Cách đây 30 năm, Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc, tiên phong trong quá trình cải cách mở cửa kinh tế và có nhiều dự đoán nơi này cũng sẽ đi đầu trong cải cách chính trị. Chính trong chuyến thăm Thâm Quyến mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã kêu gọi cải cách chính trị, thu hút sự chú ý cả trong và ngoài nước.
Global Times dẫn lời Phó tổng thư ký Viện Nghiên cứu phát triển Trung Quốc Lý Lạc Lực nói: “Chính phủ cần một nơi để thí điểm những chính sách cải cách trước khi phổ biến trên toàn quốc như 30 năm trước”. “Cải cách hệ thống phân phối thu nhập, tham nhũng và dân chủ là những vấn đề hàng đầu trong cải cách chính trị”. Thâm Quyến từng được nhắc đến như một điển hình đổi mới khi vào năm 2009 cắt giảm số sở, ngành trong thành phố từ 46 xuống còn 31 cùng nhiều thay đổi khác. “Tuy nhiên, những cải cách này chưa thể tạo đột phá trong hệ thống chính trị”, giáo sư Bạch Trì Lợi của Đại học Bắc Kinh nhận xét với Global Times. Ông Bạch cho rằng nâng cao quyền lực của Quốc hội theo đúng Hiến pháp và cải tiến hệ thống bầu cử đại biểu Quốc hội là những bước mà Thâm Quyến có thể thử trong kế hoạch cải cách chính trị của mình. Theo Global Times, cải cách chính trị tại Trung Quốc rất khó khăn vì chính phủ không đưa ra hướng dẫn lịch trình cụ thể. Tuy nhiên, ông Bạch tin rằng Thâm Quyến đã sẵn sàng cho cải cách nhờ các thành tựu kinh tế, xã hội ổn định và người dân dễ chấp nhận thay đổi.
Trọng Kha
Bình luận (0)