'Thần gà' làng Đông Tảo: Cặp gà giá 120 triệu vẫn không bán

16/02/2015 14:17 GMT+7

(TNO) Năm nay 80 tuổi, ông Lê Xuân Vết, người xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã dành nửa đời người lăn lộn với nghề nuôi gà Đông Tảo. Tâm huyết của ông là bảo tồn, gìn giữ bằng được giống gà quý hiếm này.

(TNO) Năm nay 80 tuổi, ông Lê Xuân Vết, người xã Thành Công, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đã dành nửa đời người lăn lộn với nghề nuôi gà Đông Tảo. Tâm huyết của ông là bảo tồn, gìn giữ bằng được giống gà quý hiếm này.

'Thần gà' làng Đông Tảo: Cặp gà giá 120 triệu vẫn không bán - Ảnh 1.

Cặp gà trống vô giá của gia đình ông Lê Xuân Vết

Tại Hưng Yên có rất nhiều trại gà, nhưng ngỏ ý muốn viết về gà Đông Tảo, giống gà tiến vua nổi danh khắp vùng, thì người ta chỉ đến nhà ông Vết, vì ông là một trong số ít người có kinh nghiệm lâu năm nhất trong số những người nuôi gà Đông Tảo hiện nay.
Năm 1976, sau khi xuất ngũ, ông Vết trở về quê. Không giống như phần đông những người trong làng chọn nghề đồng áng để mưu sinh, ông Vết chọn nghề nuôi gà Đông Tảo mà các đời trước dòng họ ông đã theo đuổi.
40 năm nuôi gà tiến vua, tâm huyết lớn nhất của ông Vết là bảo tồn gìn giữ giống gà quý hiếm này. Đó cũng là lý do mà 2 con gà trống đầu đàn của ông được trả giá tới hơn 60 triệu đồng/con nhưng ông không bán, vì sợ bán đi sẽ không còn gà để nhân giống, trong khi những lứa gà kế tiếp chưa phát triển được như vậy.
'Thần gà' làng Đông Tảo: Cặp gà giá 120 triệu vẫn không bán - Ảnh 2.

Ông Lê Xuân Vết đang tự hào giới thiệu về gà giống của gia đình

"Nâng giấc" cho gà
Hiện tại, trang trại của ông Vết có 170 con gà Đông Tảo lớn nhỏ. Ông cho biết giống gà này rất khó nuôi và chậm phát triển, đòi hỏi người nuôi gà phải có đam mê rất lớn, kiên trì mới trụ lại được với nghề.
Theo ông Vết, khi nuôi gà Đông Tảo, phải tách gà trống gà mái ra riêng, không được nhốt lẫn với nhau. Các con gà rất thích rỉa nhau vào những chỗ màu đỏ. Rỉa nhiều dẫn tới chảy máu, máu chảy ra màu đỏ lại khiến chúng rỉa nhau nhiều hơn. Ngoài ra, việc tách gà thế này sẽ giúp cho con trống khỏe hơn khi đi “đạp mái”, tỷ lệ thụ tinh và nở trứng sẽ cao hơn.
Gà được cho ăn ngày 3 bữa, thức ăn nhiều chất xơ kết hợp với cám ngô, cám gạo, với tỉ lệ thành phần thức ăn 70% rau chuối, 20% cám ngô, 10% cám gạo. “Tuyệt đối không cho gà ăn cám công nghiệp, làm vậy sẽ không giữ được độ ngon của thịt gà. Hằng ngày tôi vẫn tự tay đi chặt chuối rồi về thái nhỏ, trộn cám cho gà ăn”, ông Vết nói.
Gà Đông Tảo cũng có nguy cơ cao mắc bệnh giống như những loại gia cầm khác. Để phòng bệnh cho gà, ông Vết phải tự mày mò, tìm hiểu đủ cách chữa bệnh, bảo vệ gà, rồi trở thành… bác sĩ thú y từ khi nào không hay.
Để có được gà như ý, ông luôn giữ nhiệt độ chuồng gà 28 - 30 độ vào ngày thường. Vào những ngày rét, nhiệt độ phải giữ ở mức 25 độ, che chuồng kín, nếu quá lạnh và sương muối thì phải bật đèn lên sưởi ấm cho gà. Những đêm mưa gió lạnh buốt, ông đều vào chuồng kiểm tra, đợi đến khi gà đi ngủ rồi ông mới vào nhà ngủ.
'Thần gà' làng Đông Tảo: Cặp gà giá 120 triệu vẫn không bán - Ảnh 3.

Cặp chân gà Đông Tảo này to bằng chai nước chanh muối

Không bán bằng mọi giá để giữ thương hiệu
Gà Đông Tảo nhiều năm nay trở thành một trong những mặt hàng được săn đón và có giá trị cao. Chính vì thế, nhiều người nuôi gà bất chấp các tiểu xảo, quảng cáo gian dối hoặc đưa ra những thông tin không chính xác để thu lợi nhuận.
Với riêng ông Vết, dù là người mua với mục đích gì thì ông cũng đều có những quy tắc riêng. Ông không bao giờ bán gà mới nở, vì ông cho rằng gà còn quá nhỏ, tỷ lệ cân đối chưa đạt 100%. Trong quá trình sinh sản có thể xảy ra xáo trộn về tỷ lệ gen, đột biến gen, sẽ sinh ra những con gà có gen trội hẳn lên. Những con nào nhiều gen bố hơn thì sau này chắc chắn sẽ rất to khỏe, hơn cả bố, còn những con nhiều gen mẹ thì phát triển lên sẽ rất yếu. Do vậy, ông muốn bán gà khi đã đủ tối thiểu 1 tháng tuổi, vì lúc đó đã đủ thời gian để ông phòng ngừa bệnh cho gà bằng việc nhỏ vắc xin.
Ông thường bán 1 trống 4 mái, hoặc 2 trống 6 mái để người mua gà về nuôi có thể phát triển, sinh sản giống. Với gà nuôi để lấy thịt thì phải đủ từ 1 năm tuổi trở ra ông mới cho tiêu thụ. Ông chia sẻ: “Ít nhất 1 năm tuổi con gà mới phát triển đảm bảo chất lượng thịt. Nuôi 1 năm trở ra bì gà càng dầy nó sẽ tạo độ giòn của con gà, thớ thịt càng dầy càng đỏ hơn”.
Với những con gà thuần chủng 1 năm tuổi trở lên, ông Vết bán 6-7 triệu đồng một con. Còn với gà 1 năm tuổi trở lại thì bán 3-3,5 triệu đồng. Gà con làm giống có giá 500 nghìn một con. Đặc biệt, với loại gà 2 năm tuổi trở lên và là những con đẹp, có thể phối giống, giá có thể lên đến 40-50 triệu đồng/con.
Thời điểm tiêu thụ gà mạnh nhất là giáp Tết. Trước đây nhiều người mua gà để biếu, làm quà tặng nhưng bây giờ cuộc sống phát triển, nhu cầu hưởng thụ của mọi người cũng tăng theo, rất nhiều người tìm đến ông để mua gà về ăn.
Thỉnh thoảng cũng có những đoàn khách từ Hà Nội xuống nhà ông Vết chơi, tham quan trang trại gà và thưởng thức gà Đông Tảo 12 món do tự tay ông chế biến.
Ông Vết còn lập một trang facebook để chia sẻ, tư vấn cách nuôi gà với mọi người, cũng như giới thiệu gà của mình với những ai có nhu cầu mua.
Gà Đông Tảo (hay Đông Cảo) là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô, khi trưởng thành có trọng lượng lớn, trên 4,5 kg (gà trống) và 3,5 kg (gà mái). Đây là loại gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Trước đây gà thường được dùng trong cúng tế, hội hè hay dâng cho vua chúa. Gà Đông Tảo thuộc danh sách các giống gia cầm quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.