Tham vọng không gian mới của Trung Quốc

Thanh Lương
Thanh Lương
09/12/2020 07:00 GMT+7

Mới đây, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai - bên cạnh Mỹ, có quốc kỳ được cắm trên mặt trăng, đánh dấu tham vọng không gian mới của nước này.

Cơ quan Quản lý không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) vừa qua đã công bố hình ảnh lá cờ nước này được cắm trên mặt trăng bởi tàu đổ bộ mặt trăng Chang'e (Hằng Nga) 5, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai, bên cạnh Mỹ - có quốc kỳ được cắm trên bề mặt vệ tinh này, theo tạp chí Nikkei Asia.

Tham vọng không gian mới

Không giống như cuộc đổ bộ lên mặt trăng của Mỹ hồi năm 1969, lá cờ Trung Quốc được cắm lên bề mặt vệ tinh tự nhiên của trái đất thông qua một cỗ máy, thay vì một phi hành gia. Cheng Chang, Giám đốc kỹ thuật của dự án, cho biết nhóm nghiên cứu đã dành hơn một năm để chọn chất liệu cho cờ, đảm bảo nó sẽ chịu được tia vũ trụ và sự biến nhiệt khắc nghiệt trên bề mặt mặt trăng.

Tàu không gian Trung Quốc thu thập đá trên "Đại dương Bão" của mặt trăng

Theo Tân Hoa xã, lá cờ được tàu Chang'e 5 mang lên mặt trăng có bề rộng 2 m, cao 90 cm, nặng khoảng 1 kg và việc cắm cờ này phải hoàn thành trong vòng chỉ 1 giây. Ngoài ra, một nhiệm vụ quan trọng khác của tàu Chang'e 5 trong sứ mệnh lần này là thu thập mẫu đất đá - ước tính khoảng 1,2 -1,3 tỉ năm tuổi - tại khu vực chưa từng được khám phá trước đây của mặt trăng là Oceanus Procellarum, chuyên san Nature đưa tin.
Theo CNSA, một phần mẫu đất đá của nhiệm vụ thu thập sẽ được khoan từ độ sâu 2 m bên dưới bề mặt vệ tinh và nếu Chang'e 5 quay về trái đất thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ ba trong lịch sử, thu thập thành công mẫu vật từ mặt trăng, bên cạnh Mỹ và Liên Xô. Trước đó, tàu Chang'e 5 đã đáp xuống mặt trăng vào tối 1.12. Đây là một phần trong chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc với kế hoạch xây dựng căn cứ trên mặt trăng vào khoảng năm 2030 và bắt đầu tìm kiếm tài nguyên ở đó vào năm 2035.
Ngoài mặt trăng, Bắc Kinh còn đặt mục tiêu tiến hành một chương trình thăm dò sao Hỏa vào năm 2021 - để kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tiếp theo sau đó, vào năm 2045, nước này mong muốn có thể gửi một phi hành đoàn lên hành tinh đỏ.

Muốn lấn át Mỹ

Những năm gần đây, ngành công nghiệp không gian của Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến đáng chú ý. Đơn cử như hồi tháng 6, Trung Quốc đã hoàn thiện chòm vệ tinh Bắc Đẩu (Beidou) - một hệ thống điều hướng vệ tinh, sau 26 năm phát triển và đang ngày càng lấn át hệ thống tương tự của Mỹ.
Trước kia, Mỹ là quốc gia đi đầu về hệ thống vệ tinh định vị nhờ vào việc phóng thành công vệ tinh đầu tiên - tiền thân của hệ thống định vị toàn cầu (GPS), từ năm 1978. Tuy nhiên, dữ liệu từ công ty phần mềm đo đạc trắc địa hàng đầu thế giới Trimble (trụ sở Mỹ) cho biết tần suất quan sát bởi các vệ tinh của Bắc Đẩu bây giờ đã vượt qua GPS.
Cụ thể, hiện nay thủ đô của 165/195 quốc gia lớn (tức khoảng 85%) đã được quan sát thường xuyên bởi nhóm vệ tinh của Bắc Đẩu. Hiện, chòm vệ tinh này đã có tới 30 cái, gấp đôi con số mà hệ thống GPS của Mỹ sở hữu.
Ban đầu, GPS được xây dựng để phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, chẳng hạn như dẫn đường tên lửa, theo dõi việc triển khai binh sĩ... Bằng việc phát triển công nghệ vệ tinh đối đầu với hệ thống của Mỹ, Bắc Kinh ngày nay có thể củng cố khả năng quân sự của mình, đồng thời, phô diễn mối đe dọa mới tới Washington.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.