Liên minh quân sự NATO, với sự tham vấn của Mỹ, ra sức phát triển trên toàn cầu, bao gồm cả việc tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á.
Ngày 7.11, trang Global Research của Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa tại Canada đã đăng tải bài viết của chuyên gia Rick Rozoff nhận định về tham vọng của NATO tại Đông Nam Á. Rick Rozoff là chuyên gia quân sự đặc biệt am hiểu về các hoạt động của NATO.
NATO toàn cầu
Nhiều năm qua, Mỹ luôn ủng hộ chính sách NATO mở rộng ra toàn cầu chứ không gói gọn trong khu vực Bắc Đại Tây Dương. Số lượng thành viên chính thức đã tăng từ 16 lên thành 28 trong 10 năm kể từ 1999. Hiện tại, NATO có hơn 40 đối tác trên khắp 4 châu lục bên ngoài châu u - Đại Tây Dương dưới sự bảo trợ của các chương trình như: Đối thoại hòa bình Á - u, Đối thoại Địa Trung Hải ở châu Phi và Trung Đông, Sáng kiến hợp tác Istanbul ở vịnh Ba Tư. NATO cũng có một loạt quan hệ mở rộng với các quốc gia ở nhiều khu vực khác nhau: châu Á - Thái Bình Dương (Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc), Chương trình quốc gia thường niên với Georgia và Ukraine.
Hồi tháng 9, Ivo Daalder, Đại diện thường trực Mỹ tại NATO, nói với các phóng viên Ấn Độ rằng: “Có một cuộc đối thoại sâu sắc với Ấn Độ là rất quan trọng”. Đại diện thường trực Mỹ tại NATO cũng thẳng thắn cho rằng Ấn Độ, thành viên sáng lập của Phong trào không liên kết gồm 120 nước, nên từ bỏ chính sách trung lập. Ông Daalder còn kêu gọi New Delhi hợp tác với Mỹ và NATO phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn quốc tế. Bên cạnh đó, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen vào tháng 9 đã nói với Tân Hoa xã rằng: “Tôi rất muốn thấy một sự tăng cường đối thoại giữa Trung Quốc và NATO”. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông Rasmussen cũng từng khẳng định NATO nên tiếp cận với các đối tác mới, bao gồm cả Bắc Kinh và New Delhi. Mặt khác, Daalder từ lâu cũng thúc giục NATO phát triển quan hệ đối tác với một nhóm các quốc gia bao gồm: Úc, Botswana, Brazil, Colombia, Costa Rica, Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, New Zealand, Nam Phi và Hàn Quốc.
Ông Daalder từng tuyên bố: “Chúng tôi đang tung ra NATO phiên bản 3.0”.
Tiến về Đông Nam Á
Trong phiên bản NATO 3.0, tổ chức này cũng muốn tích cực đẩy mạnh quan hệ với các nước Đông Nam Á. Tháng 5.2010, Hội đồng Đại Tây Dương của Mỹ là nhóm vận động chính cho NATO đã đưa ra học thuyết “Xây dựng một NATO Đông Á” được viết bởi chuyên gia quân sự Max Boot. Học thuyết này cho rằng mặc dù Washington có quan hệ quân sự mật thiết với nhiều nước Đông Á nhưng khu vực này lại chưa hình thành một cấu trúc an ninh như NATO. Cho nên, Mỹ cần sớm tham gia hình thành một liên minh giống NATO tại Đông Á và kết hợp cùng NATO.
Mỹ đang ráo riết vận động để NATO đạt được mục tiêu tăng cường quan hệ với các nước thuộc khu vực trên. Hồi tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tham gia cuộc họp chính thức của bộ trưởng quốc phòng 10 nước ASEAN diễn ra tại Indonesia. Ông Panetta đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro để “phát triển quan hệ song phương và thảo luận các vấn đề lớn hơn đối với khu vực Đông Nam Á”.
Cũng trong tháng 10, Robert Scher, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á, cũng có chuyến thăm 2 ngày đến Campuchia. Hai năm qua, Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận đa quốc gia có tên Angkor Sentinel diễn ra tại Campuchia. Vì thế, chuyến thăm còn là để thắt chặt quan hệ quân sự giữa Mỹ với Campuchia, nước sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN vào năm sau. Thời gian qua, Mỹ liên tục nhấn mạnh sẽ tiếp tục hiện diện tại châu Á và đặc biệt đẩy mạnh chiến lược quân sự ở Đông Nam Á. Đầu năm nay, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Geoff Morrell nói với các phóng viên rằng nước này có 28.500 quân ở Hàn Quốc và 50.000 binh sĩ tại Nhật Bản là một lực lượng đáng kể. Trong dài hạn, Geoff Morrell cho biết thêm Mỹ không nhất thiết sẽ đồn trú quân đội tại Hàn Quốc hay Nhật mà có thể triển khai dọc vành đai Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)