Đá ong có thể tìm thấy bất kỳ đâu trong vườn nhà, ruộng đồng, đồi núi… ở mạn các huyện Thạch Thất, Sơn Tây, Ba Vì. Đá ong đã trở thành một chất liệu xây dựng quen thuộc của người dân Hà Tây suốt nhiều thế kỷ qua.
Đá ong để lát đường, xây bờ rào, xây tường nhà, chân móng, tường, bậc thềm đình, chùa… Rồi đá ong còn để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cho đến khi con người ta từ giã cõi đời, đá ong lại được dùng để xây mộ phần.
Tại những ngôi làng cổ như Đường Lâm ( Sơn Tây), Cốc Thôn ( Ba Vì) hay Thạch Xá, Yên Thái (Thạch Thất)… hiện vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm, rộng 5 gian với tường, móng xây bằng đá ong, mái lợp ngói ta (dân vẫn quen gọi là ngói mũi). Trải qua thời gian, kèo, cột, xà nhà đã bị phai mầu, hoen ố. Nhưng bức tường nhà, nền móng màu vàng thổ mặc nhiên ngấm bao nắng mưa mà vẫn không phai mầu.
|
|
Những lớp đá ong trầm tích đã lặng lẽ nằm sâu dưới lòng đất hàng nghìn năm. Để rồi khi bàn tay người khẽ vén ra, kỳ công đục đẽo, từng hòn, từng viên bỗng hiện lên đẹp lạ kỳ, đá ong xù xì, thô ráp trở nên có hình hài vuông thành sắc cạnh. Và cứ thế, ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất nghề làm đá ong và chế tác các tác phẩm nghệ thuật đã trở thành nghề mưu sinh và sáng tạo hết sức đặc biệt. Con đường chạy liên xã qua Bình Yên dài hơn 5 km, chúng tôi đã đếm được sơ sơ trên 100 xưởng nghề với những lao động làm công việc liên quan đến đá ong.
“Tuy vất vả nhưng thu nhập của nghề xây dựng từ vật liệu đá ong khá ổn định. Với 1 thợ xây chính có thể được trả 400 ngàn/ ngày công. Còn thợ phụ chẻ đá, khuân vác… thì theo tay nghề và thời gian làm việc cũng không dưới 200 ngàn/ngày. Xây nhà đá ong đòi hỏi sự kỳ công hơn rất nhiều so với xây gạch hay đổ bê tông cốt thép", một anh thợ có tay nghề hơn 20 năm ở Bình Yên cho chúng tôi biết.
|
|
Những ngôi nhà hiện đại thì yêu cầu của chủ với cánh thợ cũng rất cao. Sau khi xây xong một đoạn tường, thợ phải dùng máy xén cho những hàng đá ong phẳng và đều tăm tắp. Nhiều người ở vùng đất Thạch Thất được xem là thủ phủ của đá ong Xứ Đoài sau khi làm ăn phát đạt đã bỏ tiền tỷ ra xây nhà đá ong để sinh sống và lưu giữ hoài niệm. Nhằm giữ lại hồn cốt và nét văn hóa đặc trưng của người Xứ Đoài xưa, có người đã phục dựng lại tương đối nguyên bản nét kiến trúc xưa.
Ở xưởng chế tác đá ong nghệ thuật, 2 nghệ nhân Tăng Hữu Dũng và Nguyễn Văn Nghiêm đã sản sinh ra nhiều tác phẩm độc đáo. Những khối đá ong nặng hàng tấn được công nhân xén vuông vắn. Rồi chính từ các tảng đá ong như thế, dưới bàn tay tài hoa của hai nghệ nhân, những tác phẩm nghệ thuật đá ong đã ra đời. Ở đây chúng tôi thấy có những bức tượng 12 con giáp, thầy trò Đường Tăng, bông hoa sen trong chùa… bằng đá ong rất đẹp mắt.
|
|
Nghệ nhân Dũng tâm sự: “Làm món này trước tiên phải đam mê, thích và chịu được khổ. Có hôm tôi và các anh em phải dãi nắng cả ngày để đục đẽo cho bằng được vài họa tiết theo ý tưởng trong đầu mình”. Tấm biển hiệu UBND xã Bình Yên cỡ lớn được làm bằng đá ong, rồi 2 con nghê đá ong trước nhà tưởng niệm liệt sĩ… đều được làm ra từ bàn tay khối óc của ông Dũng và các đồng nghiệp
Ở vùng đất Xứ Đoài xưa, các ngôi làng cổ hầu hết nhà cổ được xây bằng đá ong. Đặc biệt đá ong cũng được dùng để xây dựng lên tường thành cổ Sơn Tây chống quân thù. Đá ong cũng được dùng để xây chùa Tây Phương và nhiều công trình tôn giáo, tâm linh khác.
Đá ong còn phảng phất đâu đó trong những ca từ, lời thơ:
“Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan…”
(Trích bài thơ Mắt người Sơn Tây của cố thi sĩ Quang Dũng).
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)