Ngày 22.6, TAND Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) mở lại 2 phiên tòa xét xử 2 vụ khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng dịch vụ pháp lý, giữa nguyên đơn là bà Trương Thị Bản (59 tuổi) và ông Phùng Quốc Lân (79 tuổi, cùng trú tại Q.Long Biên) với bị đơn là Công ty TNHH Luật Hải Nam do luật sư Vũ Mạnh Cường là người đại diện.
Phiên tòa từng được mở hôm 8.6 những phải hoãn vì bị đơn có đơn xin hoãn do đang bận công tác. Hôm nay, ở cả 2 vụ án, bị đơn tiếp tục vắng mặt.
Bác đơn kiện vì luật sư không vi phạm
Đối với vụ của ông Phùng Quốc Lân, ông vắng mặt và ủy quyền cho người đại diện. Trình bày tại tòa, đại diện của ông Lân giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa buộc Công ty TNHH Luật Hải Nam trả lại 50 triệu đồng tiền phí dịch vụ pháp lý cho ông.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định bác yêu cầu trên. Tòa cho rằng trong hợp đồng đã thể hiện các điều khoản rõ ràng, bao gồm nghĩa vụ của Công ty TNHH Luật Hải Nam là nghiên cứu thu thập hồ sơ đánh giá chứng cứ.
"Sau khi nghiên cứu hồ sơ, công ty đã tư vấn cho ông Lân và làm đơn tố cáo gửi cơ quan cảnh sát điều tra. Như vậy, công ty đã thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, việc ông Lân tố cáo luật sư vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng là không có căn cứ", tòa nhận định.
Về khoản tiền 50 triệu đồng, hợp đồng có ghi rõ "không được hoàn trả trong bất cứ trường hợp nào", vì thế không có căn cứ buộc Công ty TNHH Luật Hải Nam phải trả lại tiền.
Đối với vụ của bà Trương Thị Bản, quá trình xét xử, đại diện viện kiểm sát cho rằng hợp đồng pháp lý được ký khi chồng bà vẫn còn sống, nay ông đã mất. Giá trị hợp đồng không lớn nhưng cần tuân thủ đúng quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bà Bản.
Do đó, đại diện viện kiểm sát đề nghị hoãn phiên tòa để nguyên đơn nộp bổ sung giấy chứng tử và các giấy tờ liên quan. HĐXX chấp thuận đề nghị này, nhưng chưa công bố ngày mở lại phiên tòa.
Khởi kiện vì luật sư nhận tiền xong "không làm gì"
Theo nội dung vụ việc, năm 2014, chồng bà Trương Thị Bản tham gia kinh doanh đa cấp tại Công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Để có tiền, chồng bà Bản cầm cố sổ đỏ của gia đình để vay 300 triệu đồng, nhằm góp vốn kinh doanh.
Một thời gian sau, bà Bản phát hiện hợp đồng cầm cố bị "hô biến" thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Gia đình ngã ngửa, cho rằng bị lừa, vì thời điểm ký không được giải thích về việc này.
Sau khi sổ đỏ bị chuyển nhượng, người đứng tên mới đã thế chấp nhà đất của gia đình bà Bản để vay ngân hàng 4 tỉ đồng. Do không trả lãi và gốc theo đúng cam kết, người này bị ngân hàng khởi kiện, yêu cầu trả nợ; căn nhà của gia đình bà Bản đứng trước nguy cơ bị thu hồi.
Cũng giống chồng bà Bản, ông Phùng Quốc Lân cầm cố căn nhà để vay 1 tỉ đồng, nhằm có tiền mua các gói VIP kinh doanh đa cấp, và bị "hô biến" từ hợp đồng cầm cố sang hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cực chẳng đã, khi phát hiện bị lừa, bà Bản, ông Lân và 10 người khác ở Q.Long Biên cùng cảnh ngộ, bàn nhau tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý từ luật sư.
Tháng 7.2019, nhóm này ký các hợp đồng dịch vụ pháp lý với Công ty TNHH Luật Hải Nam, với tổng cộng chi phí hơn 600 triệu đồng.
Theo thỏa thuận, luật sư Vũ Mạnh Cường có trách nhiệm thu thập, xác minh, nghiên cứu hồ sơ vụ lừa đảo vay nợ, thế chấp, chuyển nhượng sổ đỏ; soạn thảo đơn từ, phối hợp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc…
Trình bày của phía nguyên đơn cho thấy, họ được luật sư Cường đề nghị ký tên vào một đơn tố cáo tập thể về hành vi của nhóm người liên quan kinh doanh đa cấp. Tiếp đó, 2 trong số này cùng luật sư đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội nộp đơn tố cáo, nhưng chỉ ngồi đợi ở ngoài cổng, không đi vào cùng.
Nhiều tháng sau, họ không nhận được thông tin cập nhật từ luật sư về việc đơn đã được gửi tới cơ quan công an hay chưa. "Ông Cường nói gửi đơn tố cáo từ 30.8.2019 nhưng tới nay gần 4 năm tôi chưa thấy hồi âm nào", bà Bản nói và cho biết đã cùng những người khác soạn đơn hỏi Công an TP.Hà Nội.
Ngày 19.5 vừa qua, phía công an trả lời, khẳng định ngày 30.8.2019 không tiếp nhận đơn nào của luật sư Cường. Cho rằng luật sư không làm đúng theo cam kết công việc, bà Bản, ông Lân cùng nhiều người khác khởi kiện, yêu cầu trả lại chi phí đã nộp.
Ngược lại, trình bày trong các văn bản gửi tới tòa, luật sư Vũ Mạnh Cường cho biết yêu cầu của các nguyên đơn là vô căn cứ.
Thực tế, ông đã có nhiều buổi trực tiếp tư vấn ngoài giờ hành chính cho nhóm bà Bản, sau đó thu thập, nghiên cứu hồ sơ và soạn đơn tố cáo. Ông cũng trực tiếp cùng 2 trong số họ đi nộp đơn tố cáo, đơn đã được tiếp nhận, vào sổ thụ lý và thực hiện đúng các bước tố tụng quy định.
Luật sư khẳng định việc giao kết giữa hai bên là tự nguyện, không vi phạm điều cấm, trong hợp đồng có ghi rõ "khoản 50 triệu đồng không được hoàn lại trong bất cứ trường hợp nào".
Thêm vào đó, các hợp đồng vẫn trong thời gian thực hiện, cơ quan điều tra đang làm việc thì bà Bản, ông Lân đột nhiên yêu cầu dừng công việc, đòi trả lại tiền. Luật sư này đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, vì đây là "việc làm thiếu tôn trọng pháp luật, không tuân thủ hợp đồng".
Bình luận (0)