Lễ ký kết chuyển đổi số giữa EVNSPC và FPT Ảnh: EVNSPC cung cấp |
Nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ
Số liệu từ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, việc triển khai sửa chữa các dự án điện của Tổng công ty chỉ đạt 20% so với kế hoạch, khởi công 7/50 công trình và đóng điện 6/59 công trình lưới điện 110 - 220 kV. Các dự án lưới điện hạ thế cũng đạt con số khá khiêm tốn, với 149/559 công trình được đóng điện.
Đặc biệt, 3 tháng vừa qua, hàng loạt các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách toàn xã hội để phòng - chống dịch, các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh điện tại khu vực này tiếp tục bị chậm tiến độ bởi theo quy định, các dịch vụ không cấp bách bị hoãn. Chưa kể, chính quyền các địa phương phải dồn lực phòng chống dịch nên thiếu trầm trọng nguồn nhân lực phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng đến kiểm đếm tài sản trên mặt bằng giải tỏa… Tất cả kéo kinh doanh của ngành suy giảm nặng nề. Một số công ty điện lực địa phương tăng trưởng âm như Kiên Giang giảm 3% (tương đương giảm 52 triệu kWh); Đồng Tháp giảm 0,8% (14,5 triệu kWh); An Giang giảm 0,6% (10 triệu kWh) và Ninh Thuận giảm 0,2% (1,05 triệu kWh)...
Trong khi đó, số liệu từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong 2 tuần đầu tháng 9.2021 vừa qua, tiêu thụ điện toàn miền Nam tiếp tục lao dốc, giảm hơn 29% so với trước khi giãn cách xã hội từ giữa tháng 7. Đại diện EVNSPC cho biết, tiêu thụ điện trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng giảm mạnh, có đến 9/21 tỉnh thành trên địa bàn có tiêu thụ sản lượng điện công nghiệp xây dựng tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Trong tháng 8, tổng sản lượng thương phẩm của EVNSPC chỉ còn 172,8 triệu kWh, giảm 17% so với tháng 7 và giảm trên 75 triệu kWh so với sản lượng ngày lớn nhất trước khi dịch bùng phát lần thứ 4, tương ứng giảm gần 31% và hơn 16% so cùng kỳ.
“Dự báo sau thời gian giãn cách, ngành điện sẽ bị dồn áp lực lớn bởi quá nhiều dự án đang triển khai thiếu vật tư, máy móc, thiết bị do các công ty sản xuất ngưng cung ứng ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành công trình”, đại diện EVNSPC chia sẻ. Dù vậy, vị này cũng khẳng định, sẽ đóng điện đưa vào vận hành 552/559 công trình, tương đương 98,7% kế hoạch vào cuối năm nay.
Tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực phục vụ
Tổng công ty Điện lực miền Nam mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số |
Áp lực nhiều, doanh thu giảm so với kế hoạch được giao, song những gì EVNSPC thực hiện, triển khai được ngay trong năm thứ 2 bùng phát dịch Covid-19 khá ấn tượng. EVNSPC là một trong những đơn vị thành viên thuộc EVN tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngành. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, tính đến giữa tháng 8.2021, các đơn vị của tập đoàn đã hoàn thành 369 nhiệm vụ cụ thể được giao. Trong đó, EVNSPC nằm trong tốp đơn vị hoàn thành nhiều nhiệm vụ nhất với 59 nhiệm vụ, Điện lực miền Trung 60 nhiệm vụ, cơ quan thuộc EVN 46 nhiệm vụ, Điện lực TP.HCM 23 nhiệm vụ, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia 21 nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Phước Đức, Tổng giám đốc EVNSPC nhấn mạnh chuyển đổi số là chương trình trọng tâm và quan trọng nhất của Điện lực miền Nam giai đoạn hiện nay. Đến năm 2025, EVNSPC sẽ trở thành doanh nghiệp số. Đó cũng là động lực giúp Tổng công ty tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, phát huy tốc độ tăng trưởng và gia tăng uy tín với khách hàng. Theo kế hoạch, để trở thành doanh nghiệp số, EVNSPC phải bám sát 5 mục tiêu gồm: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, cải tiến quy trình quản lý và vận hành hệ thống điện; thiết kế trải nghiệm để thu hút khách hàng tương tác nhiều hơn trên các kênh kỹ thuật số; phân tích để thấu hiểu khách hàng và cải tiến quy trình; tối ưu hóa hoạt động quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu; xây dựng hệ sinh thái số linh hoạt với dữ liệu dùng chung, tăng bảo mật thông tin… Nếu hoàn thành 5 mục tiêu trên sẽ giúp EVNSPC trở thành một đơn vị “điểm” trong tập đoàn về chuyển đổi số, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực phục vụ và năng suất lao động.
Hỗ trợ khách hàng ngàn tỉ đồng
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4, nhân sự của Điện lực miền Nam cũng ảnh hưởng ít nhiều, đã có những ca F0 là công chức của ngành. Thế nhưng, bất chấp những khó khăn, EVNSPC vẫn vận dụng được mọi nguồn lực, trích hỗ trợ đến 11 tỉnh/thành phố với tổng số tiền là 33 tỉ đồng đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch. Trong bối cảnh cả nước nói chung và khu vực miền Nam (EVNSPC) nói riêng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, EVNSPC vẫn nỗ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, vừa chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và người dân; đảm bảo cung cấp điện cho 326 cơ sở, các điểm cách ly tập trung, 416 cơ sở y tế, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và 1.204 trạm, chốt kiểm soát dịch và giảm tiền điện chia sẻ khó khăn với người dân. Đặc biệt, EVNSPC đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện cho khách hàng trên địa bàn 21 tỉnh thành khu vực phía Nam (không bao gồm TP.HCM) đợt 3 và đợt 4 với tổng số tiền trên 1.170 tỉ đồng. Hiện đơn vị này vẫn đang tiếp tục thực hiện chương trình giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5 - ước giảm thêm khoảng gần 70 tỉ đồng cho khách hàng của mình như một sự chia sẻ khó khăn để cùng vượt qua cơn bão dịch bệnh. Trước đó, năm 2020, EVNSPC đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện 2 đợt cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại 21 tỉnh, thành phía Nam tổng cộng 4.366 tỉ đồng.
Thế nhưng, đại diện Tổng công ty nói một cách giản dị: “Những hỗ trợ của EVNSPC là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Qua đó, chúng tôi muốn gửi gắm tấm lòng, một phần công sức của người thợ điện miền Nam cùng đồng hành, chia sẻ với các địa phương, lực lượng tuyến đầu có thêm nguồn lực, điều kiện để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân các tỉnh phía Nam không may bị nhiễm Covid-19”.
Ngoài tiền mặt, EVNSPC đã tài trợ hệ thống thiết bị y tế trị giá 2,5 tỉ đồng cho Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP.HCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM; tài trợ Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai tại TP.HCM với 50 bộ máy tính, 50 bộ máy in phục vụ công tác quản lý điều trị; tặng Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 1.700 khẩu trang 3M 1870 và 500 bộ đồ bảo hộ y tế cấp 4 đạt chuẩn chất lượng sử dụng trong khu vực hồi sức điều trị bệnh nhân Covid-19 với tổng trị giá 150 triệu đồng.
Bình luận (0)