Thảm sát 4 người: 'Mong án thấp nhất' và những tiếng cười ồ

03/11/2015 10:20 GMT+7

(TNO) Hùng chẳng nói chẳng cười. Khuôn mặt Hùng cứ ngây ra. Ngay cả khi chủ tọa phiên tòa tuyên án tử, Hùng cũng chẳng khóc rống lên, hay kêu thất thanh sợ hãi… như những bị cáo khi biết mình bị tuyên án tử ở các phiên xét xử khác. Ngược lại, Hùng tỏ ra rất bình tĩnh.

(TNO) Hùng chẳng nói chẳng cười. Khuôn mặt Hùng cứ ngây ra. Ngay cả khi chủ tọa phiên tòa tuyên án tử, Hùng cũng chẳng khóc rống lên, hay kêu thất thanh sợ hãi… như những bị cáo khi biết mình bị tuyên án tử ở các phiên xét xử khác. Ngược lại, Hùng tỏ ra rất bình tĩnh.

Đặng Văn Hùng tại phiên tòaĐặng Văn Hùng tại phiên tòa
Ngay khi vừa bị tuyên án tử hình sau vụ thảm sát 4 người trong một gia đình ở xã Lâm Giang, Đặng Văn Hùng (26 tuổi, ngụ ở thôn Cài, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bi áp giải ra xe thùng, về trại giam.
Như vậy, sau đúng 2 tháng 16 ngày Hùng gây án, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái quyết định đưa bị cáo này ra xét xử lưu động tại Trung tâm Văn hóa – thông tin và thể thao của huyện Văn Yên.
Cũng như lúc bị Công an tỉnh Yên Bái bắt giữ vào sáng 15.8, khi đang lẩn trốn tại khu vực rừng giáp ranh giữa thôn 2 và thôn 3 thuộc xã Khánh Ngọc (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), khi đứng trước vành móng ngựa sáng 28.9, Hùng chẳng có vẻ hoang mang, sợ hãi.
Ngược lại, Hùng chẳng nói chẳng cười. Khuôn mặt Hùng cứ ngây ra, chẳng biểu lộ cảm xúc. Ngay cả khi Chủ tọa phiên sơ thẩm là thẩm phán Hoàng Trọng Hồng, Chánh tòa hình sự tỉnh Yên Bái, tuyên Hùng án tử, Hùng cũng chẳng kêu gào, khóc rống lên, hay hét thất thanh sợ hãi… như những bị cáo khi nghe mình bị tuyên án tử, ở các phiên xét xử khác. Ngược lại, Hùng tỏ ra rất bình tĩnh.
Hàng nghìn người đến theo dõi phiên xét xử
Được nói lời sau cùng, bị cáo Hùng ráo hoảnh: “Trong thời gian bị cáo bị bắt ở tù, bị cáo nhận thức thấy việc mình làm sai pháp luật, chỉ mong tòa xử cho bị cáo mức án thấp nhất”. Phía sau lưng Hùng, hàng nghìn người dân tham dự phiên xử lưu động cười ồ. Và chẳng biết vô tình, hay hữu ý, Hùng cũng cười theo.
Trước đó, Hùng cũng khiến cho hàng nghìn người tới dự phiên tòa lưu động phải cười, khi vị chủ tọa hỏi “Bố bị cáo tên gì, thường trú ở đâu”. Hùng khai “Bố bị cáo tên Mìu, đang ở tòa”. Còn khi tòa hỏi: “Tại sao đang học lớp 1 lại nghỉ” thì Hùng khai tới hai lần: “Bây giờ đã nhận thức được mình sai và xin tòa giảm cho tí tội”.
Trong khi đó, người vợ cũ của nạn nhân Trần Văn Long (32 tuổi, ngụ ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) lại tỏ rõ sự lo lắng và trả lời: “Tôi không muốn dính dáng gì đến bị cáo và vụ án này”. Khi được tòa hỏi về yêu cầu cấp dưỡng cho con gái đối với bị cáo Đặng Văn Hùng, phải nghe tòa giải thích tới lần thứ ba, chị này mới hiểu rõ, cũng như đủ bình tĩnh để trả lời và yêu cầu bị cáo Hùng cấp dưỡng 200.000 đồng tiền nuôi cô con gái mỗi tháng…
Giữa phiên xét xử, vị chủ tọa phải lên tiếng nhắc nhở: “Bị cáo và những người liên quan là người dân tộc Dao, trình độ văn hóa hạn chế. Có những câu hỏi của tòa họ chưa hiểu nên trả lời không đúng trọng tâm, đề nghị người dân tham dự phiên xử thông cảm, không cười và giữ trật tự”.
Bị cáo Hùng được áp giải về trại giam 
Có mặt tại tòa, luật sư Phan Trọng Khang (Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Yên Bái), người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Hùng) thì cho biết: ra tay giết tới 4 mạng người, có cả trẻ em, nhưng khi tiếp xúc với luật sư trong tù, Hùng cũng chỉ nghĩ mình sẽ bị đi tù vài năm và vẫn nhờ vị luật sư này nhắn với người yêu mình là cố đợi anh ta về.
Chứng kiến điều này, luật sư Khang cảm thấy vô cùng đau xót, bởi không chỉ bị cáo mà cả những người liên quan được mời tới tòa, trình độ văn hóa cũng như hiểu biết pháp luật còn vô cùng thấp và hạn chế. Luật sư Khang chỉ rõ đây là một trong những nguồn cơn dẫn đến nhiều vụ việc đau lòng.
Kết thúc phiên xét xử, ông Đặng Văn Mìu (bố đẻ Hùng) với đôi mắt đỏ hoe, đứng dựa lưng vào góc tường, nhìn theo chiếc xe thùng chở phạm nhân đưa con mình vào trại. Ông Mìu rầu rĩ: “không thể khác được, Hùng gây tội thì phải đền tội, giờ chúng tôi cũng không biết phải làm gì, còn cuộc sống thì vẫn phải tiếp diễn”.
Theo cáo trạng, khoảng 16 giờ ngày 12.8, bị cáo Đặng Văn Hùng đi bộ lên lán để phát nương (thôn 16, xã Lâm Giang). Khi đi, Hùng mang theo một con dao quắm và một con dao rựa. Khi còn cách lán nương khoảng 300 m, Hùng gặp vợ chồng anh Trần Văn Long (32 tuổi) và chị Phàn Thị Hoa (20 tuổi) đều cùng ngụ tại xã Lâm Giang, đang làm nương và phun thuốc diệt cỏ.
Cho rằng vợ chồng anh Long đang làm nương trên phần đất của gia đình mình, Hùng đã gây sự rồi dùng chân đá vào mặt anh Long, khiến anh Long ngã xuống đất. Thấy vậy, anh Long bảo vợ là chị Hoa gọi điện về cho ông Phàn Văn Chung.
Thấy anh Long bỏ chạy, nên Hùng đuổi theo và dùng dao rựa chém liên tiếp nhiều nhát vào vùng cổ, vùng vai anh Long. Hậu quả anh Long chết tại chỗ. Ra tay với anh Long xong, Hùng quay trở lại chỗ chị Hoa và tiếp tục dùng dao chém chị Hoa đến chết.
Sau khi gây án, Hùng cầm dao đi xuống lán nương của vợ chồng anh Long thì gặp em Phàn Thị Hà (15 tuổi, em gái của chị Phàn Thị Hoa) và vung dao chém liên tiếp nhiều nhát trúng cổ khiến Phàn tử vong tại chỗ. Khi vào trong lán, thấy cháu Trần Văn Tuyền (2 tuổi, con trai của vợ chồng anh Long) đang đứng ở đầu giường, Hùng tiếp tụ dùng dao chém vào cổ cháu bé, khiến cháu Tuyền tử vong ngay sau đó.
Sau khi tước đoạt mạng sống của 4 người, Hùng rủ người yêu mình là chị Nguyễn Thị Hán (36 tuổi, ngụ tại xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) bỏ trốn cùng. Trên đường đi Hùng kể cho chị Hán chuyện hắn đã giết vợ chồng anh Long và nói có ý định tự tử. Chị Hán đã can ngăn và khuyên Hùng ra đầu thú nhưng người này không nghe.
Khoảng 500 cảnh sát được huy động truy tìm Hùng suốt ngày đêm. Tới sáng ngày 15.8, Hùng bị cơ quan công an bắt giữ khi đang lẩn trốn tại khu vực rừng giáp ranh giữa thôn 2 và thôn 3 thuộc xã Khánh Ngọc (H.Lục Yên, tỉnh Yên Bái).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.