Liên quan đến việc 10.000 chữ ký xin giảm án cho Vũ Văn Tiến, người bị tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm vụ thảm sát ở Bình Phước, một số chuyên gia đã đưa ra phân tích về giá trị pháp lý của những chữ ký này.
Vũ Văn Tiến bật khóc tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Ngọc Lê |
Theo đó, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, tình tiết này không thuộc tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành. Ngoài ra, tình tiết này có được HĐXX phúc thẩm coi là tình tiết giảm nhẹ hay không phải được xem xét cụ thể. Bởi, khoản 2, Điều 46, BLHS hiện hành quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.
Còn LS Nguyễn Hữu Thục (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nêu ý kiến, việc xem xét giảm nhẹ hình phạt do HĐXX xem xét đánh giá theo các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 46 BLHS. Theo đó, 10.000 chữ ký cũng không có ý nghĩa gì nếu như đánh giá vai trò, mức độ nguy hiểm trong hành vi phạm tội của bị cáo là nặng. Theo quy định tại khoản 2, Điều 46 thì HĐXX vẫn có thể xem xét những tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ và tình tiết đó phải ghi rõ trong bản án.
Chữ ký xin giảm án cho Tiến - Ảnh: Ngọc Lê
|
LS Chánh phân tích, trên thực tế, việc trước hay trong phiên tòa, bị cáo được nhiều người dân sống cùng địa phương hay nạn nhân làm đơn xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cũng đã có nhiều. Tuy nhiên, việc bị cáo Tiến được khoảng 10.000 chữ ký để mong HĐXX phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt tha tội chết cho Tiến là việc ít xảy ra. Đặc biệt đây là vụ án mà dư luận rất bất bình, căm phẫn về hành vi giết người của các bị cáo. “Việc có chấp nhận đơn kháng cáo để giảm hình phạt cho Tiến hay không thì phải chờ phán quyết của HĐXX phúc thẩm. Nhưng riêng quan điểm cá nhân tôi thì bớt đi một án tử hình trong vụ án này là cứu được một mạng người, và bớt đi một nỗi đau cho một gia đình, nhất là cha, mẹ của Tiến”, LS Chánh nói.
“Xét về góc độ nào đó thì hình phạt tử hình mang tính trừng trị nhiều hơn là giáo dục, cải tạo hay răn đe người khác. Vì cái gốc của tội ác là “lỗ hổng” trong giáo dục của “kiềng ba chân”: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Còn hình phạt nặng chỉ giáo dục, cải tạo hay răn đe trong giới hạn nhất định mà thôi”, LS Chánh bày tỏ quan điểm.
Trước đó, ngày 17.3, LS Lê Văn Nam (người bào chữa miễn phí cho Vũ Văn Tiến trong phiên tòa sơ thẩm) cho biết, trước phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra, đã có khoảng 10.000 chữ ký xin giảm án cho Tiến. Theo LS Nam, cha mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến đã đến gặp ông nhờ tiếp tục bào chữa cho Tiến trong phiên phúc thẩm.
Theo lịch xét xử của tòa án, sáng 21.3, TAND cấp cao tại TP.HCM sẽ xét xử phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước theo đơn kháng cáo của Tiến và Trần Đình Thoại.
Ngày 17.12.2015, TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) án tử hình, 8 năm tù về tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình; Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) lãnh án tử hình về tội giết người, 7 tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là tử hình và Trần Đình Thoại (27 tuổi, ngụ Vĩnh Long, cùng tạm trú TP.HCM) bị tuyên 13 năm tù về tội giết người, 3 năm tù vì tội cướp tài sản, tổng hình phạt là 16 năm tù.
Ngay sau tòa tuyên án, Tiến và Thoại đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng Dương không kháng cáo. Gia đình nạn nhân có đơn kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với Thoại.
Theo hồ sơ, vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại xã Minh Hưng, H.Chơn Thành (Bình Phước).
Cả 6 nạn nhân đều bị đâm bằng dao vào vùng ngực trái và cổ, tử vong tại hiện trường, gồm ông Lê Văn Mỹ (48 tuổi), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ); Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi), Lê Quốc Anh (15 tuổi, con ông Mỹ); Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi) và Dư Minh Vỹ (14 tuổi; cháu ông Mỹ). Tất cả đều bị trói tay ra sau lưng, riêng bà Nga và Linh còn bị bịt mắt bằng khăn vải. Người duy nhất sống sót là Lê Thị G.L. (22 tháng tuổi), con gái út của ông Mỹ.
|
Bình luận (0)