Tham vọng của Trung Quốc ở Nam Cực

Khánh An
Khánh An
19/11/2018 08:30 GMT+7

Trung Quốc chuẩn bị xây sân bay đầu tiên và cơ sở thứ 5 ở Nam Cực, dẫn đến lo ngại về việc nước này nhảy vào tranh chấp trong khu vực.

Theo tờ Shanghai Daily, tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc đang chở 351 người và trang thiết bị trên đường đến Nam Cực để xây dựng trạm nghiên cứu thứ năm cũng như hoàn thành giai đoạn 2 của trạm nghiên cứu Đài Sơn. Bên cạnh đó, nước này còn có 3 trạm khác gồm Trường Thành, Trung Sơn và Côn Lôn ở khu vực. Đáng chú ý, đoàn cũng sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi cho kế hoạch xây dựng sân bay trên băng cách trạm Trung Sơn khoảng 28 km.
Trước đó, giới địa chất Trung Quốc đã mất 1 năm nghiên cứu và quan trắc sự thay đổi của mặt băng để chọn địa điểm xây sân bay. Các chuyên gia cũng đặt thiết bị theo dõi khí tượng trước khi máy móc hạng nặng được đưa đến để nén lớp đất đóng băng vĩnh cửu làm đường băng dài khoảng 1,5 km. Hiện Trung Quốc có chiếc Tuyết Ưng 601 được cải tạo từ mẫu máy bay vận tải C-47 của Mỹ hoạt động tại 2 đường băng tạm của nước này ở Nam Cực. Theo tờ Science and Technology Daily thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, sân bay mới sẽ phục vụ các máy bay lớn hơn cũng như xây dựng mạng lưới giao thông hàng không ở Nam Cực trong tương lai. “Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ có tiếng nói trên thế giới trong việc quản lý không phận ở Nam Cực”, tờ báo viết. Chưa hết, Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc vừa hạ thủy tàu Tuyết Long 2 trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động ở các vùng biển xa như Nam Cực. Con tàu dài 122,5 m và rộng 22,3 m với lượng choán nước 13.990 tấn dự kiến hoạt động vào năm 2019 với khả năng phá các lớp băng dày đến 3 m.
Trước các dự án rầm rộ của Trung Quốc ở Nam Cực, giới phân tích cảnh báo về khả năng nước này có thể tuyên bố chủ quyền tại lục địa giàu tài nguyên khoáng sản và dầu mỏ, theo trang News.com.au. Hiệp ước Nam Cực không công nhận chủ quyền của bất cứ quốc gia nào tại đây nhưng Úc, Argentina, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Anh đều đơn phương đưa ra tuyên bố chủ quyền chồng lấn một số khu vực. Theo Giáo sư Donald Rothwell thuộc Trung tâm luật quân sự và an ninh Úc, tình hình sẽ càng thêm phức tạp nếu có thêm một bên mới nhảy vào Nam Cực và sẽ ảnh hưởng xấu đến công cuộc bảo tồn cũng như khai thác bền vững tại vùng cực nam trái đất. “Bất cứ ai hiện diện nhiều tại Nam Cực đều quan tâm đến nguồn tài nguyên khoáng sản và thủy sản lớn ở đây”, ông nói với News.com.au. Tương tự, Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) ra báo cáo viết: “Trung Quốc đang gây dựng căn cứ để gia tăng hiện diện và có thể nhằm tuyên bố chủ quyền, đồng thời chưa bao giờ dừng khai thác khoáng sản ở Nam Cực”. Trong khi đó, Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ (CSBA) nhận định về viễn cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Úc, nước có tuyên bố chủ quyền lớn nhất ở Nam Cực hiện nay. “Các bên cần có chính sách ngăn ngừa sớm mâu thuẫn và đảm bảo không xảy ra xung đột ở Nam Cực”, theo CSBA.
Trì hoãn bảo tồn
Theo Đài Deutsche Welle, các thành viên Công ước về bảo tồn nguồn lợi ở biển Nam Cực (CCAMLR) đã không thông qua được kế hoạch thành lập 3 khu bảo tồn đại dương tại cuộc họp thường niên mới đây ở Úc. Dù được EU cùng 21 nước ủng hộ, nhưng kế hoạch chưa được thông qua do thiếu phiếu thuận từ Trung Quốc, Nga và Na Uy. Kế hoạch nhằm biến 3 khu vực với tổng diện tích 1,8 triệu km2 thành các khu bảo tồn nhiều loại sinh vật như chim cánh cụt, cá voi sát thủ, cá voi xanh và hải cẩu báo với thỏa thuận cấm săn bắn và thăm dò, khai thác dầu khí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.