Các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts và trường Y Harvard (Mỹ) đã tạo ra những nguyên mẫu của thiết bị theo dõi ung thư, đủ nhỏ để gắn vào lỗ kim phẫu thuật sinh thiết. Các vi hạt bên trong thiết bị có thể bám vào những phân tử liên quan đến bệnh ung thư ở khu vực mổ sinh thiết, hình thành những khối cực nhỏ có thể được phát hiện bằng máy chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI) bên ngoài.
Nhóm chuyên gia do giáo sư Michael Cima chủ trì đã thử nghiệm thiết bị trên ở chuột. “Thiết bị này có độ nhạy cao. Ở chuột mắc bệnh ung thư, chúng tôi phát hiện bệnh bằng sự thay đổi trong hình ảnh cộng hưởng từ”, ông Cima nói. Những hạn chế của các cuộc phẫu thuật sinh thiết đã dẫn đến ý tưởng chế tạo thiết bị trên. “Phẫu thuật sinh thiết là tiêu chuẩn vàng cho việc chẩn đoán. Nhưng hạn chế của nó là bạn chỉ xác định mô bệnh học khối u vào thời điểm bạn lấy mô”, ông nói.
Trong khi đó, thiết bị do nhóm nghiên cứu của giáo sư Cima có thể cung cấp thông tin liên tục. Chẳng hạn, thay vì áp dụng liệu pháp hóa trị và chờ một thời gian, các bác sĩ có thể sớm nhìn thấy những dấu hiệu về việc liệu pháp trên có phát huy hiệu quả hay không. Trong tương lai, thiết bị không chỉ cảm nhận và báo cáo tình trạng bệnh mà còn có thể tham gia chữa trị bệnh.
Công nghệ hạt nano từ được sử dụng trong thiết bị do Ralph Weissleder, giáo sư trường Y Harvard, chế tạo. Weissleder nói rằng công nghệ này có thể giúp ích cho bác sĩ khi bệnh nhân thắc mắc liệu một khối u có phản ứng với một liệu pháp nào đó không. Trong tương lai, có thể không cần đến một chiếc máy MRI cỡ lớn đọc thông tin từ thiết bị trên. Nhóm của giáo sư Cima đang chế tạo phiên bản khác của thiết bị, sử dụng một cuộn kim loại có thể hoạt động như một anten. Phiên bản này có thể được đọc bằng một máy dò cộng hưởng từ cầm tay.
Khang Huy
(Theo Times of India)
Bình luận (0)