toàn cảnh thành phố thật đẹp.
Chúng tôi đi bộ khám phá hết khu lâu đài, nếu vắng vài chiếc xe hơi trong bãi đậu xe thì mọi người đều tưởng đang lạc về thời xa xưa với các con đường lát đá, nhà cửa bằng gỗ mái ngói cũ kỹ, không gian yên ắng, chủ nhân của các ngôi nhà cổ này vẫn để nguyên vẹn như hàng trăm năm trước khi biến chúng thành nơi bán đồ lưu niệm, cà phê, trái cây khô. Tôi mua đủ thứ mơ, đào, chà là khô, quả óc chó, hạt dẻ ăn đã đời.
Rời Citadel, chúng tôi thăm một loạt bảo tàng nằm gần đó để khám phá lịch sử Ankara, như bảo tàng Cengelhan-Rahmi Koc, bảo tàng Anatolian Civilizations, Ethnographic, State Art and Sculpture. Thánh thất Haci Bayram với bề ngoài gạch đỏ trang nhã, cột tháp cao vút gây ấn tượng trong tôi mặc dù nó không bề thế, huy hoàng; nội thất với những chi tiết, đường viền trang trí dưới nền nhà, cửa ra vào tinh tế, uyển chuyển.
Ngay kế bên là một di tích hoang tàn, bốn bức tường đá đổ nát nhưng chất chứa nhiều câu chuyện thời gian, là đài kỷ niệm Monumentum Ancyranum được xây vào năm 25-20 trước Công nguyên. Roman Baths - nhà tắm cổ của người La Mã cùng cột Column of Julian biểu tượng cho dấu ấn La Mã trong văn hóa Ankara. Phố cổ Hamamönü được thiên hạ khen nức nở quả xứng danh, nhà cửa kiểu Ottoman xinh xắn, duyên dáng tường trắng cửa sổ đỏ, mái ngói đỏ nằm dọc các con đường be bé bán đầy đồ thủ công mỹ nghệ Thổ, cà phê thơm nứt mũi. Lang thang giữa không khí huyền ảo ngàn lẻ một đêm mà tựa bay trong giấc mơ êm đềm.
Trái ngược nét cổ xưa Hamamönü, khu trung tâm Kizilay hiện đại với san sát cửa hiệu, nhà hàng, nhà chọc trời xe cộ nườm nượp, tôi muốn điếc tai khi đi vô đường Sakarya vì tiếng rao bán hàng inh ỏi của mấy người bán hàng rong, bán cá, bán bánh. Tọa lạc giữa chốn ồn ào ấy lại có một viên ngọc chói sáng: Thánh đường Hồi giáo Kocatepe, nóc tròn ba tầng, bốn cột tháp nhọn vươn lên trời cao diễm lệ, được xem như biểu tượng của thành phố.
|
Điểm thu hút đặc sắc nhất của Ankara là các chợ ngoài trời, dưới chân đồi Ankara Kalesi, gần khu Ulus, sau công viên Abdi Ipekçi, cạnh Tomurcuk Sokak… đủ thứ chợ mở ra từ sáng tới tối bán đa loại hàng, đồ lưu niệm, thảm, vải, trái cây tươi, trái cây khô, cá, thịt hun khói, mèo lông xù Ankara, len dê Angora.
Nông dân thường tụ tập ở Ankara Hali-Ulus đổ rau cải, hoa quả do họ trồng, vài cửa hàng phô mai, thịt, olive, cá tươi với giá khá rẻ. Có chợ họp bán vào thứ tư tới thứ bảy, chợ bán ngày thứ hai, chợ bán chủ nhật, người bán ngồi dưới đất, bày hàng trên băng ghế nhỏ, người cắm lều… hết sức vui nhộn.
Suốt mấy ngày rong ruổi trên đường phố Ankara, tôi nhớ nhất tiếng rao “Simitçi. Simitçi. Taze gevrek!” (Simitci simitci giòn rụm nè). Ôi chao cái thứ bánh mì vòng rắc đầy mè ấy sao mà ngon tuyệt trần, nhai rao ráo tan trong miệng, mỗi lần tôi phải ăn hơn chục vòng mới đã thèm. Ankara đúng là thiên đàng của quà vặt mặc dù đa số cay xé lưỡi, gặp döner kebap-bánh kẹp thịt nướng rưới nước sốt nóng hôi hổi chua cay bay mùi thơm nứt mũi, lập tức cả đoàn bốc lia lịa, vừa ăn vừa ngó ông bán hàng quay xiên thịt khổng lồ dài hơn hai mét trên bếp than hồng rực. Ki ốt bán bánh mì kẹp thịt dê hay trừu nướng Kokoreç đầy rẫy khắp nơi, bánh tráng nướng Gözleme hương bơ nực nồng ấm áp cuốn cùng xúc xích sucuk gia dặm rau zucchini phết phô mai kaşkaval lại là đam mê bất tận khi nhâm nhi cùng yaourt dê Ayran.
|
Mục tiêu của chúng tôi diện kiến ngài mùi nên cả đoàn sau đó ngược lên tây bắc cách Ankara 90 km, tới miền núi Güdül. Nông trại dê Angora tiếp đón chúng tôi nồng hậu bằng dĩa bánh mì nóng rắc phô mai dê và ly sữa dê thoang thoảng mùi hoa cúc dại. Khi được dẫn vào chuồng dê hiện đại rộng ít nhất một ngàn mét vuông, có máy vắt sữa, máy sưởi, ai nấy hoa cả mắt trước bầy dê dễ thương quá mức, lông trắng muốt dài nuột nà loăn xoăn hệt mái tóc của các nàng công chúa.
Angora, giống dê đặc biệt nhất trên thế giới vì lông chúng làm ra loại len mohair tốt, bền, bắt sáng hơn tất cả len khác, từng là niềm tự hào của Ankara trước khi Angora được du nhập tràn làn vào Mỹ, châu Phi, Pháp. Dê thuần chủng Angora ở Ankara duy nhất một màu trắng, sau này người ta mới lai tạo thành nâu, đen, đốm.
Trời xuân lành lạnh mà ôm chú dê lông dầy cộm, thơm thơm (dê ở đây được tắm táp kỹ lưỡng hàng ngày) thiệt ấm áp vô cùng. Ngày về gần đến nên chúng tôi chỉ kịp lướt qua công viên Kuguku, công viên Dikmen Vadisi, lăng mộ Anıtkabir. Trên máy báy nhìn lần cuối thành phố Ankara, tháp Atakule cao lồng lộng trời xanh, cổ quàng chiếc khăn len mohair mềm mại, tôi nhớ hoài những chú dê Angora hiền lành, lông loăn xoăn ngộ nghĩnh.
Bài, ảnh: Dương Văn Minh Lộc
>> Mừng Tết Ất Mùi với vang... con dê
>> Săn bắn và nuôi dê hoang ở Úc
>> Thời huy hoàng của dê ở Mỹ
>> Khi con dê trở thành ‘đồng tiền’ chính ở Kenya
>> Năm dê nói chuyện dê: Vang danh dê núi Ninh Bình
>> Mùa xuân ngắm hoa chuông xứ Ashridge
Bình luận (0)