Tham vọng hạ bệ kênh đào Panama

26/12/2014 09:20 GMT+7

Dự án kênh đào Nicaragua bị người dân phản đối quyết liệt bất chấp viễn cảnh tốt đẹp được nhà đầu tư vẽ ra từ công trình 50 tỉ USD này.

Dự án kênh đào Nicaragua bị người dân phản đối quyết liệt bất chấp viễn cảnh tốt đẹp được nhà đầu tư vẽ ra từ công trình 50 tỉ USD này.
Người biểu tình bị thương trong vụ đụng độ ngày 24.12Người biểu tình bị thương trong vụ đụng độ ngày 24.12 - Ảnh: Reuters
Ngày 24.12, hàng chục người bị thương trong vụ đụng độ giữa cảnh sát đặc nhiệm và người biểu tình phản đối việc xây dựng kênh đào Nicaragua nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Reuters dẫn lời Tổng trưởng Cảnh sát Nicaragua Aminta Granera cho biết hàng ngàn người phong tỏa tuyến đường cao tốc gần thủ đô Managua và khoảng 300 người đã dùng súng, dao rựa, gạch đá tấn công lực lượng an ninh, buộc họ chống trả bằng hơi cay và đạn cao su.
Hơn 30 người biểu tình đã bị bắt giữ. Theo chính quyền, những người bị thương bao gồm 15 cảnh sát và 6 dân thường. Trong khi đó, những người tổ chức biểu tình tố cáo nhà chức trách “đàn áp mạnh tay” và khẳng định có đến hơn 40 người bị thương.
100 năm trong tay nước ngoài
Làn sóng phản đối dâng cao sau khi Nicaragua ngày 22.12 chính thức khởi công xây dựng kênh đào chi phí 50 tỉ USD nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama nổi tiếng cách đó 1.200 km cũng như vực dậy nền kinh tế của quốc gia nghèo thứ hai châu Mỹ.
Nhà đầu tư lớn nhất và chịu trách nhiệm thi công là một liên doanh do Tập đoàn HKND có trụ sở ở Hồng Kông đứng đầu. Tờ El Nuevo Diario của Nicaragua dẫn thỏa thuận giữa hai bên cho biết nhà đầu tư sẽ được trao quyền vận hành, khai thác kênh trong 50 năm và có thể gia hạn lên đến 100 năm.
Trong 10 năm đầu, HKND sẽ trả Nicaragua 10 triệu USD/năm, sau đó chia lợi nhuận cho nước này ở mức 1% và tăng dần về sau. Sau khi thời hạn khai thác kết thúc, toàn bộ cơ sở hạ tầng của kênh đào sẽ được bàn giao cho chính quyền sở tại.
Kênh đào dự kiến hoàn thành trong 11 năm, được kỳ vọng sẽ tạo ra 40.000 việc làm trong thời gian thi công và chiếm 4,5% khối lượng giao thương hàng hải toàn cầu, giúp tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người của Nicaragua. Đi kèm với kênh đào là 2 cảng biển, 1 sân bay, 1 khu du lịch và 1 khu thương mại tự do mới, theo trang tin Market Watch.
Vị trí 2 kênh đào ở Panama và Nicaragua - Ảnh: Daily Mail/Đồ họa: Phúc Hải 
“Bước chuyển địa chính trị”
Đến nay, các nghiên cứu về kỹ thuật, môi trường và tài chính của dự án vẫn được giữ kín. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ kênh đào Nicaragua dài 278 km, gần gấp 4 lần kênh đào Panama, băng qua hồ Nicaragua, chạy ngang khu rừng mưa nhiệt đới và ít nhất 40 ngôi làng trước khi kết thúc tại cửa sông Punta Gorda.
Từ đó, AFP dẫn lời các chuyên gia cảnh báo nguy cơ hủy hoại môi trường và ảnh hưởng nặng nề cuộc sống của người dân địa phương lẫn nhiều loài động vật quý hiếm như rùa biển. Khoảng 30.000 nông dân và người bản địa thuộc các nhóm thiểu số Rama và Nahua sống dọc tuyến kênh đã phải di dời.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của dự án. “Sinh sau đẻ muộn” và lại dài hơn nên kênh Nicaragua rất khó cạnh tranh chưa kể mức thu phí tàu bè không thể thấp hơn kênh Panama.
Bản thân chính quyền Panama cũng đang ra sức nâng cấp kênh đào của mình với dự án mở rộng trị giá 5,2 tỉ USD dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Vì thế, chuyên gia tư vấn Eduardo Lugo nhận định trên tờ The Christian Science Monitor: “Theo tôi, sẽ không có đủ lượng tàu bè lưu thông cần thiết để dự án kênh đào Nicaragua có thể lấy lại vốn chứ đừng nói là có lời”.
Nguồn vốn của dự án cũng là đề tài bàn tán khi không có nhiều thông tin được công bố. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi đầu năm, ông chủ Tập đoàn HKND Vương Tĩnh cho biết đã phải “móc tiền túi” 10 triệu USD/tháng khi công tác chuẩn bị cho dự án tăng tốc. Ông Vương tỏ ra ngần ngại khi được hỏi có tìm cách xin hỗ trợ hay vay vốn từ chính phủ Trung Quốc hay không.
Mặt khác, dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định chính phủ nước này “không liên quan” đến dự án kênh đào Nicaragua, theo tờ China Daily nhưng nhiều chuyên gia vẫn xem đây là dấu ấn lớn nhất của nước này ở Trung Mỹ, nơi vẫn bị coi là “sân sau” của Mỹ.
“Các đối tác bên ngoài đang tận dụng cơ hội đến từ căng thẳng giữa Mỹ và nhiều nước Mỹ La tinh. Một kênh đào bề thế mang dấu ấn Trung Quốc ở giữa châu Mỹ sẽ là biểu tượng sinh động cho những dịch chuyển nhanh chóng về địa chính trị”, chuyên gia Richard Feinberg thuộc Viện Brookings (Mỹ) nhận định với trang Market Watch.
Đến nay, kênh đào Panama là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới, nằm trong số những công trình lớn và gian khổ nhất từ trước đến nay với 27.500 công nhân chết trong suốt quá trình xây dựng, theo website chính thức của Cơ quan Quản lý kênh đào.
Pháp bắt tay xây dựng vào năm 1881 nhưng phải bỏ dở, rồi Mỹ nhảy vào và hoàn thành kênh đào vào năm 1914. Theo tờ Daily Mail, kênh Panama giúp giảm phân nửa thời gian đi lại giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đang chiếm 5% lưu lượng giao thương hàng hải toàn cầu. Cơ quan quản lý thu phí dựa trên chiều dài tàu và theo tính toán có từ năm 2013, tàu bè đi qua kênh Panama trả phí trung bình khoảng 54.000 USD/lượt.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.