Thảm sát ở Bình Phước: Thờ ơ với hành vi bất minh

18/12/2015 17:52 GMT+7

Nhân chứng đã phát hiện và nghi ngờ 2 đối tượng khả nghi đang đứng trước nhà ông Mỹ nhưng lại bỏ đi vì sợ trễ… chợ.

Nhân chứng đã phát hiện và nghi ngờ 2 đối tượng khả nghi đang đứng trước nhà ông Mỹ nhưng lại bỏ đi vì sợ trễ… chợ.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 17.12 - Ảnh: Đào Ngọc ThạchCác bị cáo tại phiên tòa ngày 17.12 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước diễn ra vào ngày hôm qua (17.12), thẩm phán Nguyễn Hữu Trí, Chủ tọa phiên tòa đã thẩm vấn anh Trương Hồng Tiên và Nguyễn Ngọc Hiếu, nhân chứng đã phát hiện hai đối tượng đứng trước nhà ông Lê Văn Mỹ (Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến chờ cháu Dư Minh Vỹ ra mở cổng) với dấu hiệu bất minh trước thời điểm gây án.
Theo trình bày của Trương Hồng Tiên (tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng) vào khoảng 2 giờ 40 ngày 7.7, Tiên làm thịt heo cho ông chủ gần đó rồi cùng với Nguyễn Ngọc Hiếu chở ra chợ giao cho khách hàng. “Khi chạy ngang qua nhà ông Mỹ, tôi thấy có 2 đối tượng dừng xe đứng phía trước cổng với thái độ lấm la lấm lét nên để ý. Tôi chạy xe chậm và quay đầu nhìn lại. Thằng em (Hiếu-PV) đi chung, chạy phía sau có hỏi: Anh làm gì mà ngó dữ vậy? Tôi nói: hai thằng này chắc âm mưu gì đây mà thấy lấm la lấm lét lắm. Thằng em nói: Chắc nó canh ăn trộm gì đó. Nói xong tôi đi luôn. Khoảng 6 giờ 30 quay về ngang qua nhà ông Mỹ thấy đông người nên vào và ngăn mọi người giữ hiện trường để công an điều tra. Lúc này anh em tôi mới sực nhớ lại lúc khuya đi ngang qua và nghi ngờ 2 người này là hung thủ”, Tiên trình bày.
Tại phiên tòa, bà Trinh (với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan) đã được LS của phía bị hại và Chủ tọa nhiều lần thẩm vấn về việc bà có biết kế hoạch gây án của Dương hay không - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chủ tọa Trí: “Anh thấy hành vi khả nghi nhưng bỏ qua luôn phải không?”. Tiến: “Nói chung, công việc (chở thịt heo ra chợ-PV) đi làm cho người ta nên không thể nào dừng lại để tra hỏi. Đi đêm khuya thì thấy nghi ngờ vậy thôi, chứ đâu biết người ta làm gì”.
Còn nhân chứng Nguyễn Ngọc Hiếu cũng trình bày: “Đúng là đêm đó, 2 anh em tôi chở thịt heo ra chợ. Ảnh đi trước mà chứ quay đầu lại nên tôi có hỏi lý do, ảnh nói hai cái thằng kia kìa nó đang chuẩn bị làm gì hay bắt chó gì đó. Lúc này, tôi cũng có nhìn lại thấy bên đường có dựng 1 chiếc xe Wave đời cũ màu xanh có người ngồi trên xe và 1 người mặc áo đen đội nón bảo hiểm đứng phía sau chiếc xe. Do phải giao hàng nên bỏ chạy đi luôn”.
Ngoài ra, chủ tọa phiên tòa cũng như luật sư (LS) đại diện cho phía bị hại đã thẩm vấn bà Nguyễn Thị Trinh, dì ruột của bị cáo Nguyễn Hải Dương (tham gia phiên tòa với tư cách người có nghĩa vụ liên quan).
Bà Trinh được nêu trong cáo trạng, là người đưa xe gắn máy biển số 62H-2818 chở Dương mang theo ba lô (bên trong đựng hung khí gây án như súng điện, súng bắn bi, dao bấm, gang tay…) đến nhà ông Mỹ để gặp và cho tiền cháu Vỹ trong lúc 1 giờ 30 ngày 4.7 cũng như cho Dương cất giấu ba lô đựng hung khí gây án trong nhà. Quá trình điều tra, bà Trinh khai không biết hành vi của mình là giúp sức cho Dương phạm tội nên được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại tòa, bà Trinh khai khuya ngày 3.7 vừa mới ở quê lên và được Dương rủ đi Bình Phước lấy đồ nên đồng ý. Khoảng gần 2 giờ sáng 4.7, khi đến ngã 3 cách nhà ông Mỹ 500m, bà Trinh xuống xe còn Dương cầm ba lô xuống gặp Vỹ. Sau đó, Dương chở Trinh về xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn) rồi đưa ba lô cho bà Trinh nói đem về bỏ vào tủ gỗ của Dương để ở phòng trọ của bà Trinh. Bà Trinh cũng khai tủ gỗ này do Dương mua trước đó với ý định cất giữ hung khí.
Chủ tọa hỏi: “Có biết bên trong đựng gì không?”. Bà Trinh khai: “Do không mở ra xem nên không hay biết bên trong là gì”. LS bị hại thắc mắc: “Bà chính là người cầm ba lô Dương đưa cất vào tủ... Thấy nặng mà không mở xem, không nghi ngờ sao?”. Bà Trinh trả lời: “Có hỏi bên trong ba lô là gì nhưng Dương không trả lời, là cháu ruột nên không nghi ngờ”.
Trao đổi với Thanh Niên, đại úy Nguyễn Nam Hào (Bộ Công an) cho rằng, trong vụ án này bà Trinh quá thờ ơ với hành vi bất minh của Dương.
Một số ý kiến cho rằng, nếu những người thấy hành vi và biểu hiện bất thường của các bị cáo không thờ ơ thì hậu quả của vụ thảm án đã được giảm thiểu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Giữa khuya, Dương chở Trinh đi từ TP.HCM đến tận Bình Phước rồi lại quay về. Trên đường đi, Dương còn lấy điện thoại của Trinh để lắp sim khác nhắn cho Vỹ, rồi đưa ba lô hung khí cho Trinh cất… Người nhận thức bình thường thì cũng thấy rõ đây là một loạt việc làm bất minh. Vậy mà bà Trinh lại không hỏi, không tìm hiểu nên không có điều kiện ngăn chặn kịp thời hành vi tàn ác của Dương. Hành vi của bà Trinh thể hiện sự thờ ơ, vô trách nhiệm đối với vai trò một người dì với cháu của mình và của một công dân đối với xã hội nói chung”, đại úy Hào nói.
Cũng theo theo đại úy Hào, cả 2 người đi giao thịt heo cũng vậy. Họ thấy Dương và Tiến mờ ám trước cổng nhà dân, nghi trộm chó... nhưng không đến hỏi, xem là ai để vụ án đau lòng xảy ra. “Sự thờ ơ như thế là trường hợp phổ biến trong xã hội ngày nay. Nếu trong vụ án này, bà Trinh, ông Hiếu và Tiên có tinh thần cảnh giác hơn, có trách nhiệm hơn thì có lẽ hậu quả đáng tiếc có thể giảm bớt hoặc ngăn ngừa được phần nào”, đại úy Hào nói tiếp.
Theo đại úy Hào, những hành vi tương tự như vậy cần được nhắc nhở, cảnh cáo để nêu cao tinh thần phòng chống tội phạm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. “Nói chung tinh thần cảnh giác đối với tội phạm của người dân nhìn chung còn hạn chế nên nhiều vụ việc tội phạm xảy ra còn phổ biến do sự thờ ơ, ngại va chạm, ngại trách nhiệm của người dân”, theo đại úy Hào.
Do đó, cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương cần có biện pháp phổ biến, nhắc nhở người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, hướng dẫn, cung cấp đường dây nóng để người dân dễ trình báo kịp thời đối với các trường hợp phát hiện các đối tượng có hành vi đáng ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.