Tham vọng của hải quân Ấn Độ bị cản trở

16/12/2014 07:00 GMT+7

Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hải quân trở thành lực lượng có sức mạnh toàn cầu nhưng tình trạng quan liêu và thiếu sót về kỹ thuật khiến nhiều dự án đóng tàu bị hoãn hoặc chậm tiến độ.

Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực phát triển hải quân trở thành lực lượng có sức mạnh toàn cầu nhưng nhưng tình trạng quan liêu và thiếu sót về kỹ thuật khiến nhiều dự án đóng tàu bị hoãn hoặc chậm tiến độ.

Tham vọng của hải quân Ấn ĐộTàu ngầm hạt nhân INS Arihant sẽ chạy thử nghiệm trên biển trong vài ngày tới - Ảnh: India Defence
Ngày 15.12, tờ Times of India đưa tin trong vài ngày tới tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Arihant sẽ bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển.
INS Arihant có độ choán nước 6.000 tấn và được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân K-15 với tầm bắn 750 km. Đây là chiếc đầu tiên trong số 5 hoặc 6 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo (SSNB) lớp Arihant mà Ấn Độ dự kiến đóng. Hồi tháng 10, New Dehi cũng đã thông qua đề xuất đóng 6 tàu ngầm hạt nhân không mang tên lửa đạn đạo.
Phát triển lực lượng nước xanh
Những dự án trên được cho là nằm trong tham vọng của Ấn Độ phát triển hải quân thành lực lượng nước xanh, tức có năng lực hoạt động ở các vùng biển xa, đủ sức bao quát Ấn Độ Dương và bảo vệ lợi ích của nước này ở những vùng biển khác như Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân.
Ngoài tàu ngầm, theo chuyên san quốc phòng châu Á DRA (Singapore), Ấn Độ đang thực hiện nhiều dự án đóng tàu hiện đại khác như đóng 2 tàu sân bay nội địa đầu tiên lớp Vikrant. Chiếc thứ nhất mang tên INS Vikrant có độ choán nước hơn 40.000 tấn, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2018. Chiếc thứ hai INS Vishal dự kiến có độ choán nước 65.000 tấn sẽ được đưa vào biên chế hải quân năm 2025.
Xây dựng căn cứ tương tự như ở Hải Nam
Hải quân Ấn Độ sẽ có căn cứ mới mang tên Varsha trên vịnh Bengal vào năm 2021 hoặc 2022. Đây sẽ là căn cứ của tàu sân bay INS Vikrant, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSNB) lớp Arihant và nhiều tàu chiến hiện đại khác. Căn cứ Varsha sẽ có chức năng tương tự căn cứ Du Lâm dành cho SSNB của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, theo chuyên san DRA.
Ngoài ra, còn phải kể đến những tàu chiến lợi hại khác sắp được hoàn thành như tàu hộ tống tàng hình đa nhiệm lớp Shivalik 5.300 tấn hay 4 khu trục hạm 8.000 tấn, được trang bị tên lửa hành trình Nirbhay, tên lửa chống tàu siêu thanh BrahMos-2 và tên lửa đất đối không Barak 8. Theo DRA, các xưởng ở Ấn Độ đang gấp rút đóng tổng cộng 41 tàu chiến và trong thập niên tới, hạm đội của hải quân nước này sẽ tăng từ 140 lên 200 chiếc.
Những thách thức
Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa hải quân của Ấn Độ gặp không ít sự cố chết người lẫn nhiều vấn đề khác. Gần đây nhất, ít nhất 1 thủy thủ thiệt mạng và 4 người mất tích trong khi một tàu trục vớt thủy lôi chìm khi đang diễn tập ngày 23.11. Hồi tháng 3.2014, một sĩ quan thiệt mạng và 2 công nhân bị thương do sự cố trên khu trục hạm INS Kolkata, chỉ một tuần sau khi tàu ngầm lớp Kilo INS Sindhuratna gặp nạn lúc đang chạy thử làm 2 người chết và 7 người bị thương. Đó là sự cố chết người thứ 11 của hải quân Ấn Độ kể từ tháng 8.2013, khiến Tham mưu trưởng D.K.Joshi phải từ chức.
Bên cạnh đó, theo DRA, tình trạng quan liêu và thiếu sót về kỹ thuật cũng khiến nhiều dự án đóng tàu bị hoãn hoặc chậm tiến độ. Tàu ngầm INS Arihant đáng lẽ đã chính thức hoạt động năm 2011 nhưng đến tận bây giờ mới bắt đầu chạy thử sau nhiều lần bị trì hoãn. Ngay cả dự án đóng 2 tàu sân bay nội địa lớp Vikrant cũng bị tạm ngưng một thời gian trong năm nay do thiếu nguồn vay.
Trong bài bình luận đăng trên tờ Japan Times, nhà phân tích Harsh V.Pant tại Trường King’s College London (Anh) cho rằng việc sản xuất khí tài quân sự nội địa của Ấn Độ bị cản trở bởi những vấn đề về kỹ thuật và tổ chức, dẫn đến chậm trễ nghiêm trọng trong việc phát triển công nghệ quốc phòng và các chương trình vũ khí chủ lực cho hải quân nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.