(iHay) Hôm nay (11.3), Nhật Bản kỷ niệm 3 năm ngày thảm họa kép động đất, sóng thần xảy ra đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người dân đất nước mặt trời mọc.
>> Khám phá lễ hội đom đóm lung linh của Nhật Bản
|
Đến vùng thảm họa
Dường như mới ngày hôm qua thôi, thảm họa đã ập đến nơi đây. Ngôi làng Yuriage cách thành phố Sendai thuộc tỉnh Miyagi khoảng 10km, vẫn còn đó những nỗi đau mất mát. Chỉ riêng ngôi làng ven biển này thôi, 700 người tên tổng số 7.000 dân làng đã thiệt mạng.
Tháng 3 ở đông bắc Nhật Bản, gió vẫn rít trên từng hàng cây trơ ra những nhánh gầy khẳng khiu không một chiếc lá. Nếu ở Osaka hay Tokyo, mùa này trời đã ấm, nhưng vùng đông bắc, tháng 3 vẫn là mùa đông. Cũng tháng này năm 2011, trong cái lạnh cắt da thịt, thảm họa đã tràn qua.
Từ Tokyo, vượt quãng đường cao tốc gần 600 km, chúng tôi đến Sendai trong 5 giờ đồng hồ bằng xe buýt. Cung đường này có đoạn ngang qua nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
|
Nhiều nơi ở Sendai, người ta treo những băng rôn có dòng chữ “Đừng khóc, Miyagi!” hay “Cố lên, Miyagi!”, như một lời động viên những người đang sống hãy can đảm vượt qua khó khăn, đau khổ để tiến về phía trước, để khôi phục lại vùng đất bị tàn phá bởi thảm họa.
Có nơi, người ta còn treo băng rôn có nội dung “Sendai và Miyagi, nơi những nụ cười luôn nở” để nhắc nhở mọi người đến đây đừng khóc, mà hãy nở nụ cười và giúp đỡ người dân địa phương bằng những điều thiết thực, như đưa du khách tham quan, tắm suối khoáng nóng, mua quà lưu niệm…
|
Miyagi là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi thảm họa kép, khi có tới 10.000 người trong tỉnh đã chết. Đường cao tốc Sendai - Tobu đến Yuriage xa bờ biển hàng cây số cũng là nơi sóng thần áp sát. Cánh đồng trơ trọi giữa gió lạnh 5oC của vùng ven biển đang được xe ủi cào xới đất mặt bị ngập mặn sau sóng thần để thời gian tới người dân có thể trồng trọt.
Vẫn điêu tàn
Thiên tai quả là khủng khiếp. Không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn. Ngôi làng Yuriage ven biển sầm uất trước kia giờ chỉ còn những con đường trống hun hút và từng khung nền nhà trơ trọi trong lác đác những bụi cỏ lau héo hắt giữa giá lạnh.
|
Những chồng lốp xe chất đống ven đường vẫn chưa xử lý xong. Số lốp xe hơi này được tháo ra từ những chiếc xe bị cuốn trôi ra biển hay kẹt lại đâu đó trên đất liền. Những chiếc máy nghe nhạc, vài chiếc ca nô, vỏ xe gắn máy méo mó vẫn còn vướng lại đâu đó bên những khu nhà hoang xơ xác.
Trên ngọn đồi đất cao giữa ngôi làng, người ta xây dựng một ngôi miếu để thờ cúng những người không may mắn. Từ đồi cao có thể nhìn bao quát một vùng rộng lớn ven biển trống trơ. Nhiều thẻ bài tưởng nhớ người đã khuất được dựng lên trên đồi. Những vòng hoa héo úa trong gió lạnh, khói hương nghi ngút. Gần đó, một nhà máy xử lý rác sau thảm họa vẫn đang hoạt động ở ven biển.
|
Nhiều gia đình ở nơi xa, không phải là người dân từng sống ở vùng này, thường đưa con cái về đây để cúng người đã khuất. Họ mang nhiều bó hoa đặt bên ngôi miếu thờ, thắp nén nhang và khấn vái. Có không ít người đứng lặng ở nơi đây hàng giờ đồng hồ cho đến đêm xuống mới rời đi.
Nhật Bản đang trong quá trình tái thiết lại vùng đông bắc sau 3 năm thảm họa động đất, sóng thần bằng việc xây dựng lại nhà cửa, các công trình thiết yếu…
|
Tuy nhiên, sau 3 năm, Nhật Bản vẫn chưa hoàn thành mọi công việc vì mới dừng lại việc dọn thành công 94% số rác thải sau thảm họa. Nhiều phần việc phải đang được thực hiện, đặc biệt là thu gom rác trên các cánh đồng.
Được biết, chính phủ Nhật Bản đã trích ra một khoản ngân sách lớn để hỗ trợ những người mất nhà cửa với hỗ trợ cho người có nhà bị hư hại vào khoảng 5.000 USD và 10.000 USD nếu mất hết nhà cửa.
Du ký của Nguyễn Trần Tâm
>> Thăm Nhật Bản mùa hoa anh đào nở
>> Khám phá 'trái tim công nghiệp' Nagoya của Nhật Bản
>> Đậm đà bánh xèo Nhật Bản
Bình luận (0)