Giành giật sự sống của người bị rắn độc cắn
"Cho đến hôm ni, tui biết trong họ hàng nhà rắn có trên 30 loài, trong đó có 15 loài có nọc độc cắn chết người, nhưng "thằng" cạp nia là khủng khiếp nhất. Nó chỉ bằng chiếc đũa hoặc to thì bằng ngón tay (thân khúc trắng, khúc đen), cắn không đau, không rát nhưng theo sách Tàu viết thì một con cạp nia có thể giết chết 40 con trâu mộng trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Hắn nhỏ nhưng nhanh, đớp trúng người là dễ chết như chơi, nhưng cứ 100 người đến đây, tui cũng chữa được 95 người" - ông Nhung khẳng định với tôi. Để minh chứng cho những gì ông nói, ông đứng lên ghế, lấy tập sổ ghi chép đã cũ, có cuốn đã nhàu nát từ trên sập thờ xuống lần giở cho tôi xem. Đó là tên, tuổi, địa chỉ và cả ngày, tháng, năm những người bị rắn cắn đến nhờ ông chữa. Những người này bị các loài rắn cực độc như cạp nia, hổ chúa cắn và hầu hết khi tay chân đã cứng đờ, mắt nhắm nghiền mới mang đến nhà ông. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngân, 22 tuổi, ở xã Khánh Thành (huyện Yên Thành) vào ngày 14/8/2001 khi đang bắt cua ngoài đồng, móc phải chú cạp nia. Vì không thấy đau rát nên chị chủ quan, cho rằng không bị trúng nọc độc của rắn. Về nhà thì xuất hiện triệu chứng tức ngực, miệng cứng đờ, da tái xanh, gia đình mới hoảng hốt mượn xe máy chở vượt hơn hai chục cây số đến nhà ông Nhung. Ông bình tĩnh cạy miệng, đổ chừng hơn nửa bát thuốc lá cây vo với nước và chừng sau vài giờ đồng hồ, chị Ngân đã động đậy, hé mắt.
Ông Hoàng Văn Nhung. (ảnh: N.K.T) |
Thần dược từ lá cây
Một trong những trang sổ ghi chép của ông Nhung về những nạn nhân bị rắn cắn đã đến cơn nguy kịch được ông cứu sống. |
Nhà ông nằm cạnh quả đồi vùng sơn cước, ngày xưa đây là khu rừng rậm. Những vị thuốc này đã được truyền qua ba đời. Ông được người mẹ thụ nghề cho khi ông mới 14 tuổi. "Gọi là nghề nhưng chỉ để cứu người khi cần, tui chỉ có nghề làm ruộng, nuôi lợn chứ không phải thầy thuốc". Hiện ông đã truyền lại cho 4 đứa con của ông để cứu người. Tuy nhiên, theo ông chỉ có thằng út là Hoàng Minh Châu có tâm huyết thụ nghề, hay học hỏi. Bây giờ, khi ông đi vắng, cậu này cũng có thể đảm đương trách nhiệm thay cha. "Việc cứu người thoát chết thì bình thường, nhưng qua kinh nghiệm, tui tâm phục nhất của bài thuốc là chữa xong, nạn nhân không hề bị ảnh hưởng, nhiều trường hợp phụ nữ có thai bị rắn cắn đã mê man nhưng tui cứu sống thì sau đó đều sinh nở bình thường", ông Nhung nói.
Cứu người không cầu lợi
Căn nhà cấp bốn nằm trên lưng ngọn đồi, bốn bức tường xây đã mục, vôi sắp rụng ra từng mảng. Trong nhà, ngoài hai chiếc giường, luôn có tấm phản rộng kê ở gian ngoài để dành cho nạn nhân bị rắn cắn đến nằm nhờ ông cứu chữa. Vài ba năm lại đây thưa hơn, nhưng những năm chín mươi của thế kỷ trước, mỗi năm, có khoảng vài trăm người đến nhờ ông cứu giúp. Đây là thời cao điểm của nạn buôn rắn sang Trung Quốc vì giá cao, lắm người lùng sục để bắt rắn và do đó nhiều người bị rắn cắn. Hầu như thời gian này ngày nào người ta cũng thấy võng cáng đến nhà ông, có ngày đến ba cáng. Nạn nhân hầu hết ở trong huyện và các vùng lân cận như Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương truyền nhau biết rồi đến. Có nhiều trường hợp đến nơi nạn nhân đã ở tình trạng nguy kịch, máu phun ra cả miệng. "Vợ và con cái tui thấy mấy trường hợp ni là hãi rồi, không cho vô vì lo họ chết trong nhà mình nhưng tui khoát tay "cứ đưa vô", đến nước ni là nguy lắm rồi không thể chậm được, cứu mạng người là quan trọng hơn cả". Cứu được người, nhưng dường như không bao giờ ông cầu lợi. Trong khi hiện nay, chữa khỏi một ca rắn độc cắn tại bệnh viện cũng tốn vài ba triệu đồng thì với ông, từ hơn 50 năm nay, chuyện tiền nong và hậu tạ không bao giờ ông nghĩ đến. Một người hàng xóm với ông kể: "Anh không biết chứ nhiều trường hợp được cứu sống, họ mang tiền bạc, có khi cả mấy triệu để tạ ơn nhưng ông ni là ông không lấy". "Họ cũng nghèo cả, mình cứu được người thì phải cứu, lâu ni tui có lấy của ai xu mô. Ba bốn năm ni, mình già rồi, làm không được nhờ con cái cũng phiền nên ai khá giả mà có lòng cho thì tui nhận dăm ba chục gọi là, không thì thôi, lấy chi", ông Nhung giải thích.
Ông cùng đứa con út đang sống bằng bốn sào ruộng khoán cùng việc chăn nuôi lợn. Gia tài của ông dành cho con cuối đời là căn nhà cấp bốn sắp bung vách và phương thuốc bí truyền chữa rắn cắn với tâm nguyện "làm phúc cứu người". Thiết nghĩ đây là một bài thuốc quý, ngành y tế nên quan tâm, làm sao để nó có thể, ở dạng nào đó, phổ biến rộng rãi cho những trường hợp bị rắn cắn có thể thoát khỏi những cái chết thương tâm vì không có thuốc chữa.
Nguyễn Khánh Thành
Bình luận (0)